27 người bệnh được chi trả 1-4,5 tỷ đồng tiền BHYT

Trong 11 tháng đầu năm 2017, hệ thống giám định BHYT ghi nhận có trên 41.300 người được Quỹ BHYT trả chi phí khám chữa bệnh.
Trong 11 tháng đầu năm 2017, hệ thống giám định BHYT ghi nhận có trên 41.300 người được Quỹ BHYT trả chi phí khám chữa bệnh.
TP - Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2017, hệ thống giám định BHYT ghi nhận có trên 41.300 người được Quỹ BHYT trả chi phí khám chữa bệnh từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và 27 người được trả 1-4,5 tỷ đồng.

Chia sẻ rủi ro với người bệnh

Theo ông Sơn, người được nhận mức chi trả BHYT đến 4,5 tỷ đồng từ đầu năm đến nay là một bệnh nhân nam, ở tỉnh Vĩnh Long, mắc bệnh máu khó đông. “Bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả số tiền cao như vậy bởi người này phải truyền máu liên tục và điều trị bằng các thuốc cầm máu hỗ trợ”, ông Sơn nói.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, mặc dù bệnh nhân và bảo hiểm chẳng ai mong được chi tới tiền tỷ khi khám chữa bệnh nhưng bản chất BHYT là chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền của người bệnh nên BHXH không ngại chuyện chi trả số tiền này. “Nhưng rõ ràng đây là bẫy nghèo y tế mà nếu người bệnh không có BHYT chắc chắn sẽ không chịu nổi”, ông Sơn khẳng định.

Ông Sơn cho biết thêm, hệ thống giám định bảo hiểm ghi nhận hơn 5.400 người khám từ 50 lần trở lên. Trong đó, có bệnh nhân ở TPHCM đã đi khám 256 lượt ở nhiều cơ sở y tế với số tiền được Quỹ BHYT chi trả 143 triệu đồng và bệnh nhân khác khám tới 201 lượt và được thanh toán 57 triệu đồng.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2017, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 11.804 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, đã phát hiện có tới hơn 28.900 người lao động (NLĐ) chưa được đóng, đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, số tiền truy đóng thiếu lên tới hơn 60 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 356 đơn vị sử dụng lao động với số tiền xử phạt lên tới hơn 4,8 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê từ BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10, cả nước có 13,21 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 220 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 58,9%); 11,4 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); gần 80 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 85% dân số cả nước. Số thu bảo hiểm trên cả nước đạt 227.119 tỷ đồng, đạt 80,2%, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Cho đến hết tháng 10/2017, BHXH đã giải quyết 111.731 người hưởng BHXH hàng tháng; giải quyết 603.076 lượt người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản là 7.538.462 lượt người; khám chữa bệnh BHYT là 138,9 triệu người.

Lũy kế đến hết tháng 10, số chi BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp toàn ngành là 217.783 tỷ đồng. Cấp sổ BHXH cho 13,4 triệu người, đạt 99,2% số người tham gia BHXH. 79,5 triệu người được cấp thẻ BHYT. Số lượng sổ bàn giao cho người lao động là 6,55 triệu sổ/13 triệu sổ phải trả, đạt 50,3% tăng 1,62 triệu sổ so với thời điểm 30/9/2017.

Đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa ban hành công văn đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN năm 2017. Theo đó, ngày 17/11/2017, Bộ Tài chính gửi văn bản số 15605/BTC-HCSN về việc điều chỉnh dự toán thu, chi BHXH, BHYT, BHTN năm 2017 của BHXH Việt Nam. Để hoàn thành chỉ tiêu thu được giao, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT chuyển tiền đóng BHYT kịp thời cho các đối tượng do NSNN đóng, hỗ trợ đóng năm 2017 vào quỹ BHYT trước ngày 31/12/2017. Thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN đột xuất việc chấp hành pháp luật đối với các DN đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài từ 3 tháng trở lên trên địa bàn; cương quyết xử lý những DN cố tình chây ỳ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ.

Chỉ đạo Phòng Khai thác và Thu nợ BHXH tỉnh, chuyên quản trực tiếp đến đơn vị đôn đốc thu kịp thời, không để nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Công khai danh tính đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài địa phương, hệ thống truyền thanh cấp xã).

Phối hợp với ngân hàng đã ký thỏa thuận với BHXH Việt Nam về việc hợp tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN cho đơn vị vay để trả lương cho NLĐ hoặc cho vay theo gói thầu mà có trả lương cho NLĐ thì kèm theo tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN phần trách nhiệm phải đóng của đơn vị. Đồng thời, trích tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ chuyển vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Phát động phong trào thi đua nước rút, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu năm 2017 đến từng CBCCVC. Ngoài ra, kịp thời báo cáo tình hình khó khăn, vướng mắc trong việc đôn đốc thu, thu nợ về Ban Thu BHXH Việt Nam để được hỗ trợ, hướng dẫn.

“Mặc dù bệnh nhân và bảo hiểm chẳng ai mong được chi tới tiền tỷ khi khám chữa bệnh nhưng bản chất BHYT là chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền của người bệnh nên BHXH không ngại chuyện chi trả số tiền này. Nhưng rõ ràng đây là bẫy nghèo y tế mà nếu người bệnh không có BHYT chắc chắn sẽ không chịu nổi”.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam

MỚI - NÓNG