Ứng phó đại dịch Covid-19 giai đoạn 2:

Bác sĩ '2 ba lô' lao vào tâm dịch

Bệnh viện Chợ Rẫy đưa hệ thống ECMO ra hỗ trợ Ðà Nẵng
Bệnh viện Chợ Rẫy đưa hệ thống ECMO ra hỗ trợ Ðà Nẵng
TP - Trong cơn mưa nặng hạt chiều 3/8, đội phản ứng nhanh số 4 của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) xách ba lô lên đường, đến điểm nóng Ðà Nẵng.

Cẩn thận kiểm tra lại thiết bị y tế trước giờ lên đường, Ths Lê Hữu Hoàng, Khoa Sinh hóa - Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, một trong ba nhân sự được điều động đợt này, cho biết, anh luôn trong tâm thế sẵn sàng ra tâm dịch để hỗ trợ tối đa về kỹ thuật, xét nghiệm cho BV Phổi Đà Nẵng. “Đây không chỉ là quyết tâm của riêng tôi, của nhân viên y tế BV Chợ Rẫy mà là sự quyết tâm chung của người dân cả nước cùng đồng lòng hướng về Đà Nẵng”, anh nói. Ngoài hỗ trợ chuyên môn, đội phản ứng nhanh sẽ hỗ trợ nhân lực, kiểm tra vật tư y tế… Đợt này có 3 nhân sự chuyên về vi sinh, sinh hóa và huyết học tham gia ứng tiếp cho BV Phổi Đà Nẵng.

Đến nay, BV Chợ Rẫy đã điều 4 đội phản ứng nhanh với 11 nhân viên y tế ra tâm dịch Đà Nẵng và hỗ trợ Quảng Nam. Cụ thể, ngày 25/7, khi Đà Nẵng bùng phát dịch COVID-19, BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu - BV Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh) cùng hai đồng nghiệp là BS Ngô Việt Anh và điều dưỡng Nguyễn Văn Hải, lên đường chi viện BV Đà Nẵng. Ngay khi đến Đà Nẵng, ê-kíp nhanh chóng phối hợp đội ngũ y bác sĩ tại đây để hội chẩn, khám và theo dõi các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân.

Đặc biệt, BV còn đưa hệ thống ECMO (hệ thống oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, còn gọi là tim-phổi nhân tạo) ra Đà Nẵng để sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Cùng ngày 31/7, hai đội phản ứng nhanh số 2 và số 3 của BV Chợ Rẫy lên đường ra Đà Nẵng và Quảng Nam. Thành phần hai đội này gồm 5 bác sĩ, đều giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm về hồi sức tim mạch, hồi sức hô hấp, hồi sức cấp cứu, từng trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng.

Hết lòng vì Ðà Nẵng

Ngay từ đầu đại dịch, BV Chợ Rẫy đã thành lập đội bác sĩ cơ động tinh nhuệ sẵn sàng lên đường hỗ trợ các BV địa phương khác điều trị bệnh nhân COVID-19, kiểm soát nhiễm khuẩn BV, chống lây nhiễm rộng. Thành phần của mỗi đội cơ động gồm y bác sĩ ở nhiều khoa như khoa Bệnh nhiệt đới, khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng… Kể từ khi dịch bùng phát ở nhiều tỉnh thành, các đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy đã có 8 lần xuất quân tới các điểm nóng ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bạc Liêu, Vũng Tàu và nay là Đà Nẵng, Quảng Nam.

Hình ảnh Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức căn dặn, động viên, đưa các y bác sĩ đến tận xe để lên đường làm nhiệm vụ vẫn cứ ẩn hiện trong tâm trí những người có mặt hôm ấy. Không có nước mắt, chỉ có nụ cười tự tin sẽ chiến thắng dịch bệnh, các “chiến sĩ blouse” ra đi với tinh thần, trách nhiệm cao. Tất cả đều đồng lòng, đồng sức đi đến bất cứ nơi đâu để cứu chữa bệnh nhân. “Kể từ khi Chính phủ công bố dịch COVID-19, BV Chợ Rẫy được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai đội phản ứng nhanh sẵn sàng chờ lệnh. Ngoài một ba lô đi làm hằng ngày, các thành viên trong đội phản ứng nhanh luôn có sẵn 1 ba lô với đầy đủ các đồ dùng cá nhân, dụng cụ, và trong tâm thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được điều động lên đường”, BS CK2 Nguyễn Tri Thức cho biết.

