5 đặc trưng phổ biến của trẻ tự kỷ ở Việt Nam

TP - Lần đầu tiên một nghiên cứu quy mô lớn về trẻ tự kỷ được thực hiện ở Việt Nam. Kết quả cho thấy các biện pháp can thiệp, điều trị trẻ tự kỷ ở nước ta còn nhiều bất cập. 

Nhà nghèo cũng tự kỷ

Nghiên cứu “Biện pháp can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ ở nước ta hiện nay và giai đoạn 2011-2020” do GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cùng các cộng sự thực hiện (vừa được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc). Nghiên cứu tiến hành khảo sát 94.186 trẻ ở ba địa phương Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình. Kết quả có 387 trẻ mắc bệnh tự kỷ, chiếm 0,41% (cứ 1.000 trẻ có 4 em tự kỷ). Tỷ lệ trẻ tự kỷ ở nam cao gấp đôi ở nữ. Tỷ lệ trẻ tự kỷ ở Việt Nam có xu hướng gia tăng mạnh những năm gần đây. Đáng chú ý, những nghiên cứu gần đây trên thế giới đã chỉ ra rằng bên cạnh các nguyên nhân được biết đến, tương tác giữa bộ gen và môi trường bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây tự kỷ.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Thị Hoàng Yến, tác động của môi trường ô nhiễm đến hệ gen như thế nào, cơ chế tác động ra sao để gây nên tự kỷ ở trẻ em là những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sâu.   

Nghiên cứu cũng chỉ ra năm đặc trưng của trẻ tự kỷ phổ biến nhất ở nước ta hiện nay gồm không dùng tay chỉ vào đồ vật, không biết khoe đồ vật, không đáp ứng khi gọi tên, không nhìn vào đồ vật được chỉ tay và không hiểu lời nói.

Một điểm nữa là tỷ lệ cao con nhà nghèo bị tự kỷ. Theo GS Yến, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ trẻ tự kỷ thường sinh ra trong gia đình giàu có, bố mẹ bận rộn không có thời gian chăm sóc con. Tuy nhiên thực tế khảo sát 254 gia đình có trẻ tự kỷ thì có đến một nửa gia đình (chiếm 48%) có khó khăn về kinh tế. Hầu hết các gia đình rất hoang mang khi phát hiện con bị tự kỷ. Họ gặp phải thách thức lớn trong điều trị bệnh cho con, thậm chí có gia đình phải nghỉ việc, bán nhà, GS Yến chia sẻ.

Phần lớn bác sỹ ở tuyến dưới chưa hiểu rõ về trẻ tự kỷ

Tỷ lệ trẻ tự kỷ gia tăng nhanh, đáng buồn là biện pháp can thiệp, điều trị ở Việt Nam rất đáng lo ngại, theo GS Yến. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số 120 trẻ tự kỷ dưới 35 tháng tuổi, chỉ có 85 trẻ được chuẩn đoán, làm giảm cơ hội can thiệp sớm cho trẻ. 

Trong khi đó, phần lớn các bác sỹ nhi khoa ở tuyến tỉnh, huyện chưa hiểu rõ về trẻ tự kỷ và không có kỹ năng chuẩn đoán sớm. Quy trình, bối cảnh, nhân lực thời gian chẩn đoán ở Việt Nam đều không đáp ứng được tiêu chuẩn chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhiều trường hợp cha mẹ đưa con đi chẩn đoán nhận được kết quả khá vội vàng, chung chung. Nên phải đưa con đi chẩn đoán nhiều nơi. Ngay cả khi có kết quả chẩn đoán thì việc định hướng hỗ trợ rất hạn chế nên nhiều em không được can thiệp sớm, phù hợp. “Các cơ sở điều trị trẻ tự kỷ ở nước ta thường tự mày mò hướng đi. Nhiều cơ sở can thiệp áp dụng công cụ đánh giá của nước ngoài nhưng công cụ ấy chưa được kiểm nghiệm về tính hiệu quả trong điều kiện Việt Nam nên tiềm ẩn nguy cơ chẩn đoán thiếu chính xác”, GS Yến chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu đang đề xuất bốn mô mình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam gồm mô hình can thiệp sớm tại gia đình, can thiệp sớm tại bệnh viện, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và cơ sở giáo dục chuyên biệt. Bốn mô hình này đã được thử nghiệm trên thực tế. Mô hình can thiệp tại gia đình cho thấy chỉ số phát triển của trẻ tăng lên rõ rệt, công tác hướng dẫn cha mẹ quyết định thành công của mô hình này. Mô hình can thiệp sớm ở bệnh viện giúp trẻ tiến bộ trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là khả năng vận động nhưng ngôn ngữ diễn đạt chưa tiến triển nhiều. Tại trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập các trẻ điều trị đều tăng chỉ số phát triển. Ở trung tâm chuyên biệt, tuổi phát triển của trẻ cũng như mức độ sẵn sàng hòa nhập của trẻ tự kỷ tăng lên. 

Theo GS Yến cả bốn mô hình được thế giới áp dụng rộng rãi và đạt hiệu quả. Việt Nam nên hình thành cả bốn mô hình can thiệp, điều trị trẻ tự kỷ như trên để các bậc phụ huynh có con bị tự kỷ có thể lựa chọn phù hợp nhất.

MỚI - NÓNG