“Bắt mạch” ly hôn

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Phụ nữ thích lấy hai tiếng ly hôn để dằn mặt chồng trong mọi lần cãi vã nhưng đến thời điểm cần quyết định thì chính họ lại dễ chùn bước. Đó là lúc chiếc nhẫn cưới lung linh một thưở trở thành chiếc vòng kim cô nghiệt ngã.

Phạm vào “giới nghiêm”

“Này, sao con bé Mai lại quyết định ly hôn thế nhỉ?”, tiếng một người thì thầm khi Mai vừa bước qua văn phòng. Một chị lớn nhất phòng bình thản: “Không chấp nhận được điểm gì ở nhau nữa, thế là bỏ thôi. Khi yêu một trăm chỗ lệch cố kê cho bằng, giờ Thánh bảo cũng không thể chịu nổi, chê toàn tập rồi”.

Thế là mọi người quay sang phẫu thuật, mổ xẻ chuyện vợ chồng Mai. Một người hồn nhiên so sánh: “Em thấy chồng nó đâu có tệ, có khi hơn cả chồng em đấy chứ, anh ấy không điển trai nhưng chả xấu, quan trọng là kiếm ra tiền, về nhà vẫn biết tự giặt giũ, cũng hay rửa bát nữa”.

Người khác gạt tay, tỏ ra là thấu hiểu rõ nhất câu chuyện: “Chỉ vì Mai bắt được chồng ngoại tình với người cũ, riêng chuyện đó là nó nhất quyết không chấp nhận. Là tôi, chả vội thế, gã đàn ông nào chả léng phéng, miễn sao nó vẫn biết nghĩ về vợ con thì nên tha thứ, mình phải nhẫn nhịn một chút…”.

Không gian căn phòng bỗng trầm xuống như kiểu ai cũng từng bị phản bội. Tất cả lại khuấy động khi một chị vừa đi vừa nói: “Ngoại tình thì đôi khi còn tha thứ do tình cảm khó điều khiển nhưng lão chồng em kìa, thẳng tay tát vợ rồi lại nói bậy chửi tục trước bàn thờ tổ tiên nhà vợ; không thể chấp nhận được phải cho đi “tàu suốt”.

Đúng lúc ấy, Mai bước vào, tựa lưng xuống ghế: “Bà không chấp nhận được ông chồng như thế, còn tôi không chấp nhận được ông ngoại tình, nhất là với người cũ. Giả sử đổi cho nhau có khi tôi và bà cùng không ly hôn đâu”.

Nghe thế mới biết tiêu chuẩn chấp nhận được chồng (vợ) khác nhau tùy theo cách nghĩ của mỗi người “nặng” về vấn đề gì. Nhưng khi một người phạm vào tiêu chí của đối phương thì vợ chồng sẽ ở tình trạng kẻ về đỉnh cao nhìn thấy mọi hành động, cách cư xử của người kia đều rớt về vực sâu. Chắc hẳn cuộc hôn nhân tiếp tục trên hai cá thể chỉ biết chê bai, coi thường nhau sẽ chẳng có mảy may tốt đẹp nào. Phá vỡ không chắc đã xây lên được tòa nhà mới nhưng nó vẫn là cách duy nhất mở ra một hy vọng.

Vợ chồng không bằng bạn trọ

Đứng giữa đám chị em tụ tập chuẩn bị chuyến đi công tác, Thu hồn nhiên kể lúc đợi xe: “Nhà em khắc khẩu hay sao, sáng nay vì lo hai bố con ở nhà không nấu ăn, em mua đầy đồ nhét vào tủ, thế mà thành ra cãi nhau, đi công tác mất yên tâm”. Nhiều người chiếu lệ đáp lại bằng lời động viên đãi bôi: Ôi giời, nói nặng lời là chuyện thường.

Nhưng tất cả giật mình khi Nguyệt quay sang thản nhiên: “Ơ, vẫn còn cãi nhau là ổn, chứ đến khi mình làm gì ngứa mắt mà anh ta cũng chả nói nữa mới lo. Khi nào không muốn cãi nhau mới sợ!” Bỗng dưng chả ai nói gì nhưng vẻ mặt đều trầm tư giống như vừa có một câu kinh bay vào đầu và cần chiêm nghiệm. Từ đó đến hết chuyến công tác, Nguyệt trở thành tâm điểm để mọi người nhìn vào. Ai cũng rối rít gọi về nhà, cho ông bà, cho chồngcon, riêng nàng thảnh thơi như kẻ cô độc trên đời.

Khi trở lại thành phố, nàng vẫy luôn chiếc xe thồ trong khi ai cũng đợi chồng ra đón. Nguyệt nhoẻn nụ cười nhạt thếch: Gọi chồng ra thì phiền, tự túc là hạnh phúc. Nhưng bóng nàng vừa khuất thì một đồng nghiệp rỉ tai những người kia: “Nó nói thế chứ tại vì vợ chồng lâu lắm có giao lưu với nhau đâu, việc ai tự người đó làm, chả khác nào ly thân cùng nhà, nhưng không dám ly hôn và thích che đậy”.

