Vị Tướng mặc Blouse trắng

Chân dung Tướng Sơn. Ảnh: Như Ý
Chân dung Tướng Sơn. Ảnh: Như Ý
TP - Nguyễn Hồng Sơn là tướng quân y nhưng lại có căn tính nghệ sĩ. Nói như Albert Camus, nhờ căn tính ấy “những tay đáng kể” mới sáng tạo ra những giá trị chưa từng có. 

Trong số những giá trị mà tướng Sơn và đồng đội đã tạo ra: quy hoạch kiến trúc quần thể y tế có sân bay trực thăng cấp cứu đầu tiên; phát triển trung tâm y tế ở Huyện đảo Trường Sa; tổ chức, huấn luyện bệnh viện dã chiến đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan... cái nào cũng được tiến hành trong điều kiện không có tiền lệ. 

Nợ tình với Trường Sa

Đồng nghiệp của tôi, đã đi Trường Sa nhiều lần, kể: ngoài ấy có một bài “Trường Sa ca” (tên gốc là “Sức sống Trường Sa”) do một bác sĩ sáng tác, được nhiều chiến sĩ cài làm chuông nhạc chờ. Tác giả ca khúc đó chính là PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, cũng là người chuyển hóa ý tưởng Trung tâm y tế Trường Sa thành hiện thực - được quân và dân ở đây coi như một địa chỉ có thể giao phó tính mạng.

Câu chuyện giao phó tính mạng có hơi hướng nghĩa hiệp này được nhiều bệnh nhân chứng thực. Hai năm trước, ông Nguyễn Công C. (43 tuổi) là công nhân gác đèn biển ở đảo Đá Lát (thuộc quần đảo Trường Sa) bị nhồi máu cơ tim. Khi ông C. bò được xuống chân ngọn hải đăng, đồng đội bảo: Yên tâm, sắp có máy bay ra đón về 175 rồi. Và ông đã được đưa thẳng từ máy bay vào phòng can thiệp, nong ba điểm tắc của mạch vành… Ông kể: Lúc bò xuống chân ngọn hải đăng đau đến tinh thần hoảng loạn tưởng như cái chết đã cận kề. Sau khi nghe đồng đội an ủi, ông tự nhủ sẽ cố gắng đợi đến lúc có máy bay ra, về đến 175 chắc là sống được!

Một quân nhân khác được chẩn đoán là viêm tụy cấp, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng... vừa gặp lúc chuyến bay của Tướng Sơn đến đảo, ông đề nghị tổ lái tháo hàng ghế để đặt cáng nằm cho bệnh nhân. Bệnh nhân được vận chuyển về kịp thời, lọc máu và  điều trị tích cực, sau ba tuần ra viện.

Một ví dụ khác, lâu nay vẫn được coi như một biểu tượng của sức sống Trường Sa, chính là sự ra đời của hai em bé ngay trên đảo. Nói thêm là trước đây ở Trường Sa, phụ nữ mang thai sẽ được đưa vào đất liền theo dõi và sinh con. Trường hợp của vợ chồng chị Thúy xin Đảo trưởng cho sinh con trên đảo là đầu tiên. Vì đề bài mang tính bước ngoặt này, bệnh viện 175 phải chuẩn bị trong suốt 7 tháng. Độ khó của nhiệm vụ tăng lên khi sát ngày sinh kíp mổ phát hiện chị Thúy có ngôi thai nằm ngang, bị u xơ tử cung,  thiểu ối và dây nhau quấn cổ thai nhi hai vòng.

Tất cả mọi chi tiết cho ca mổ đều được chuẩn bị “không một kẽ hở”, song cả những bác sĩ trực tiếp đứng trong phòng mổ, lẫn ê kíp hỗ trợ từ xa đều phải gánh trên vai áp lực không được phép thất bại. Giây phút tiếng khóc của bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân vang lên, các bác sĩ ôm nhau gạt lệ. Tên cô bé là tên ghép của hai bác sĩ trực tiếp cầm dao mổ cho mẹ em. Sau này, khi được vào TPHCM, Trường Xuân nói rằng, có hai điều bé thích nhất, một là tiếng sóng biển, hai là bác sĩ Sơn. Chị Thúy giải thích: vì vợ chồng hay nói với con, nếu không có bác Sơn thì mẹ con mình nguy rồi!

Bốn năm sau, một bé khác: Thái Bình Hải Thùy cũng được sinh ra ở Trường Sa trong hoàn cảnh tương tự. Tên em cũng là tên ghép của các bác sĩ, mang theo cả ước mơ về một vùng biển thái bình, vĩnh viễn mùa xuân.

