Amip ăn não người, khó chẩn đoán

Amip ăn não người, khó chẩn đoán
TP - Ký sinh trùng amip ăn não, mà một bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh mắc phải và vừa tử vong, được cho là khó chẩn đoán, dễ nhầm với bệnh khác.

> Một bệnh nhân tử vong do 'amip ăn não người'

Đây là loại ký sinh trùng có khả năng tấn công vào não người và ăn thịt dần các tổ chức tế bào não. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), cho biết chưa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nào bị ký sinh trùng amip ăn não người.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Trưởng khoa Ký sinh trùng (Trường ĐH Y Hà Nội), cho biết, Viện Sốt rét Ký sinh trùng &Côn trùng T.Ư (SRKST&CT) từng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị amip tấn công não. Rất ít trường hợp trong số đó bị tử vong.

Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, mỗi năm ghi nhận từ 4 đến 5 bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do amip. Phần lớn những bệnh nhân này bị nhiễm ký sinh trùng khi mắt bị tổn thương do va đập vào bùn, đất hoặc vật dụng có chứa amip.

Một vài ngày sau khi bị tổn thương mắt, nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời, có thể phục hồi được thị lực.

Nếu điều trị muộn sẽ để lại hậu quả xấu do amip tấn công sâu vào mắt, sinh sôi lên nhiều lần và hủy hoại tế bào mắt gây đau và mù mắt. Trong khi đó thuốc điều trị ký sinh trùng gây bệnh ở mắt hiện rất hiếm tại Việt Nam. Vì thế bệnh nhân cần đi khám, phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.

Địa phương nào của VN cũng có amip

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, bệnh nhân bị nhiễm amip ăn não dễ bị cơ sở y tế tuyến dưới chẩn đoán nhầm với bệnh khác như chữa theo hướng bệnh nhân bị khối u khiến bệnh nhân tử vong.

Khi xét nghiệm thấy đúng bệnh nhân bị nhiễm amip ăn thịt não thì chỉ cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Đây là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Bác sĩ Cấp cho biết, ký sinh trùng amip tồn tại từ rất lâu chứ không phải mới xuất hiện, nó xâm nhập vào cơ thể người qua phân và nước bẩn. Theo nghiên cứu mới được công bố gần đây về ký sinh trùng amip do PGS.TS Nguyễn Văn Đề thực hiện, amip xuất hiện trên khắp các tỉnh thành phố tại Việt Nam.

Ký sinh trùng lây lan và phát tán khi phân chứa amip được bón rau hoặc đổ xuống sông, hồ, ao khiến ký sinh trùng lan rộng.

Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh ở nông thôn cao hơn thành thị và phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới do phụ nữ thường xuyên làm công việc đồng áng. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh rất thấp.

Ký sinh trùng amip có trong tất cả các loại rau nếu rau đó được tưới bằng phân hoặc nước nhiễm amip. Vì thế, các chuyên gia về ký sinh trùng khuyến cáo nấu chín rau ít nhất ở nhiệt độ 70 độ C, không tắm ở ao hồ bẩn, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Theo Viện SRKST&CT, có 5-10% dân số mang ký sinh trùng amip trong cơ thể. Bệnh sẽ khởi phát khi người mắc giảm sức đề kháng khiến đường ruột yếu đi, amip sẽ theo đường máu tấn công gây áp xe gan, áp xe não.

Ký sinh trùng ăn não người không đáng ngại

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, y văn thế giới ghi nhận từ năm 1965 đến 1990 chỉ có 144 trường hợp được xác nhận nhiễm ký sinh trùng Amip Naegleria Fowleri hay còn gọi là “amip ăn não người” trên toàn cầu. Vì vậy, người dân không nên lo ngại và hoang mang vì căn bệnh này.

Trước đó, các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM xác định bệnh nhân P.V.T., 25 tuổi, ngụ Phú Yên tạm trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM tử vong sau một ngày nhập viện do nhiễm phải loại “amip ăn não người” lần đầu tiên xuất hiện ở phía Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.