Nói xấu online và anh hùng rơm!

Nói xấu online và anh hùng rơm!
TPO- Nhiều bạn trẻ cho rằng, một số teen kêu gọi chống thầy cô, nói xấu bố mẹ, người thân trên Facebook là "anh hùng rơm bàn phím". Họ lên án những ngôn từ vô văn hóa, nói xấu người khác online.

> Nữ sinh nhục mạ người thân trên Facebook bị 'ném đá'
> Nữ sinh bị đuổi học vì xúc phạm thầy cô trên Facebook

Nghĩ bà
Nghĩ bà "vạch áo cho bạn xem lưng", một nữ sinh không tiếc lời mắng bà trên Facebook.

Công khai nói xấu người thân

Thời gian qua, cộng đồng mạng “sôi sục” khi Ban giám hiệu THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) quyết định cho nữ sinh lớp 8 Nguyễn Thanh Vy nghỉ học một năm, vì có hành vi xuyên tạc lịch sử, xúc phạm thầy cô trên mạng xã hội Facebook.

Theo trường THCS Lý Tự Trọng, ngày 17-12-2012, Vy lập nick Kang sora, lên Facebook kêu gọi học sinh của trường chống lại thầy cô. Toàn bộ nội dung được chế lại lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến".

Tương tự, không xin được tiền mua điện thoại, một nữ sinh khác lên Facebook lăng mạ chính... bố mẹ mình. Xem đấng sinh thành ngang hàng như bè bạn, cô gái nói những lời vô lễ, chửi thề để xả giận.

Nữ sinh này "than thở", bố mẹ "đi làm từ sáng đến tối", "mở mồm ra là chửi người yêu" của cô, vậy mà cuối tháng chỉ "mang về" cho cô chưa đến một triệu đồng.

Cảm thấy thua kém bạn bè, nữ sinh này cho rằng, bố mẹ "ki bo" và nếu họ vẫn "kẹo" như vậy, sau này khi già, cô sẽ không nuôi.

Cũng vì không xin được hai triệu đồng mua quần áo, một nữ sinh khác nói mẹ mình là "bựa". Cô không tiếc lời "kể tội" mẹ đi "nâng mũi, sửa ngực, sắm quần áo" để "cong cớn đi cặp bồ".

Một teen khác cũng lên mạng nói bố mình thậm tệ, do "đến đợt đưa tiền, không đưa còn nói giọng khó nghe". Người này cho rằng, nguyên nhân khiến cô láo là do... thái độ đó của bố.

Trong khi đó, một cháu gái đã mắng bà vì "dám" lên giọng gắt gỏng khi bạn đến chơi. Có người góp ý "công khai lên thế người ta cười cho đấy", cô nàng khẳng định: "Có gan post lên thì anh nghĩ em còn sợ người ta nói à".

Anh hùng rơm

Nhiều nam, nữ sinh khi được hỏi đều cho rằng, việc nói xấu thầy cô, cha mẹ, người thân trên mạng hiện không ít, không bị xử lý, dù đó là những hành vi vô văn hóa.

Nickname Trần Hạ (Đại học Bách Khoa Hà Nội) viết trên Facebook: Nhà trường xử phạt một năm nữ sinh nói xấu thầy cô là nhẹ. Với hành động vô văn hóa của mình, đáng ra nữ sinh này bị đuổi học thẳng.

Lý giải cho hành động của nữ sinh lớp 8, cũng như một số bạn trẻ "loạn ngôn" trên mạng xã hội, Trần Hạ cho rằng, đó là biểu hiện của việc thiếu kiểm soát ngôn từ khi không phải đối diện trực tiếp với người khác.

“Đó là những anh hùng rơm thôi. Ngồi sau cái màn hình thì mồm to nhưng chính những người ấy khi ra đời thực mới lại dễ vỡ nhất”.

Cùng chung quan điểm trên, nam sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Phúc cho rằng, Facebook ngày càng có nhiều “anh hùng ảo trên bàn phím”.

“Học sinh này sai rồi. Việc lêm mạng xã hội nói xấu thầy cô như thế là không chấp nhận được” - Phúc nêu quan điểm.

Cần văn hóa

Trần Hạ nêu ý kiến, cũng như trong nhiều hoạt động khác của cuộc sống, Facebook cần phải có văn hóa.

"Tôi quen rất nhiều bạn ở Hàn Quốc và Đài Loan, trong đó nhiều người là nhiếp ảnh gia và người mẫu nổi tiếng. Họ sử dụng Facebook rất chừng mực, văn hóa, chứ không lạm dụng quá đáng và lệ thuộc nhiều bạn trẻ hiện nay. Không ít teen lên mạng xã hội thích... chửi thề rồi Like theo phong trào" - Trần Hạ nói.

Còn Nguyễn Ngọc Phúc nêu quan điểm, giữa cái mênh mông tưởng như vô hạn của cộng động mạng hiện nay, có đủ thành phần tốt - xấu. "Các bạn trẻ nên tôn trọng mình và người khác khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng ảo”.

Cô Nguyễn Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức- Hà Nội): Tôi đồng tình với hình thức kỉ luật của trường THCS Lý Tự Trọng là đuổi học học sinh Vy một năm. Năm ngoái, trường tôi cũng phải đuổi một học sinh vì tội đánh bạn bè. Đó là biện pháp cuối cùng phải áp dụng.

Tuy nhiên về lâu dài, theo tôi, đuổi học không phải là biện pháp tốt nhất cho cả học sinh và nhà trường. Trách nhiệm của nhà trường là phải làm cho học sinh đó tốt hơn, giúp học sinh sửa chữa được sai lầm.

Theo Viết
MỚI - NÓNG