Vị Tướng mặc Blouse trắng ảnh 1 Tướng Sơn ở Guantalamo, CuBa

30 năm trước, trạm xá ở Trường Sa chỉ là một tổ quân y 3 người, trang thiết bị hành nghề không có gì ngoài ống nghe và máy đo huyết áp… Từ những lần ra công tác về bác sĩ Sơn luôn đau đáu cho một bệnh xá có đủ năng lực giải quyết những bệnh lý cấp tính thông thường trên đảo. Năm 2015 Trung tâm y tế được khởi công với tổng mức đầu tư trên 35 tỷ. Ông tiếp tục vận động các nhà tài trợ ủng hộ kinh phí mua trang thiết bị, số tiền phát hành CD “Sức sống Trường Sa” của ông được hơn 3,5 tỷ, tiền tài trợ hai đêm nhạc của ông 1,2 tỷ cũng dành cả để mua máy thở cho Trường Sa và học bổng cho hai cháu bé. 

Cũng chính ông rốt ráo thúc đẩy việc kết nối truyền hình trực tuyến (Telemedicine) giữa bệnh xá và Bệnh viện 175 để sớm làm chẩn đoán chính xác, từ đó lựa chọn một phương pháp điều trị phù hợp nhất trong hoàn cảnh thực tiễn. Bước tiến này được đánh giá là đã làm thay đổi căn bản chất lượng chẩn đoán và điều trị ở Trường Sa.

Từng là ước mơ viển vông

Từ năm 2001, sau chuyến công tác từ Úc về, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn có một bài báo khiến ông bị cho là mơ mộng hão huyền: “Bao giờ Việt Nam có trực thăng cứu hộ”? Thực ra, câu chuyện này manh nha từ sau chuyến hội thảo ở Úc năm 1999 khi ông lần đầu được chứng kiến cuộc cấp cứu trên không cho một bệnh nhân nhồi máu cơ tim và những chuyến vận chuyển ghép tạng.

Khi ấy, chuyện cấp cứu ở Trường Sa còn muôn vàn khó khăn, mạng viễn thông phập phù, những chuyến cấp cứu không cướp được giờ vàng, đưa bệnh nhân về đến đất liền chỉ còn là câu chuyện chính sách. Từ khi ấy, vị bác sĩ xuất thân từ khoa hồi sức cấp cứu đã mơ đến một sân bay trực thăng tại viện để giải quyết những ca cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn... khẩn cấp cho đồng đội lẫn bệnh nhân của ông.

Kiên trì đeo đuổi giấc mơ, mãi đến năm 2013, Thủ tướng Quyết định đề án 125, đề nghị xây dựng 5 bệnh viện chất lượng cao cấp T.Ư để giảm tải cho các Bệnh viện T.Ư khác, trong đó bệnh viện 175 được chọn là nơi triển khai dự án Chấn thương chỉnh hình. Câu chuyện trực thăng cứu hộ được bật đèn xanh khi Thủ tướng chỉ đạo xây dựng trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ, đường không, đường thủy, đáp ứng các tình huống khẩn cấp về y tế.

Lần này, hai sân bay trực thăng được thiết kế ngay trên nóc của Viện chấn thương chỉnh hình trong khuôn viên viện 175. Năm 2019 sân bay bắt đầu bay thử và đến ngày 19/12 vừa rồi, sân bay trực thăng của Bệnh viện 175 chính thức được Bộ Quốc phòng cấp phép hoạt động về cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn... Đây là sân bay cấp cứu hàng không đầu tiên của Việt Nam tính đến thời điểm này.

Bác sĩ Sơn ví chặng đường 30 năm theo đuổi chuyện cấp cứu bằng trực thăng giống như “giấc mơ ông lão vườn chim”. Nhân viên của ông lại kể: từ lúc có trực thăng cấp cứu, bất cứ máy bay về vào giờ nào họ đều phải gọi điện báo bình an cho “bác Sơn” yên tâm, không có ngoại lệ.

Nhờ phương tiện cấp cứu hiệu quả này, không chỉ quân nhân, mà còn nhiều ngư dân ở đảo Trường Sa đã giành lại sự sống trong đường tơ kẽ tóc. Trong đó có những ca tiên lượng tử vong đến 90%. Khi thông tin về sân bay trực thăng cứu hộ ở bệnh viện 175 được cấp phép hoạt động, nhiều độc giả bình luận: chỉ cần đưa bệnh nhân vượt qua những đám tắc đường, triều cường khủng khiếp ở Việt Nam đến bệnh viện kịp thời, thì công trình này cũng xứng đáng trao Huy chương vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân!

Bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc

Một nhiệm vụ cũng gần như bất khả thi khác mà tướng Sơn phải đứng mũi chịu sào chính là thành lập bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam để phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc (LHQ) ở Nam Sudan.

Bà Nguyễn Phương Nga (nữ Thứ trưởng ngoại giao đầu tiên của Việt Nam) kể lại trong một lần trả lời phỏng vấn: “Trong những lần đầu gặp đại diện của LHQ để đàm phán về việc lập bệnh viện dã chiến, tôi đã nghĩ làm thế nào mà Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu quá mức khắt khe này”?

