Bác sĩ bệnh viện công không bao giờ giàu có

Cuộc sống khó khăn, áp lực y đức, những rủi ro nghề nghiệp luôn rình rập nhưng đa số cán bộ y tế vẫn luôn tận tâm, hết lòng vì người bệnh
Cuộc sống khó khăn, áp lực y đức, những rủi ro nghề nghiệp luôn rình rập nhưng đa số cán bộ y tế vẫn luôn tận tâm, hết lòng vì người bệnh
“Người ngoài cho rằng bác sĩ rất giàu có, cơ hội kiếm tiền dễ dàng, cuộc sống thoải mái hơn những người làm nghề khác(?!).Thực tế thì ngược lại!

Để đảm bảo cuộc sống, hết giờ làm việc ở bệnh viện, bác sĩ phải lao đi làm phòng khám, làm kín cả thứ Bảy và Chủ nhật. Thay vì làm việc 40 giờ mỗi tuần thì họ phải làm tới 60 giờ, thậm chí là 80 giờ” - đó là tâm sự của BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội).

Động cơ của bác sĩ không phải vì tiền

Một bác sĩ kiếm được rất nhiều tiền, ông có cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học y. Một hôm, con trai nói với bố: “Bệnh nhân tháng nào cũng đến gặp bố lấy đơn thuốc, hôm qua con khám lại chẳng phát hiện ra bệnh gì cả”. Ông bố trừng mắt: “Con ngu lắm! Bệnh tật đã chạy thẳng đến Trường Đại học Y rồi, nó đang lây sang bệnh nhân của các thầy ở đó, rồi sẽ đến lượt con!”.

Đó chỉ là câu chuyện vui không có thật, nhưng nó phản ánh quan niệm sai lầm luôn tồn tại trong xã hội, rằng bác sĩ chỉ lừa dối bệnh nhân để kiếm tiền, hóa đơn “nằm đè” lên đơn thuốc...

Với sự “ác cảm” dành sẵn cho ngành Y, một bộ phận trong giới truyền thông không chỉ khoét sâu hố định kiến ngăn cách giữa người bệnh và chúng tôi mà còn tập trung đi tìm hàng loạt bằng chứng tiêu cực để củng cố niềm tin: Động cơ của bác sĩ là kiếm tiền.

Tôi không phủ nhận có những cá nhân xấu trong ngành Y, nhưng tôi cũng khẳng định số lượng bác sĩ tốt hoàn toàn áp đảo. Chúng tôi đang cố gắng làm tất cả những gì tốt nhất cho người bệnh, cố gắng chẩn đoán đúng, cố gắng tìm ra phác đồ điều trị tối ưu nhất để bệnh nhân nhanh khỏi.

Công việc của chúng tôi luôn đi ngược lại với lợi ích kinh tế, đó là một thiên chức, nếu chúng tôi chỉ chú ý đến tiền bạc thì chắc chắn sẽ tự chuốc lấy thất bại.

Chọn nghề Y là chấp nhận vất vả, nhọc nhằn

Chọn con đường y nghiệp là bởi chúng tôi muốn giúp được thật nhiều cho người bệnh. Chẳng ai xác định làm bác sĩ để kiếm được căn biệt thự vài chục tỉ, mong được sở hữu những chiếc xe siêu sang, đặt ra tiêu chí trở thành triệu phú, hay mơ ước trở thành người nổi tiếng...

Thời gian đầu tư cho việc học ngành Y rất dài. Để trở thành một bác sĩ biết thực hành khám chữa bệnh cơ bản cũng phải mất 7 năm học, để có kiến thức chuyên sâu phải mất từ 9 đến 13 năm học, chưa kể phải nghiên cứu cập nhật kiến thức hàng ngày.

Tôi có người bạn thân cùng lớp đại học, nay anh là một bác sĩ giỏi ở bệnh viện tỉnh, tận tâm với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh.

Anh xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, ra trường công tác đã 15 năm mà món nợ đi học thời sinh viên anh vẫn chưa trả hết. Bước sang tuổi 40, anh tâm sự với tôi rằng nếu vì miếng cơm manh áo thì nhiều lúc anh cũng tính chuyện bỏ nghề.

Tôi cũng biết nhiều bác sĩ trẻ đang có đời sống khó khăn, họ hoang mang không biết sẽ còn giữ nổi cái tâm trong sáng được bao lâu, hay đến một lúc nào đó phải nhắm mắt rẽ sang hướng khác?

Xã hội chất lên vai chúng tôi nhiều sứ mệnh nặng nề, cao cả, nhưng cũng cứa lên người chúng tôi đầy những vết thương. Đời sống khó khăn, áp lực y đức đè nặng lên tâm trí, những rủi ro nghề nghiệp luôn rình rập, đã thật sự khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ nhân viên y tế chúng tôi cảm thấy mệt mỏi và nản lòng.

Lương ngành Y thấp, cào bằng

Các nhà quản lí và hoạch định chính sách y tế chỉ biết kêu gọi chúng tôi chấp nhận sự hi sinh, coi y đức là động lực để thúc đẩy sự nghiệp y tế phát triển!

Lương ngành Y hiện đứng thứ 17 trong số 18 ngành nghề, được trả theo thời gian công tác với hệ số cứng nhắc, vừa thấp vừa cào bằng, không liên quan đến hiệu suất công việc. Bác sĩ khám 100 bệnh nhân thu nhập cũng chẳng khác gì so với khám cho 10 bệnh nhân.