Nàng về nhà trong cơn mưa tầm tã. Chiếc áo mưa lùng thùng, túi đồ lại nặng vì những món quà mang về cho hai bên nội ngoại. Vừa trả tiền xe, Nguyệt ngẩng lên như cần viện trợ một lời cầu cứu nhưng giật mình chợt nghĩ kẻ ở trong nhà kia là chồng nên lại thôi. Nàng nở nụ cười để nhờ luôn chú lái xe mang vào giúp. Người đàn ông lúc quay trở ra còn nhìn lại căn nhà ấy với vẻ mặt nghi ngờ “Có vấn đề”.

Nàng bật máy online để xem lời khuyên cho vợ chồng nàng của các bạn trên diễn đàn. Một dòng offline đầy triết lý của một người bạn quen qua chimcutcanh (diễn đàn cho những người ly hôn) khiến nàng nghĩ ngợi: Hôn nhân như một cái cây, tình yêu, nghĩa vợ chồng như đất. Đất kiệt dinh dưỡng thì cây chết thế thôi. Còn giới truyền thông thì nói rằng khi phát đi thông điệp mà không có feedback thì thôi dừng lại chứ sao nữa. Nghe xong, cô thấy nhẹ người!

Thần hàn cũng chẳng gắn nổi

“Bắt mạch” ly hôn ảnh 1

“Tần ngần ở đó làm gì, định chọn quần sịp cho giai à?” - bạn của Hoa xua tay và nói khi thấy cô đứng mãi ở cửa hàng nam giới, nửa muốn đi, nửa muốn mua. Bạn cô lại dội tiếp: “Gớm, trông vẻ ngại ngần ấy khối người tưởng nàng lần đầu mua đồ lót cho bạn trai đấy, thích thì vào đi”. Thấy bạn đẩy vào, Hoa mới rầu rĩ, lí nhí: “Hôm trước mang rượu Minh Mạng về cho ông ấy và một ít cao xoa bóp cho mẹ chồng nhưng ông chỉ nói khách sáo cảm ơn.

Mẹ chồng thì vui vẻ lắm, nhắc đi nhắc lại nhưng ông ấy vẫn chỉ im lặng, tất cả vẫn nguyên trong tủ rượu”. Không động viên, cô bạn còn tiếp tục ra “chưởng”: “Ôi trời, vậy bà định cố thêm bằng cái quần sịp này à, cố nhiều lần rồi nhỉ. Tôi ngưỡng mộ đó nhé, bà có thể vận công để nuốt trôi tất cả tức giận, lòng tự tôn, tôi hỏi bà còn yêu ông ấy thế hả?!”. Hoa lắc đầu buồn rười rượi, chỉ vì đã sống với nhau gần mười năm, thấy mẹ chồng thương mình thật và cô tiếc công làm dâu.

Nhưng đã trải qua ba lần bảy lượt gia đình cố tạo điều kiện đi chơi xa, cố vun vào để hàn gắn sau những xích mích, xung đột mà tình cảm của họ không xoay chuyển. Đã hết chì chiết, đay nghiến nhưng một khoảng trống vô hình ngày càng lớn không thể kéo họ về gần nhau nữa. Thấy chồng ốm, cô cũng chẳng còn sốt sắng lo lắng, chỉ còn lý trí tự mách bảo phải cố dậy nấu cháo, anh không ăn cô chả muốn nài ép.

Mọi cố gắng giải quyết mâu thuẫn từ phía người thân đều không đạt hiệu quả mà càng làm đôi bên thấy mệt mỏi, chán nản. Chính mẹ Hoa cũng đến lúc phải nói thôi không gắng được nữa thì chấm dứt, có chồng cũng như không mà còn rắc rối lắm thứ khác…

Niềm tin, sự tôn trọng là giấc mơ xa xỉ

“Bắt mạch” ly hôn ảnh 2

“Hôm qua lại mâm bát bay vèo vèo qua mặt, lúc ấy có cả mẹ chồng” – Lan bưng dòng chữ này lên cửa sổ nick chat với bạn. Phía đầu kia vẫn im ỉm với chiếc đèn off nên Lan tiếp lời: “Lại gọi vợ là con này đứa kia nữa. Có việc gì cứ tự quyết, mẹ chồng hôm trước bảo phải hỏi vợ thì lão nói một câu “Kệ nó, không phải hỏi đâu”. Không để những dòng kể lể hiện ra thêm phía bên kia đỏ đèn và buzz mạnh: “Tỉnh lại đi, không còn tôn trọng nhau nữa thì dừng lại, cứ làm khổ nhau và than vãn làm khổ tôi nữa nhỉ. Bà cũng xem anh ta như con cún thôi, chả ai nuối tiếc thì dây dưa mãi làm gì, cắt phéng đi?!”

