Người dám đi 'ngược'

La Quốc Bảo chủ nhân của những đôi giày với những nét vẽ độc đáo hoa văn triều Nguyễn
La Quốc Bảo chủ nhân của những đôi giày với những nét vẽ độc đáo hoa văn triều Nguyễn
TP - Nhà thiết kế La Quốc Bảo (quê Kiên Giang), chủ nhân những đôi giày Converse độc, lạ với những họa tiết hoa văn triều Nguyễn đã lan tỏa nét văn hóa xưa đến gần với các bạn trẻ ngày nay.

Từ đam mê nghệ thuật đến ý tưởng khởi nghiệp

Ðược sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, La Quốc Bảo dễ dàng tiếp cận những loại hình nghệ thuật văn hóa từ nhỏ và sớm nở rộ tài năng mỹ thuật. Nhưng phải cho đến năm cấp 3, Bảo mới thực sự tiếp thu thêm nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là triều Nguyễn, một cách nghiêm túc, và luôn không ngừng tìm cách để phát triển. Chính điều này khiến Bảo lựa chọn theo học ngành kiến trúc của Ðại học Monash (Melbourne - Úc). Ðể được bước chân vào ngôi trường danh tiếng đó, Bảo có thời gian miệt mài cọ vẽ trong các lò luyện để từng ngày chắc tay hơn. Ngoài luyện vẽ tượng, cậu thích thú với việc vẽ màu nên dành nhiều thời gian ở để luyện kỹ năng này. “Khi tìm hiểu về hoa văn họa tiết dân tộc, sự đa sắc, cổ điển đã thu hút mình nhiều hơn. Ðiều này cũng giúp mình tạo ra những tác phẩm giao thoa cổ-kim sau này”, Bảo nói.

Dấu mốc quan trọng để đến với nghề vẽ hoa văn truyền thống lên giày xuất phát từ chuyến tham quan di tích nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê (Huế) vào năm 2018. Tại đây, chàng trai trẻ như bị cuốn hút vào sự độc đáo của triều Nguyễn mà trước giờ cậu chưa hề nhận ra. Sau đó, cậu nhanh chóng gia nhập các group trao đổi lịch sử để chuẩn bị một hành trang nghiên cứu kỹ lưỡng.

Sau đó, phải đến cuối tháng 9/2016 thông qua nhãn hàng riêng là BARO, Bảo mới chính thức vẽ hoa văn lên những đôi giày nhưng mới ở mức thử nghiệm một  hoạ tiết Trung Hoa và Tây Tạng đơn giản. Phải đến tháng 7/2018, dòng giày vẽ thủ công mới chính thức ra mắt với bộ sưu tập (BST) “Annam Heritage” khai thác chất liệu cung đình nhà Nguyễn. Loạt phối màu đầu tiên của Bảo với tên gọi “Nhật Bình” lấy cảm hứng từ lễ phục cùng tên, cũng là từ bức hình màu hiếm hoi của bà Chúa Nhất tức Mỹ Lương trưởng công chúa mà Bảo vô tình bắt gặp vào một buổi học lịch sử của lớp 11.

Ðể sáng tạo ra một sản phẩm mãn nhãn người xem, Bảo mất từ 20-35 tiếng làm việc không kể thời gian nghỉ ngơi gồm các công đoạn cơ bản: Lên ý tưởng, vẽ phác thảo, nhuộm màu, lên chi tiết, tinh chỉnh và sấy khô… Mọi họa tiết trang trí trên đôi giày đều vẽ thủ công, vì vậy, Bảo chăm chút từng đường nét, không được vẽ sai chi tiết nào vì vải giày thấm sơn rất nhanh, gần như không tẩy xóa được. Bí quyết để không “sai một li”, Bảo vẽ thử nghiệm lên một tấm vải canvas, sau đó tiến hành vẽ thật trên giày.

“Ðể ứng phục họa tiết triều phục lên đôi giày, mình phải hiểu rõ về trang phục gốc trước, nắm rõ điểm chính cần giữ lại họa tiết của loại trang phục đó và lên ý tưởng ứng dụng vẽ lên giày. Và nó cũng quyết định sản phẩm “ra lò” có sự khác biệt hay không”, Bảo nói.