Tôi ra trường được 15 năm, hiện tại tính tổng cả tiền lương, tiền trực, tiền phụ cấp khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ trông vào khoản tiền này thì bác sĩ làm ở bệnh viện công chúng tôi có chờ hết cả cuộc đời cũng không thể thấy được căn nhà đơn sơ để ở, chứ nói gì đến căn hộ tiện nghi hay chiếc xe sang trọng.

Vậy nhưng, dư luận xã hội và truyền thông lại cho rằng nhân viên y tế chúng tôi vẫn có cuộc sống thoải mái, thậm chí là sung túc, giàu có. Chúng tôi chỉ mong ước không phải đau đáu lo tìm cách làm thêm mà vẫn có cuộc sống ổn định, song thực tế không thể có cả hai điều này. Vì thế mà một số bác sĩ có năng lực đã tìm mọi cách “vượt rào”, số đông loay hoay không biết làm gì.

Cách phổ biến nhất của chúng tôi là đi làm thêm ngoài giờ, việc này được pháp luật cho phép, được xã hội khuyến khích, coi đó là sự năng động của bác sĩ.

Song, thực chất chúng tôi đang vắt kiệt sức mình, tự bóc lột sức lao động của bản thân để mang lại chút đời sống về vật chất, tương lai chúng tôi sẽ phải gánh những hậu quả khôn lường.

Buổi chiều rời bệnh viện, chúng tôi phải lao đi làm phòng khám đến 9 – 10 giờ đêm, làm kín cả thứ Bảy và Chủ nhật, thay vì làm việc 40 giờ mỗi tuần thì chúng tôi phải làm tới 60 giờ, thậm chí là 80 giờ.

Chúng tôi cũng cần phải có trách nhiệm với gia đình như: Dành thời gian gần gũi con cái tối thiểu 6 giờ mỗi ngày, có những bữa ăn tối đoàn tụ, có những ngày cuối tuần đưa gia đình đi chơi hay tham gia các hoạt động giải trí.

Nhưng vì đồng lương eo hẹp mà một số bác sĩ phải đánh đổi tất cả những cái đó, phó thác con cái cho nhà trường và người giúp việc, cắt giảm tối đa những sinh hoạt chung trong gia đình, hầu như không mấy ai sử dụng cả kì nghỉ phép để đi du lịch.

Hệ quả là không dành đủ thời gian gần gũi con cái thì không thể có những đứa con phát triển tốt cả về nhân cách lẫn trí tuệ. Ngôi nhà chỉ là chỗ ngủ qua đêm thì hạnh phúc gia đình ắt sẽ lung lay. Kiến thức y học không được cập nhật thường xuyên vì công việc quá tải thì chuyên môn chắc chắn sẽ bị tụt hậu...

Số ít (tôi phải khẳng định là rất ít) những bác sĩ làm thêm ngoài giờ có chuyên môn giỏi ở tầm chuyên gia, thu nhập rất cao so với mặt bằng chung của bác sĩ, có cuộc sống thoải mái, sung túc.

Một số bác sĩ, cũng không nhiều, có thêm thu nhập từ những chiếc phong bì. Và cũng không nhiều bệnh nhân biếu phong bì, ở các khoa điều trị không liên quan đến phẫu thuật thì càng ít, có khi cả tháng mới có một hai cái. Ở quê biếu bác sĩ vài chục ngàn, ở thành phố biếu một hai trăm ngàn, phong bì tiền triệu thì cực kì hiếm.

Các bác sĩ vẫn đùa nhau rằng, ngành Y còn tồn tại phong bì vì đó là “phong bì cỏ”, ngoài xã hội phong bì không được sử dụng vì nó không đủ sức chứa tiền! Chỉ có một vài cá nhân đơn lẻ làm những việc khuất tất theo hướng có lợi cho túi tiền của họ, đến chừng mực nào đó họ sẽ bị đào thải ra khỏi guồng quay công việc.

Y học là môn khoa học liên quan đến tính mạng con người, nên có những quy định nghề nghiệp hết sức chặt chẽ. Bất kì nền y tế nào cũng đều tuân thủ một nguyên tắc: Các chính sách quản lí y tế luôn đứng về phía lợi ích của người bệnh và đi ngược lại với lợi ích kinh tế của thầy thuốc, công việc của một bác sĩ luôn được giám sát ngay từ lúc bắt đầu hành nghề. Còn lại là số đông nhân viên y tế chỉ biết tận tụy với công việc ở bệnh viện, họ không thể tự xoay xở kiếm tiền.

Vậy dư luận xã hội và truyền thông liệu có công bằng khi chỉ nhìn vào số ít bác sĩ ở bệnh viện lớn, thấy họ đang ngày đêm vắt kiệt sức lao động để có được căn nhà khang trang, có xe ô tô tốt để đi, có đủ tiền trang trải cho cuộc sống, mà đã vội kết luận bác sĩ chúng tôi có thu nhập cao hơn so với các ngành nghề khác?...

“Đã có những bác sĩ dù khó khăn nhưng vẫn nói không với phong bì, kể cả phong bì cảm ơn sau khi điều trị mà họ được phép nhận. Chúng tôi từ chối phong bì một phần bởi người bệnh đến viện đã là sự khốn cùng, phần nữa là lòng tự trọng của chúng tôi bị xúc phạm, đang bị xã hội và một bộ phận truyền thông làm tổn thương ghê gớm”. BS Trần Văn Phúc.

 

BS Trần Văn Phúc – Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội)

Theo Gia đình&Xã hội
MỚI - NÓNG