Áo xanh trải nghiệm vùng cao

Áo xanh trải nghiệm vùng cao
TP - Hè đến, thay vì về nhà nghỉ hè cùng bố mẹ, nhiều sinh viên tình nguyện lên vùng cao Yên Bái xóa mù chữ cho đồng bào, tham gia mở đường, xây dựng nhà vệ sinh, đào hố rác, đi thu hoạch lúa cùng dân bản…

Người rẻo cao biết viết tên mình

Đã hơn một tháng nay, ngày nào, chị Thào Thị Nhứ (46 tuổi) cũng đến điểm trường tiểu học xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) để học chữ thay cho “nếp” thường ngày, chị Nhứ chỉ ở nhà chăm sóc gia đình, làm nương, nuôi gà, lợn.

Từ mù chữ, không đọc được với sự động viên của các bạn trẻ và các cô giáo - sinh viên tình nguyện đến từ trường CĐ Sư phạm Yên Bái, đến nay, qua hơn một tháng theo học, chị Nhứ đã đánh vần, được những câu từ đơn giản và viết được tên mình. Chị Nhứ hiện có 3 người con, đến nay đều đã trưởng thành, người đi dạy học, người làm ở Ủy ban xã.

Giống như chị Nhứ, 30 học viên khác trong bản hằng ngày cũng đến lớp với mong muốn biết mặt con chữ, viết được tên mình. Năm nay 19 tuổi, Sùng Thị Rùa trẻ nhất lớp. Vì gia đình khó khăn, Rùa không đi học để nhường cho các em được đến trường. Lấy chồng được hơn một năm, nhưng đến nay, Rùa mới làm quen với tiếng Việt. Hiện Rùa viết được tên mình và những từ đơn giản như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải…Chữ Rùa viết đẹp, thầy cô giáo khen.

Hai “cô giáo” cắm bản

Biết đọc, biết viết, những người như chị Nhứ và Rùa thầm cảm ơn những sinh viên tình nguyện trường CĐ Sư phạm Yên Bái. Đã gần 2 tháng nay, hai “cô giáo” Hoàng Thị Luận và Nguyễn Thùy Linh cắm chốt, ăn ngủ tại trường để hỗ trợ giáo viên trường La Pán Tẩn dạy chữ cho đồng bào. “Ban đầu lên không biết tiếng địa phương bọn mình phải nhờ học sinh phiên dịch giúp”- Luận nói.

Theo Luận, khó khăn lớn nhất là việc các học viên ngại đi học. “Phải có người rủ đi cùng thì họ mới đi, nếu không họ không đi đâu”, Luận nói. Đã nhiều lần, Linh và Luận phải đến động viên nhiều chị em trong bản làng đi học. “Mình thuyết phục, bây giờ đi chợ mua bán đều phải dùng tiếng phổ thông, muốn dạy con cái học cũng phải biết tiếng phổ thông, vì thế, cần đi học tiếng phổ thông để phục vụ cuộc sống tốt hơn. Người ta nghe thấy đúng nên đi học…”. Linh nói.

 “Để được tham gia đội tình nguyện, mình phải “tranh đấu” mãi. Ai cũng muốn đi, mà cả lớp chỉ có 3 suất thôi. Phải là sinh viên giỏi, có đạo đức tốt mới được chọn” 

Linh và Luận đóng vai trò trợ giảng trong lớp học. Mỗi giờ học, hai bạn phụ giúp giáo viên hướng dẫn các học viên viết chữ, đọc và phát âm đúng, bắt tay giúp đồng bào viết từng nét chữ. Những lúc giáo viên bận việc, hai bạn trực tiếp đứng lớp, dạy chữ cho đồng bào. “Tay trẻ em thường mềm, dễ uốn nắn. Đây là lớp học cho người lớn, tay họ cứng cáp rồi, khó uốn lắm”, Linh chia sẻ.

Luận là đội trưởng của nhóm tình nguyện trường CĐ Sư phạm Yên Bái lên hỗ trợ xóa mù chữ ở Mù Cang Chải. Đội có 10 bạn, chia về 5 điểm trường ở La Pán Tẩn. Ở điểm trường xã Trống Tông, Nông Thị Thức và Trần Thị Thúy, bạn học của Linh cũng đang giúp sức cho đồng bào học được con chữ. Mới vài ngày lên vùng cao, nhưng Thúy đã học được vài từ tiếng Mông. “Dạy tiếng Việt cần phiên âm sang tiếng Mông, bà con sẽ hiểu nhanh hơn và nhớ lâu hơn”, Thúy kể.

