Báo động bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc

Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi T.Ư​. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi T.Ư​. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, đưa ra thực tế đáng báo động có đến 30% trẻ có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Các bác sĩ cảnh báo, nếu cha mẹ cứ giữ thói quen tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh về dùng vô tội vạ chính là đang làm hại con em mình.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho khoảng 3.000- 4.000 trẻ nhỏ, điều trị nội trú cho 1.700 trẻ. Trong số đó hầu hết đều là các bệnh nhi rất nặng với hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở oxy/ngày, trẻ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cũng có khoảng 70-80 ca. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện điều trị trong tình trạng có một trong các dụng cụ thiết bị y tế kèm theo và được chuyển đến từ rất nhiều bệnh viện ở các tỉnh khác nhau, chính vì đặc tính nặng như vậy nên tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức cao.

Các bác sĩ cảnh báo, việc cha mẹ thường có thói quen tự ý mua thuốc điều trị cho con mà không cần sự kê đơn của bác sĩ là điều đáng báo động. Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện mà Bệnh viện Nhi T.Ư cấy phân thì trong đó có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các căn nguyên lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Do vậy đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng kháng thuốc cho trẻ. TS Điển cho biết thêm: “Hiện nay, rất nhiều bệnh nhi chuyển lên chỗ chúng tôi đã có nhiễm khuẩn từ tuyến dưới rồi, do đó tại Bệnh viện Nhi T.Ư có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngay tại bệnh viện. Hàng ngày chúng tôi phải xác định những ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện và đưa ra chiến lược điều trị thích hợp cho mỗi ca bệnh”.

Theo nhận định của các bác sĩ, việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn vất vả cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn. Vì thế bệnh viện thường xuyên phải có sự họp bàn phối hợp giữa các chuyên ngành trên để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất cho các bệnh nhi, đồng thời phải kết hợp theo dõi kháng sinh trong điều trị và xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của các bệnh nhân thì mới có thể vượt qua được tình trạng kháng kháng sinh này.

Dùng kháng sinh có trách nhiệm

PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh hợp lý là hai vấn đề quan trọng kiểm soát được vi khuẩn lan truyền trong bệnh viện. “Trong vấn đề đầu tiên là kiểm soát nhiễm khuẩn tôi cho rằng cần có sự phát hiện, sàng lọc, cách ly phù hợp, nhân viên y tế và người nhà cần tuân thủ phòng ngừa do tiếp xúc. Vấn đề thứ 2 là sử dụng kháng sinh, đây cũng là điều rất quan trọng, cần nâng cao nhận thức để các bác sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý, kê đơn điều trị nội và ngoại trú phù hợp. Ở bệnh viện chúng tôi cứ 6 tháng 1 lần đều có các thông báo vi sinh để có chiến lược xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, tỷ lệ tuân thủ phác đồ từ đó cao lên”, TS Điển nhận định.

Để phòng chống kháng kháng sinh, PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng đã đến lúc chúng ta cần cảnh báo sử dụng thuốc có trách nhiệm và cũng cần nâng cao nhận thức để các bác sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý, kê đơn điều trị nội và ngoại trú phù hợp. Còn PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, sau gần 10 năm theo dõi kháng thuốc, hiện gia tăng tỷ lệ kháng thuốc, đặc biệt là xuất hiện tình trạng đa kháng thuốc của một số loại vi khuẩn. Báo động tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là các vi khuẩn đa kháng hoặc siêu đa kháng.

Sự kháng thuốc kháng sinh, xét về bản chất là do việc sử dụng kháng sinh không đúng gây ra. Theo những quan điểm tiến hóa thì sự kháng thuốc sẽ xảy ra dần dần vì vi khuẩn phải có thời gian để đột biến. Thời gian này có thể là 10 năm, có thể là 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chính sự sử dụng kháng sinh không đúng đã làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn và thời gian kháng thuốc sẽ ngắn dần. 

Để phòng ngừa sự kháng thuốc kháng sinh, ngoài sự quy chuẩn của y tế, ngay bản thân những người bệnh là những người quyết định đến vận mệnh chống nhiễm trùng của mình nhất. Các bác sĩ khuyến cáo, không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường. Cụ thể không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn vì kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mầm bệnh là vi khuẩn gây bệnh. Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu. Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến mạnh hơn. Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và do đó có “kinh nghiệm” chinh chiến nhiều hơn để thay đổi. Cả hai biểu hiện này cần tuyệt đối tránh khi có sử dụng kháng sinh trong điều trị. Việc sử dụng đúng kháng sinh sẽ hạ thấp được liều điều trị, thành công hóa mục tiêu kiểm soát và sẽ hạn chế tối đa sự kháng thuốc. 

Nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện mà Bệnh viện Nhi T.Ư cấy phân, kết quả cho thấy có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. 

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.