64.973 ca tử vong vì COVID-19, Tokyo và Hong Kong ghi nhận người mắc cao kỷ lục

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam cập nhật lúc 17 giờ ngày 5/4/2020, thế giới đã ghi nhận 1.205.802 người mắc, 64.973 người tử vong. 4 nước có số ca tử vong cao nhất là Hoa Kỳ, Italy, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản và Hong Kong là 2 nơi ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong ngày.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam cập nhật lúc 17 giờ ngày 5/4/2020, thế giới đã ghi nhận 1.205.802 người mắc, 64.973 người tử vong.

Trong đó, 4 nước có số ca tử vong cao nhất thế giới lần lượt là:

- Hoa Kỳ: 311.637 người mắc; 8.454 người tử vong.

- Italy: 124.632 người mắc; 15.362 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 126.168 người mắc; 11.947 người tử vong.

- Trung Quốc: 81.669 người mắc; 3.329 người tử vong.

Theo đài NHK cho biết hôm 5/4, Tokyo và Hong Kong ghi nhận ca nhiễm trong ngày cao chưa từng thấy. Tổng số ca nhiễm tại Tokyo đã vượt mốc 1.000, đài NHK dẫn thông tin từ các quan chức từ chính quyền cho biết.

Ông Kentaro Iwata, chuyên gia về kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Kobe nhận định nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, triển vọng về kiểm soát dịch ở Tokyo sẽ trở nên ảm đạm. Vị chuyên gia này từng nhiều lần cảnh báo những biện pháp mà Nhật Bản đưa ra chưa đủ để ngăn Covid lây lan.

"Nhật Bản cần phải can đảm thay đổi khi chúng ta nhận ra rằng mình đi sai đường. Chúng ta có thể thấy nguy cơ Tokyo trở thành một New York thứ hai", ông Iwata nhấn mạnh.

Hong Kong cũng ghi nhận ca nhiễm mới kỷ lục

Hong Kong ngày 5/4 công bố vừa ghi nhận 28 ca nhiễm mới, cũng là một kỷ lục tăng ca nhiễm trong ngày của hòn đảo này, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên tới 890.

Mẹ của em bé 6 tuần tuổi dương tính với virus corona trước đó, cũng nằm trong số 28 ca nhiễm mới thông báo ở Hong Kong.

Bác sĩ Chuang Shuk-kwan, thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe ở Hong Kong, cho biết người mẹ bắt đầu có các triệu chứng khi cô chuẩn bị chuyển vào trung tâm cách ly hôm 3/4.

Đứa bé con của phụ nữ này được xác nhận là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất nhiễm virus corona hôm 1/4.

3.662 ca nhiễm ở Malaysia

Malaysia thông báo 179 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên tới 3.662 giữa lúc nền kinh tế số ba Đông Nam Á trở thành nơi có số ca dương tính cao nhất trong khu vực.

Nước này cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 trong nước lên tới 61, tính tới trưa 5/4.

Người chết vì COVID-19 ở Tây Ban Nha giảm ngày thứ ba liên tiếp

Tây Ban Nha hôm nay ghi nhận thêm 674 người chết do nCoV, mức giảm liên tiếp trong ba ngày, nâng tổng số ca tử vong cả nước lên 12.418 .

Số ca dương tính với nCoV cũng tăng 4,8% lên 130.759 ca trên cả nước. Như vậy, Tây Ban Nha đã vượt Italy trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Âu.

Nước này ghi nhận số người chết do nCoV cao kỷ lục vào ngày 2/4 với 950 trường hợp. Hôm 3/4, Tây Ban Nha báo cáo thêm 932 ca tử vong trong 24 giờ. Hôm qua, số ca tử vong được ghi nhận là 809.

COVID-19: 3 dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã ảnh hưởng đến phổi

Trong một diễn biến khác, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy 3 dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã ảnh hưởng đến phổi.

Những bệnh nhân có kết quả dương tính với COVID-19 có nguy cơ cao mắc bệnh phổi với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng viêm có thể xảy ra ở phổi bị nhiễm trùng, có thể để lại sẹo. Điều này có thể sẽ gây khó thở vĩnh viễn sau khi chữa lành.

Các nhà khoa học cho biết, bệnh nhân bị nhiễm coronavirus nên theo dõi ba dấu hiệu của hội chứng suy hô hấp cấp tính sau. Đó là: Đau cơ, gia tăng nồng độ ALT (một loại enzyme thường báo hiệu tổn thương hoặc viêm gan) và tăng nồng độ hemoglobin. Khi các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm coronavirus có cả ba yếu tố này có thể nhiễm trùng đã tới phổi.

Bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 có thể có nguy cơ mắc bệnh phổi đe dọa tính mạng nếu họ có bất kỳ triệu chứng nào trong số ba triệu chứng này, ngoài sốt và ho.

MỚI - NÓNG