1.000 trẻ mắc HIV mỗi ngày trên toàn cầu

1.000 trẻ mắc HIV mỗi ngày trên toàn cầu
TPO – Đây là thông tin đưa ra trong bản báo cáo có tiêu đề Đoàn kết vì tiếp cận phổ cập: Hướng tới không ca nhiễm HIV mới, không phân biệt đối xử và không người chết vì AIDS được Tổng thư ký LHQ công bố ngày 31.3.

1.000 trẻ mắc HIV mỗi ngày trên toàn cầu

TPO – Đây là thông tin đưa ra trong bản báo cáo có tiêu đề Đoàn kết vì tiếp cận phổ cập: Hướng tới không ca nhiễm HIV mới, không phân biệt đối xử và không người chết vì AIDS được Tổng thư ký LHQ công bố ngày 31.3.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Trung tâm 09, Hà Nội
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Trung tâm 09, Hà Nội. Ảnh: Internet

Theo đó, sau ba mươi năm trong dịch AIDS, các nguồn lực đầu tư cho phòng, chống AIDS đã mang lại kết quả. Bản báo cáo nhấn mạnh rằng tỷ lệ nhiễm HIV mới đang giảm trên toàn cầu, tiếp cận tới điều trị đang được mở rộng và toàn thế giới đã có những bước tiến đáng kể trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Từ năm 2001 đến 2009, tỷ lệ nhiễm HIV mới ở 33 quốc gia – trong đó có 22 quốc gia ở khu vực cận Sahara, châu Phi – đã giảm ít nhất là 25%. Đến cuối năm 2010, có hơn 6 triệu người đang được điều trị kháng virus tại các nước có thu nhập ở mức thấp và trung bình. Và lần đầu tiên trong lịch sử, độ bao phủ của các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã vượt quá 50% vào năm 2009.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng chỉ ra rằng các thành tựu đã đạt được còn rất mong manh. Hiện cứ thêm một người được điều trị kháng virus thì lại có hai người mới nhiễm HIV. Mỗi ngày lại có thêm 7000 người nhiễm mới HIV trên toàn cầu, trong đó có 1.000 trẻ em. Các cơ cấu hạ tầng còn yếu của các quốc gia, các thiếu hụt trong nguồn tài chính dành cho phòng, chống AIDS và sự phân biệt đối xử với các nhóm người dễ bị tổn thương là một số trong các yếu tố đang tiếp tục cản trở tiếp cận tới các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ.

Đồng thời với việc công bố báo cáo của Tổng thư ký LHQ, gần 30 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam đã họp tại Bangkok, Thái Lan vào 30-31/3 để đánh giá tiến độ và những thách thức trong phòng, chống AIDS và thảo luận các hành động chính nhằm bảo đảm mọi người dân trong khu vực đều tiếp cận được tới các dịch vụ về HIV nếu cần.

Theo đó, mặc dù có các dấu hiệu khả quan về tiến độ trong khu vực, nhưng chưa một quốc gia châu Á – Thái Bình Dương nào đã thực hiện được tiếp cận phổ cập tới dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ.

Trong khu vực này, cứ ba người cần điều trị thì một người không tiếp cận được tới dịch vụ; 60% người sống với HIV không biết mình bị nhiễm HIV; các nhóm người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch vẫn tiếp tục bị kỳ thị và phân biệt đối xử.

Việt Nam đã và đang có những bước tiến vững chắc nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế và tính bền vững của ứng phó quốc gia với HIV, gồm áp dụng các cách tiếp cận về giảm hại, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS và các nỗ lực nhằm xây dựng một chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS toàn diện cho 10 năm tới, một chiến lược giải quyết tốt hơn các vấn đề về giới liên quan đến HIV và đáp ứng những thay đổi trong dịch HIV ở Việt Nam thời gian qua.

“Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện tiếp cận phổ cập,” Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm khẳng định. “Chúng ta cần phải ưu tiên và nhanh chóng mở rộng các chương trình can thiệp có hiệu quả để mọi người dân Việt Nam – bất kể là trẻ hay già, là gái hay trai, có tiền hay nghèo khó – đều sớm tiếp cận được tới các dịch vụ về HIV.”

“Thực hiện các mục tiêu tiếp cận phổ cập là trung tâm của chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn tới mà chúng tôi đang xây dựng,” Ông Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục phòng, chống AIDS, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự cuộc họp tại Bangkok nói thêm. “Chiến lược này sẽ đáp ứng với những thay đổi trong thời gian qua của dịch ở Việt Nam để có thể tiếp cận tốt hơn tới các nhóm nam giới và phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm cao cũng như để có thêm nhiều người sống với HIV được điều trị.”

Lê Vũ

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.