Vấp phải những chỉ trích từ cộng đồng mạng

Người dám đi 'ngược' ảnh 1 Nhà thiết kế La Quốc Bảo

Sau khi ra mắt bộ sưu tập vẽ hoa văn triều Nguyễn lên giày, không ít diễn đàn, cộng đồng mạng cho rằng việc làm của Bảo là đi ngược thuần phong mỹ tục và không phù hợp để vẽ họa tiết lên giày. Ðáp trả điều này, chàng trai 23 tuổi chia sẻ thật lòng: “Ngày xưa giày cũng thêu đầy rồng phụng và mỹ tự như phúc thọ đấy thôi. Theo cái nhìn của Bảo, một vài người bị “đứt gãy” văn hoá sau chiến tranh nên vô tình cảm thấy thiêng liêng hoá các cách trang trí cung đình, dần thành một nỗi sợ có hơi tiêu cực. Mục tiêu của mình là góp phần xoá bỏ nỗi sợ đó, để họ có cái nhìn thoáng và dễ đón nhận hơn thay vì cứ thần thánh thái quá như vậy”.

“Làm sao cho những sản phẩm “đúng” và có nghiên cứu bài bản được phổ biến rộng rãi hơn nữa, vì trước mắt tình trạng đội lốt văn hóa để kinh doanh một cách vô tội vạ đã vô tình kéo thẩm mỹ của không ít người tiêu dùng xuống rất thê thảm”.

 La Quốc Bảo

Trong mỗi đôi giày, Quốc Bảo đều lồng ghép gửi đi thông điệp riêng để tôn vinh từng khía cạnh nghệ thuật chứa đựng bên trong. Cậu hy vọng với những đóng góp này ít nhiều có thể đưa tinh hoa ngày xưa đến gần hơn với thế hệ trẻ, dần xoá bỏ các lầm tưởng về nghệ thuật của cha ông và nâng cao niềm tự hào dân tộc.

Ðiều làm Bảo trăn trở là làm sao cho những sản phẩm “đúng” và có nghiên cứu bài bản được phổ biến rộng rãi hơn nữa, vì trước mắt tình trạng đội lốt văn hoá để kinh doanh một cách vô tội vạ đã vô tình kéo thẩm mỹ của không ít người tiêu dùng nói chung xuống rất thê thảm.

“Họ xuề xoà và chấp nhận những sai sót cơ bản để chạy đua theo phong trào chụp ảnh, phong trào mì ăn liền mua một lần rồi thôi. Ta không cần những bộ váy áo thêu đính cơ man nào là kim tuyến, kim sa trị giá trăm triệu giống người xưa. Ðồ in cũng đã đảm bảo được hình thức đẹp rồi, nhưng quan trọng là phải biết phom dáng thế nào là đúng, hoa văn có phù hợp hay chưa, cách thức phối đồ có đúng quy chuẩn không, Bảo nói.

 Ngoài ra, theo Bảo các tổ chức sự kiện tuyên truyền tinh hoa Việt Nam nhưng lại vô trách nhiệm trong quá trình thiết kế, dùng những hoa văn chắp vá từ Trung Hoa, Nhật Bản, hay Hàn Quốc vào trong thiết kế đậm chất Việt. Ðơn cử gần đây có một chương trình dùng hình ảnh bổ tử (tức miếng hình vuông có thêu/dệt hình chim hoặc linh thú, đính ở trước và sau phẩm phục của quan lại và hoàng thân) của nhà Thanh, Trung Quốc để trang trí tà áo ngũ thân trong poster nhưng lại rêu rao là hoa văn nhà Lê Sơ.

 
Người dám đi 'ngược' ảnh 2 Ðôi giày cầu kỳ được Bảo vẽ thủ công mất 20-35 tiếng làm việc mang lại niềm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tìm hiểu về nét đẹp văn hóa dân gian
Theo Bảo, những hành động này tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại vô tình gieo mầm móng lệch lạc nhận thức, mà thuật ngữ gọi “cultural appropriation” - lạm dụng/đánh cắp văn hóa.

“Hi vọng với chút công sức ít ỏi, em sẽ phần nào cải thiện và nâng cao nhận thức của cộng đồng về một nền văn hóa cổ phục đang gặp nhiều trắc trở nhưng cũng đầy tiềm năng không thua kém nước bạn trong khối đồng văn”, Bảo nói.

La Quốc Bảo là thành viên sáng lập nhãn hàng BARO đang là thành viên của một nhóm nghiên cứu tự do chuyên phục dựng, phỏng dựng lại các trang phục, vật phẩm dành cho các lễ nghi trong hoàng cung Nguyễn với tiêu chí bám sát nhất về mặt “hình thức”.

Cuối năm 2019 tại Sydney, triển lãm “Present from the Past” của Vietnam Centre đã được tổ chức nhằm quảng bá những cổ vật của Việt Nam ra thế giới. Tại triển lãm, BARO đã mang 3 mẫu giày đi trưng bày gồm “Nhật Bình” màu chánh hoàng, “Mành Rồng” và “Ðông Hồ: Ðàn Lợn”.

MỚI - NÓNG