Tướng Sơn và các đồng đội của ông đã mất nguyên bốn năm để chuẩn bị cho cuộc đem chuông đi đánh xứ người. Bởi vì chưa từng có tiền lệ, từ câu chuyện tổ chức biên chế, trang thiết bị, hành lang pháp lý, luật, cho đến các ứng xử tôn giáo, nguyên tắc ứng xử giữa nhân viên phái bộ và người dân, kỹ năng sinh tồn của y bác sĩ... mỗi câu hỏi đều để ngỏ. Mày mò từng bước, và hành động “nấu cháo rìu” đầu tiên của bác sĩ Sơn chính là quyết định mời chuyên gia nước bạn sang Việt Nam “trao đổi học tập” để lấy kinh nghiệm.

“Họ nói về kinh nghiệm lập bệnh viện dã chiến, cách sinh tồn ở trong hang, rừng, cách thích nghi với cuộc sống ở trong container, đối mặt áp lực nằm trong thùng kín và sự chênh lệch nhiệt độ (ban ngày 50 độ đêm 10 độ), rắn rết, côn trùng, vi khuẩn... Nhưng nguy hiểm hơn cả vẫn là khả năng bất cứ lúc nào cũng có thể bị tập kích, tôi đã sang đó hai lần, khi tôi viết “vai bé chăn bò lủng lẳng súng A-ka, một đất nước mà súng nhiều hơn gạo” - (mỗi người dân trung bình có 4 khẩu súng), nhiều người không tưởng tượng nổi”, tướng Sơn cho biết.

Liên tục những khóa tham vấn tâm lý, huấn luyện sinh tồn, lớp học ngoại ngữ và cả lớp nấu ăn... được mở. Các bác sĩ ở viện 175 có lẽ chưa khi nào có thể hình dung mình sẽ trải qua những khóa huấn luyện giống như trong đội đặc nhiệm SEAL (Mỹ). Có thể nói, bốn năm ấy là bốn năm cân não của rất nhiều người. Cũng nhờ những chuẩn bị chu toàn, bệnh viện dã chiến của Việt Nam (gọi tắt là bệnh viện 2.1) chỉ trong 6 tháng đã cứu chữa số bệnh nhân bằng các bệnh viện khác chữa trong 1 năm, thậm chí cứu được vợ thống đốc bang qua cơn nguy kịch. Một chi tiết thú vị nữa, các tiệc tùng sau đó của LHQ ở Nam Sudan đều do bệnh viện 2.1 tổ chức vì đội hậu cần ở đây có tiếng là nấu ăn ngon.

Hết một năm hoàn thành nhiệm vụ, bệnh viện 2.1 được tặng thưởng Huân chương hòa bình LHQ. Khi gặp tướng Sơn, Trưởng Phái bộ đã nói rằng: Từ trước tới nay tôi chưa thấy bệnh viện nào tốt như bệnh viện này và cũng không biết sau này có bệnh viện nào tốt hơn không? Bệnh viện 175 của ngài giờ nổi tiếng đến mức giao ban LHQ là người ta nhắc đến!

Vị Tướng mặc Blouse trắng ảnh 2 Chân dung Tướng Sơn
Vị Tướng mặc Blouse trắng ảnh 3 Tướng Sơn (ngoài cùng bên trái) ở Nam Sudan

Trong hội họa có khái niệm “Renaissance man” - Người đàn ông của thời kì Phục Hưng, để chỉ riêng những nghệ sĩ đa tài trong rất nhiều lĩnh vực. Bác sĩ Sơn chính là một Renaissane man tiềm ẩn nhiều bất ngờ. 
Ông có thể chơi trống (từng có biệt danh là Sơn trống), guitar, piano, sáng tác (hiện sở hữu khoảng năm chục bài hát), ứng khẩu thành thơ... Ông là nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược, là thầy thuốc nhân dân. Nhân viên của tướng Sơn vừa yêu ông, kính nể ông, vừa ngại cái bóng của ông. 

Nhiều sáng tác của ông được hàng chục ca sĩ cover, các giải thưởng âm nhạc đủ để xét tặng nhiều danh hiệu. Thú vị ở chỗ, những thăng hoa này hầu hết đều bắt đầu từ một đơn đặt hàng, một nhiệm vụ, có ca khúc từ lúc ông đặt bút viết cho đến khi lên sóng truyền thanh chỉ vỏn vẹn 3 giờ đồng hồ. “Tôi không có thời gian để ngâm câu nhả chữ, để đột phá hay cách tân...”.

Hai sân bay trực thăng được thiết kế ngay trên nóc của Viện chấn thương chỉnh hình trong khuôn viên viện 175. Năm 2019 sân bay bắt đầu bay thử và đến ngày 19/12 vừa rồi, sân bay trực thăng của Bệnh viện 175 chính thức được Bộ Quốc phòng cấp phép hoạt động về cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.