Đưa nắm tay thể hiện ý chí, Ths Hoàng bảo cả đội ra đi với tâm thế đi chưa biết ngày về. “Chúng tôi đi có thể một hoặc hai tháng, cũng có thể tùy thuộc vào sự điều động của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhóm đã quyết tâm sẽ ở lại hỗ trợ tối đa cho Đà Nẵng đến khi nào dịch bệnh cơ bản được kiểm soát”, anh nói. “Tình hình ở đây còn nhiều thứ phức tạp lắm. Hiện giờ tôi và đồng nghiệp chỉ còn biết dồn hết trí, lực để điều trị, cứu sống người bệnh”, BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu - BV Chợ Rẫy, trao đổi ngắn gọn qua điện thoại.

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau khi ghi nhận, đánh giá tình hình sức khỏe bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã quyết định cử ê-kíp y bác sĩ tại BV Chợ Rẫy ra hỗ trợ. “Đây là những nhân viên y tế đã trực tiếp theo dõi, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 91 người Anh trước đây. Chúng tôi hy vọng, những kiến thức y khoa, kinh nghiệm thực tiễn trong điều trị của ê-kíp sẽ giúp Đà Nẵng trong việc điều trị cho bệnh nhân”,  ông Long nói.

“Chúng tôi mong người dân hãy tự tin để chiến đấu với bệnh dịch, không nên sợ hãi, trốn tránh hoặc dấu lịch trình di chuyển những nơi đã đi qua để ảnh hưởng đến việc truy tìm nguồn bệnh. Chúng ta quyết tâm chiến thắng đại dịch! Mong người dân hãy bình tĩnh, tự tin theo sự hướng dẫn của chính quyền, của ngành Y tế. Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ đến!” Ths Lê Hữu Hoàng- khoa Sinh hóa BV Chợ Rẫy gửi gắm.

Thủ tướng gửi thư khen cán bộ, nhân viên ngành y tế

Ngày 4/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen tới các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế. Thủ tướng viết: “Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới của dịch COVID-19 với diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh ra nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đã có một số nhân viên y tế mắc bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng chống lại dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung công tác chống dịch trên tinh thần thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực, sử dụng biện pháp mạnh, đồng bộ, để xử lý triệt để các ổ dịch, đặc biệt là tại Ðà Nẵng, Quảng Nam.

Bộ Y tế và lực lượng quân y đã hết sức khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt, chi viện mọi nguồn lực chống dịch, đã xuất hiện nhiều tấm gương, lòng quả cảm, sự cống hiến, nghĩa cử cao đẹp ở mọi lứa tuổi, mọi lực lượng, mọi ngành nghề và thành phần kinh tế, mà tiêu biểu là đông đảo đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa - những người chiến sỹ áo trắng tại Ðà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và nhiều bệnh viện, các viện nghiên cứu, trường đại học của ngành y tế trên toàn quốc đã nỗ lực không mệt mỏi, tiên phong đi vào tâm dịch, không ngại gian khổ, nguy hiểm, tranh thủ từng giờ từng phút truy vết, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và giám sát y tế, tận tâm điều trị, cứu chữa người bệnh.

Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến cao cả, tận tâm hết mình của những thầy thuốc yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Tôi cũng cảm ơn người nhà, gia đình của những thầy thuốc và cán bộ ngành y tế đã thông cảm, đồng hành và chia sẻ những khó khăn, thách thức này, luôn là hậu phương vững chắc để các chiến sĩ áo trắng có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”…  

Thái Hà - Văn Kiên

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.