Mới lên được hơn 1 tháng, các sinh viên tình nguyện đã chiếm được cảm tình của đồng bào dân tộc nơi đây. Lớp học của Luận và Linh luôn tràn ngập tiếng cười đùa cho dù ngôn ngữ của “cô trò” có sự khác biệt. Hôm chúng tôi đến, ở cuối lớp có một bịch dưa và phong lan của học viên mang đến tặng sinh viên tình nguyện. “Rất là quý sinh viên tình nguyện thì mới mang dưa xuống cho đấy”, Hảu Thị Cha (46 tuổi) học viên trong lớp giải thích. Luận kể, có học viên còn mang tặng gà, tặng váy…

Trải nghiệm lên nương, ra ruộng

Sinh viên tình nguyện hướng dẫn bà con học chữ. Ảnh: Trường Phong
Sinh viên tình nguyện hướng dẫn bà con học chữ. Ảnh: Trường Phong .
 

Không chỉ giúp đồng bào xóa mù chữ, Tỉnh Đoàn Yên Bái còn tổ chức các đội tình nguyện đến những địa phương còn khó để giúp người dân mọi mặt trong cuộc sống. Ở xã Kim Nọi (Mù Cang Chải), 13 sinh viên tình nguyện được đưa về để giúp đỡ đồng bào. Mai Lê Tuyền, cán bộ Tỉnh Đoàn phụ trách đội cho biết, do không có phương tiện, cả đội thường cuốc bộ. Có hôm vượt cả chục cây số đường rừng để đi đào hố rác, sửa đường cho đồng bào. “Mới hôm trước, cả đội đi bộ từ xã Kim Nọi sang bản Háng Đăng Dê mất gần 2 tiếng đồng hồ. Gần cả ngày mới đào xong được hố rác cho điểm trường bên đó”, anh Tuyền nói.

Là sinh viên trường Y, đa phần các thành viên trong đội không quen với công việc cấy gặt, nhưng ai cũng hăng hái đi gặt giúp một hộ dân ở xã Kim Nọi. Giữa cái nắng như thiêu như đốt cuối tháng 7, trên đỉnh núi, hơn chục tình nguyện viên ào ào gặt lúa. “Đây là lần đầu tiên tôi gặt lúa. Từ trước đến giờ, tôi sống ở thành phố, chưa biết thế nào là đi gặt, đi làm đường, đào hố vệ sinh… Vì thế, tôi vừa làm vừa học”, Hoàng Thị Hồng Liên, sinh viên trường CĐ Y Yên Bái cho biết.

Khác với Liên, Trịnh Thị Trang, nhà ở huyện Văn Chấn, vốn sinh ra trong gia đình thuần nông nên quen với những công việc đồng áng. “Bố mẹ chỉ giao nhiệm vụ cho tôi xong vụ ngô là được đi tình nguyện”, Trang cười nói. Hết cắt lúa, Trang lại hăng hái vào đập lúa cùng chủ nhà.

Hơn 17h chiều, cả đội mới nghỉ. Từ điểm gặt lúa về trung tâm xã Kim Nọi phải đi bộ mất gần một giờ đồng hồ. Cả đội tiếp tục “hành quân” hơn một cây số đường rừng đi ăn tối. Sau đó, cả đội sẽ tập văn nghệ để chuẩn bị cho đêm diễn 27/7.

Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái Nông Việt Yên cho biết, năm nay, ngoài đội hình tình nguyện từ Hà Nội, Tỉnh Đoàn Yên Bái cử những đội tình nguyện chuyên của địa phương, có cán bộ Tỉnh Đoàn làm đội trưởng về giúp đỡ các xã còn khó khăn của các huyện như Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn. Tỉnh Đoàn đánh giá rất cao tinh thần tình nguyện của các sinh viên, dù thời gian nghỉ hè ngắn, nhưng vượt qua rất nhiều vất vả, khó khăn để về vùng sâu, vùng xa giúp đỡ bà con xóa mù chữ, phổ biến kiến thức sinh đẻ có kế hoạch, giúp đỡ xây dựng nông thôn mới, phòng chống buôn bán người, buôn bán ma túy...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG