Bác sỹ Nam Trân và hành trình trở về quê hương

BS Nam Trân đang khám mắt cho bệnh nhân.
BS Nam Trân đang khám mắt cho bệnh nhân.
TP - Rất nhiều người Việt từng có thời gian du học, làm việc, sinh sống ở nước ngoài, để rồi sau bao ngày đi xa, tiếng gọi quê hương trong sâu thẳm con tim thôi thúc họ trở về góp sức mình xây dựng đất nước.

Bốn mươi năm trước, khi cùng các em líu ríu theo mẹ bước lên chiếc tàu gỗ rời Việt Nam  đối mặt với đói khát và chết chóc để đến Mỹ, Nam Trân chưa bao giờ nghĩ có một ngày, đến lượt bà bán hết sản nghiệp đang ăn nên làm ra ở Washington DC đưa các con trở về quê hương.

Ra đi

Một ngày cuối năm, trên tầng 5 toà nhà Crescent Plaza (quận 7), bác sỹ Nam Trân Pham (49 tuổi, Việt kiều Mỹ), Giám đốc y khoa phòng khám American Eye Center Vietnam vẫn miệt mài thăm khám, điều trị cho bệnh nhân.

Bà kể mình là dân gốc Sài Gòn, nhà trước kia nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Hai Bà Trưng (quận 3). Hồi ấy, Sài Gòn không đông đúc và ồn ào như bây giờ. Con nít được tự do chạy nhảy cùng bạn bè ngoài đường. Hàng ngày, cô bé Nam Trân đến trường trên chiếc xe xích lô... 

Năm 1978, mẹ bà dắt bốn con xuống tàu vượt biển. BS Nam Trân nói quyết định rời Việt Nam của mẹ không dễ dàng. Đứa em nhỏ nhất của Nam Trân lúc ấy mới 5 tuổi.

Bác sỹ Nam Trân và hành trình trở về quê hương ảnh 1

Trong trí nhớ non nớt của cô bé 9 tuổi, hơn một tuần lênh đênh vô định trên biển là nỗi ám ảnh kinh hoàng. BS Nam Trân kể, thuyền nhân trên tàu đều là người Sài Gòn không quen sông nước. Nhiều người không biết bơi. “Bây giờ nghĩ lại thấy mình may mắn. Hơn 50% người vượt biên hồi đó nằm lại trong lòng biển”, BS Nam Trân nhớ lại.

Nhiều tháng sống lay lắt trong trại tị nạn ở Malaysia, cuối cùng gia đình Nam Trân được bảo lãnh qua Mỹ. BS Nam Trân cho biết bà biết ơn những người đã chìa tay giúp đỡ khi gia đình bà vừa đến Mỹ. Họ bố trí chỗ ở, cung cấp quần áo, giường và các vật dụng thiết yếu. Những người trưởng thành được học tiếng Anh để tìm việc làm. Trẻ em tiếp tục đến trường.

BS Nam Trân kể: “Học hết phổ thông thì gia đình không có tiền cho tôi học tiếp lên đại học. Cũng như nhiều bạn bè, tôi xin học bổng và được cơ quan không lực Hoa Kỳ đồng ý cấp học bổng toàn phần cho bốn năm đại học. Tôi xin học trường y họ cũng chấp thuận. Đổi lại, khi ra trường tôi phải làm việc cho họ một thời gian”.

Với hợp đồng làm việc 8 năm, BS Nam Trân trở thành sỹ quan phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Georgetown nổi tiếng, bà được phong hàm thiếu uý. 4 năm sau, BS Nam Trân được thăng hàm đại uý. Hoàn thành 4 năm bác sỹ nội trú chuyên khoa mắt, bà được gắn lon thiếu tá và sau đó thăng lên trung tá.

Sau 12 năm phục vụ trong quân đội Mỹ, BS Nam Trân xin giải ngũ. Lúc đó, cuộc chiến ở Afghanistan, Irắc đang diễn ra ác liệt. Bà có con nhỏ, không thể đến các điểm nóng để chăm sóc sức khoẻ cho lực lượng tham chiến của Hoa Kỳ.

Rời quân đội, BS Nam Trân mở Trung tâm Mắt ở Washington DC. Nghe danh tiếng của bà, bệnh nhân nườm nượp tìm đến. Bà kể: “So với tiền lương, thưởng lúc tôi còn phục vụ trong quân đội thì thu nhập từ phòng khám gấp ba bốn lần”.

Trở về

Năm 2008, khi Trung tâm Mắt hoạt động được hai năm thì vợ chồng BS Nam Trân quyết định bán toàn bộ sản nghiệp để trở về Việt Nam. Bà nói được sang sinh sống từ nhỏ nên đã quen cuộc sống ở Mỹ và luôn trân trọng những gì nước Mỹ đã mang lại cho gia đình bà, từ các cơ hội học tập, làm việc cho đến cuộc sống vật chất đủ đầy, tiện nghi. Nhưng, bà cũng nhận ra mặt trái của văn hoá Mỹ. Đó là mạnh ai nấy sống. Mối quan hệ “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” dường như không tồn tại.

“Văn hoá Mỹ rất mạnh, không dễ giữ được bản sắc văn hoá khi sinh sống ở đó. Các con tôi sinh ra ở Mỹ nhưng là người Việt Nam. Chúng tôi muốn các cháu học Tiếng Việt, hiểu về nguồn cội, về văn hoá, phong tục tập quán để luôn ý thức mình là người Việt Nam”, BS Nam Trân nói.

Bệnh viện F-V (Pháp - Việt) biết BS Nam Trân về Việt Nam, đã xây dựng một trung tâm khúc xạ và mời bà đảm nhận chức vụ trưởng khoa. Kỹ thuật khúc xạ này phổ biến ở nhiều nước tiên tiến nhưng Việt Nam lúc đó mới bắt đầu tiếp cận.

BS Nam Trân xúc động: “Tôi như được trở về ngôi nhà xưa của mình, được tự do thưởng thức những món ăn yêu thích mà ở Mỹ không bao giờ có, được gần gũi, trò chuyện với mọi người xung quanh. Chúng tôi thấy cuộc sống ở đây rất ổn định. Trở về, tôi có thể đóng góp kiến thức mình đã học cho quê hương”.

American Eye Center Vietnam (AEC) được BS Nam Trân thành lập vào năm 2011 theo tiêu chuẩn của Mỹ chuyên điều trị các bệnh về mắt và là phòng khám đầu tiên ở Việt Nam có giấy phép của Bộ Y tế mổ laze, phaco xuất viện trong ngày bằng kỹ thuật gây tê tại chỗ. Phòng khám được trang bị đầy đủ những thiết bị máy móc hiện đại nhất.

American Eye Center và BS Nam Trân đang hợp tác với Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch thực hiện chương trình đào tạo liên tục giúp sinh viên và các bác sỹ chuyên khoa mắt cập nhật những kỹ thuật điều trị mới. Bà tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học và mời một số bác sỹ chuyên khoa sâu từ Mỹ về Việt Nam giảng dạy, hướng dẫn bác sỹ trong nước thực hành. BS Nam Trân còn tham gia chương trình học bổng tạo điều kiện cho các bác sỹ trẻ sang Mỹ tu nghiệp tại các bệnh viện nổi tiếng ở đó.

Bà kể, tại thời điểm đăng ký đầu tư, các thủ tục xin phép còn rườm rà, nhiều quy định chưa có hướng dẫn nên mất khá nhiều thời gian. “Tôi may mắn được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện. Không có sự hỗ trợ của họ, AEC sẽ không có được như ngày hôm nay”, BS Nam Trân cho biết.

Gần 10 năm trở về ở Việt Nam, BS Nam Trân cho biết các con bà hoà nhập rất nhanh vào môi trường sống mới. Mỗi dịp Tết, bà cố gắng thực hiện đầy đủ các nghi thức truyền thống như đưa ông Táo; cúng giao thừa với bánh chưng, bánh tét và thịt kho, dưa mắm, cùng các con dọn dẹp nhà cửa đón Tết; chọn người hợp tuổi để xông nhà, đi chúc tết, lì xì mừng tuổi người thân…

“Phải cho các cháu hiểu nét đẹp của văn hoá Việt để sau này nếu trở về Mỹ vẫn luôn hướng về quê hương, luôn ý thức mình là người Việt. Cháu lớn vừa trở về Mỹ học đại học và tôi rất vui khi cháu thổ lộ sang Mỹ học thấy nhớ Sài Gòn, nhớ bún mắm, sinh tố và những món ăn quen thuộc ở Việt Nam”, BS Nam Trân cho biết.

 

Các con tôi sinh ra ở Mỹ nhưng là người Việt Nam. Chúng tôi muốn các cháu học tiếng Việt, hiểu về nguồn cội, về văn hoá, phong tục tập quán để luôn ý thức mình là người Việt Nam”.    

BS Nam Trân

MỚI - NÓNG