Lan đã không khóc vì cảm giác trơ với chồng bỗng dưng lại đỏ hoe vì nghe bạn mắng. Nhìn xuống bát cơm nghĩ tới danh từ “chồng”, cô đã không muốn ăn nữa. Bây giờ vợ chồng cô hễ nói với nhau đã thấy ngứa tai, muốn sừng sổ hoặc thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Chồng nói đi về nhà bố mẹ thì cô gật đầu nhưng sẽ quay đi với cái nhếch mép nghĩ rằng chắc đi “hóng gió”. Khả năng kìm nén cơn giận, nghĩ đến hai từ sỹ diện cho nhau đã quá xa xỉ. Nhiều lần tờ giấy ly hôn đã nằm trên bàn nhưng cô chần chừ, những gì kể với bạn mỗi ngày dường như chỉ để thêm động lực, thêm người cổ vũ cho một chữ ký.

Mịt mờ tương lai

Trinh khoanh đi khoanh lại ngày 10/5 trên quyển lịch bàn trước máy tính rồi trầm ngâm. Cô đồng nghiệp nhìn thấy quay sang: Lại sắp kỷ niệm ngày cưới nhỉ, khiếp hồi đó nắng gắt mà chúng bay rủ nhau cưới. Trinh lắc đầu: Sắp đến ngày quyết định rồi?”. “Là sao?” – cô bạn thảng thốt. “Khi kỷ niệm ngày cưới lần thứ 3, tôi đã nói trước với gia đình chồng là 2 lần kỷ niệm nữa mà chưa có em bé thì ly hôn.

Bây giờ là tròn 5 năm đến nơi rồi”. Cô đồng nghiệp tỏ ra hốt hoảng khi Trinh lại thể hiện nét mặt quá điềm nhiên: “Nhưng hai đứa còn yêu thương nhau sao không nghĩ cách chữa trị?” … Trinh lắc đầu: “Đã cố rồi, thử rồi, đã lên tận Trung tâm Nam học của bệnh viện Việt Đức rồi. Vợ chồng không con cái như không tương lai”.

Không những thế, cô rất ngại mỗi khi về nhà chồng vì ai cũng xoắt xuýt hỏi thăm chuyện con cái. Hai vợ chồng cô kiếm ra bao nhiêu lại đổ vào chạy chữa, kết quả vẫn là số không. Chuyện con cái đã khiến vợ chồng cô luôn mặc cảm như mình là kẻ khuyết tật. Thiên hạ lại có người nói rằng biết đâu “thả cờ chỗ khác thì lại gặp gió”. Chính vì thế Trinh nghĩ đến chuyện giải phóng để mỗi người tìm ra cơ hội mới. Biết đâu…

“Bắt mạch” ly hôn ảnh 3

Tổ ấm đã thành địa ngục

“Sao giờ còn chưa về, cả ngày cắm đầu vào cái máy tính không chán à?”. Nghe hỏi, cô lắc đầu vì về nhà còn chán hơn ấy chứ. Một chị bạn thân thiết mắng hờn: “Đấy, ngày xưa hễ cãi nhau là dọa đưa tờ giấy ly hôn ra, giờ nó đề nghị li dị thì lại không dám ký rồi biến cơ quan thành chỗ lánh nạn”.

Nghe thế, cô càng thêm ủ rũ, đôi mắt đã vun thêm một màu đỏ hoe: Chả hiểu nữa, không rõ bắt đầu từ đâu và đã diễn ra những gì nhưng giờ về cứ cảm giác nặng nề, bứt rứt rất khó chịu. Một chị khác ra điều triết lý dạy dỗ: “Về nhà mà như bước vào ngục tối thì đó còn là sống không?”.

Đơn giản thế này, nếu cảm giác đã là nhà tù thì ly hôn chẳng có gì là đau khổ hơn được. Trên đời có gì kinh sợ hơn địa ngục nữa nhỉ? “Nghe cô Trang Hạ trả lời trên báo này, cô ấy nói nếu tốt cho vợ chồng con cái thì ly hôn chứ sao. Bây giờ thử chỉ ra xem bà cố chui vào nhà tù ấy thì thu được cái gì tốt không nào. Tặng cho con một mái nhà như địa ngục thì thà nó không có còn đỡ gánh nặng hơn, cố thì cố hết lòng, nhưng không cố được trọn vẹn thì phải thôi”.

 Nghe thế, cô cứng đặc lưỡi, chẳng có ngôn ngữ nào giúp cô biện minh cho sự tiếp diễn của cuộc hôn nhân ấy nữa!

Theo SKGD
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.