8 địa phương ghi nhận căn bệnh nhiễm não mô cầu nguy hiểm

Bệnh nhân đầu tiên nhiễm não mô cầu ở Hà Nội đang được điều trị tại BV. Ảnh T.Hà.
Bệnh nhân đầu tiên nhiễm não mô cầu ở Hà Nội đang được điều trị tại BV. Ảnh T.Hà.
TP - Ngày 3/3, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân 30 tuổi (trú tại Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị mắc bệnh viêm não mô cầu nguy hiểm. Đây là ca đầu tiên mắc não mô cầu trong năm 2016 được ghi nhận tại Hà Nội. 

Bác sĩ Cấp cho hay hiện tại bệnh nhân tỉnh, trên cơ thể không có dấu phát ban, biểu hiện điển hình của viêm não mô cầu nhưng các triệu chứng viêm màng não rất rõ ràng với biểu hiện nôn, đau đầu nhiều. Kết quả cấy dịch não tủy khẳng định bệnh nhân mắc não mô cầu.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 27/2 bệnh nhân này bắt đầu có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn và buồn nôn. Hai ngày sau xuất hiện thêm triệu chứng lơ mơ, hôn mê nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội). Các bác sĩ ở đây chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Hiện bệnh nhân được điều trị cách ly, phòng nguy cơ lây cho bệnh nhân khác.

Nhận được thông báo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư về ca viêm não mô cầu này, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã khoanh vùng, giám sát khoảng 30 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, dùng thuốc dự phòng bệnh. Như vậy, Hà Nội trở thành địa phương thứ 8 ghi nhận căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 cả nước ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nội…, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Não mô cầu là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt có thể lây lan qua đường hô hấp nên căn bệnh này luôn được cảnh báo nguy hiểm. Đặc biệt với thể nhiễm khuẩn huyết viêm màng não mủ có thể gây diễn biến tối cấp, làm bệnh nhân tử vong ngay trong 24 giờ khởi bệnh khiến bác sĩ đôi khi chưa kịp chẩn đoán, chưa kịp điều trị thì bệnh nhân đã tử vong. Bác sĩ Cấp cho hay, vi khuẩn gây não mô cầu cư trú tại vùng hầu họng người bệnh. Khi tiếp xúc, nói chuyện vi khuẩn có thể theo các giọt nước bọt bắn ra ngoài lây truyền cho người xung quanh. Đó là lý do khiến hầu hết người tiếp xúc gần bệnh nhân đều phải uống thuốc dự phòng.

Hiện nay, có 2 loại vắc-xin phòng ngừa viêm não mô cầu là BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi). Người lớn cũng có thể tiêm phòng. Sau tiêm 10 ngày, cơ thể sẽ có miễn dịch bảo vệ và kháng thể nhưng sau 3 năm sẽ giảm, do đó sau thời gian này cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2. Với những người đã nhiễm bệnh, ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể qua khỏi nếu được nhập viện và điều trị bằng kháng sinh càng sớm càng tốt. Khi bệnh nhân đã ở thể nặng, việc dùng thuốc kháng sinh chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ tử vong hoặc giảm nguy cơ gặp biến chứng. Thống kê cho thấy, có khoảng 11-19% bệnh nhân sống sót sẽ có các khuyết tật lâu dài như mất tay chân, tổn thương não, tổn thương các cơ quan nội tạng như thận, các giác quan như thị giác, thính giác...

MỚI - NÓNG