Bác sĩ của người nghèo

Bác sĩ Nguyên khám bệnh cho bà Khôi. Ảnh: Kim Hà.
Bác sĩ Nguyên khám bệnh cho bà Khôi. Ảnh: Kim Hà.
TP - Dành phần lớn thời gian, tiền bạc của mình để phục vụ chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, bác sĩ CKII Phùng Phước Nguyên (46 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) được người dân ưu ái đặt cho biệt danh là “Bác sĩ của người nghèo”.

Bản thân mang căn bệnh hen suyễn, gia đình lại khó khăn, thuở nhỏ, cậu bé Phùng Phước Nguyên những tưởng đã không thể cắp sách đến trường. Thế nhưng, với ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bản thân và người nghèo đã thôi thúc anh phấn đấu để trở thành một bác sĩ thật sự.

Tốt nghiệp năm 2001, bác sĩ Nguyên tình nguyện về một huyện nghèo của tỉnh Hậu Giang để công tác. Trong những lần cùng đoàn của bệnh viện đi khám bệnh miễn phí cho người nghèo, bác sĩ trẻ đã có cơ hội thực hiện ước mơ của mình.

Năm 2004, anh chuyển về bệnh viện huyện Phong Điền, TP Cần Thơ để làm việc. Tại đây, anh đã vận động bạn bè, người thân, các sinh viên các trường đại học - nơi anh thỉnh giảng và trích tiền lương hàng tháng của mình để tổ chức các đoàn khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con ở những vùng khó khăn như: Trà Vinh, Bình Dương, Phong Điền - Cần Thơ,…Hơn nữa, hàng tháng bác sĩ Nguyên và các học trò còn tổ chức đến thăm khám và tặng quà định kì cho 2 cụ già neo đơn trên địa bàn huyện Phong Điền.

“Người ta nói tôi lo chuyện “bao đồng”, tại sao không làm ở TP Cần Thơ mà về tỉnh, huyện. Tất nhiên là ở thành phố thì có nhiều cơ hội hơn, nhưng ở tỉnh nghèo khó, mà chúng ta về đó phục vụ cho bà con nghèo mới quý hơn”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Mang trong người căn bệnh tim thường xuyên tái phát, gia đình lại khó khăn không có tiền chữa bệnh, bà Nguyễn Thị Khôi (67 tuổi, ngụ ấp Thị Tứ, TT Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) nghe mọi người xung quanh nói bác sĩ Nguyên chữa bệnh tim rất giỏi lại miễn phí hoàn toàn nên bà tìm đến.

Bà Khôi nói: “Khoảng 1 năm điều trị ở đây bệnh tôi đã đỡ rất nhiều. Bác sĩ Nguyên là người có tâm, giúp đỡ tôi rất nhiều, nếu như đi trị ở chỗ khác thì phải tốn rất nhiều tiền mà khả năng gia đình tôi lo không nổi”.

Không chỉ bệnh nhân yêu mến, mà cả học trò cũng “thần tượng” gọi là “bố”. Bạn Phạm Ngọc Anh (25 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Y, trường Đại học Võ Trường Toản) bộc bạch: “Ngành Y khá khô khan, tuy nhiên mỗi tiết dạy của “bố” lúc nào cũng sôi nổi và thu hút chúng tôi. “Bố” không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn là một người có y đức, làm việc gì cũng luôn cố gắng hết sức. Bên cạnh việc truyền nghề, “bố” còn truyền lửa, dạy chúng tôi cách giao tiếp, cách sống ở đời qua những chuyến khám chữa bệnh từ thiện”.

Bác sĩ Nguyên cho biết, qua việc khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo, anh muốn sinh viên của mình rèn luyện thêm kĩ năng, xây dựng được lòng thương người, thấy được cuộc sống thực tế của bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa để các bạn cảm nhận. “Tất nhiên khi ra trường, bạn nào cũng mong muốn mình có chỗ làm tốt, lương cao nên cho các bạn đi như vậy để các bạn cảm nhận được còn rất nhiều những nơi nghèo khó rất cần bác sĩ”, bác sĩ Nguyên nói.

MỚI - NÓNG