Bất thường dịch sởi: Bộ bảo không, bệnh viện nói có

Dịch sởi bùng phát 59 tỉnh thành khiến người dân hoang mang. Ảnh: pv
Dịch sởi bùng phát 59 tỉnh thành khiến người dân hoang mang. Ảnh: pv
TP - Chiều qua (8/4) tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch sởi, Bộ Y tế cho biết, dịch sởi không có dấu hiệu bất thường và đang giảm so với đầu năm 2014. Tuy nhiên, tại 2 bệnh viện lớn nhất là Nhi T.Ư và Bạch Mai, số trẻ điều trị sởi với biến chứng nặng bất thường không giảm. 25 ca tử vong do sởi đã được Bộ Y tế công bố tại cuộc họp.

Virus sởi chưa biến đổi

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông báo từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban trong đó 2.492 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sởi.

87,6% bệnh nhân mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng, hơn 10% trẻ mắc sởi đã tiêm mũi 1, chỉ có 4,2% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi mà vẫn mắc bệnh. TS Trần Đắc Phu cho biết đã có 25 trẻ tử vong do sởi và biến chứng của sởi, trong đó có 1 trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư khẳng định, chưa có sự biến đổi về gene và các tuyp virus sởi cũng như chưa ghi nhận gia tăng độc lực. Chủng virus sởi năm nay tương đồng với chủng virus cổ điển.

Chuyên gia dịch tễ dự báo, tháng 5 tới, khi thời tiết nóng lên cộng với số lượng trẻ được tiêm vét vắc-xin sởi thì số trẻ mắc bệnh sẽ giảm mạnh. Bộ Y tế nhận định, các trường hợp tử vong do mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các virus khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do viêm phổi. Theo TS Hiển: “Nếu công tác tiêm chủng được đẩy mạnh như hiện nay thì VN có thể thanh toán bệnh sởi vào năm 2017”.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã qua đỉnh dịch sởi được 2 tuần, hiện số trẻ mắc sởi giảm mạnh, hết tháng 4 sẽ kiểm soát được dịch sởi trên địa bàn Thủ đô.

Bệnh viện: Dịch sởi lớn nhất trong hàng chục năm

Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai) trong ngày 8/4 có 3 bệnh nhân sởi nhập viện. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết từ gần 3 tháng nay khoa đã điều trị cho 83 bệnh nhi sởi rất nặng, chỉ có 2 trong số đó đến từ tỉnh ngoài Hà Nội. Nhiều bệnh nhi phải thở máy, thở oxy vì virus xâm nhập vào phổi rất nhanh. 

Bất thường dịch sởi: Bộ bảo không, bệnh viện nói có ảnh 1

Điều trị trẻ bị sởi tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: Như Ý

Trong nhiều năm công tác tại khoa Nhi, TS Dũng khẳng định: “Chúng tôi cho rằng dịch sởi năm nay bất thường vì viêm phổi diễn biến nhanh, virus tấn công trực tiếp vào phổi gây biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao hơn các năm trước. Thông thường, bệnh nhân mắc sởi chỉ gặp biến chứng viêm phổi sau khi ban sởi đã bay. Ngoài ra có trẻ chỉ 24 ngày tuổi đã bị sởi là bất thường”.

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, hiện BV đang điều trị cho 10.000 bệnh nhân (tăng 30%), trong đó hơn 50% là bệnh viêm đường hô hấp, bệnh nhân sởi.

Trao đổi bên lề cuộc họp, TS Hải cho biết điểm bất thường của năm nay là tỷ lệ bệnh nhân mắc sởi nhập viện tăng cao, phần lớn trẻ bệnh nặng dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm phòng. Theo ông Hải, khoảng 4 tháng qua BV đã điều trị nội trú gần 1.000 ca sởi bị biến chứng nặng. 

Ông Hải lo lắng: “Hiện nay chúng tôi vẫn đang điều trị thường xuyên từ 200-250 bệnh nhi sởi, chưa có dấu hiệu giảm. Xét nghiệm 6 bệnh nhân tử vong do sởi cho thấy trẻ đồng nhiễm thêm các virus khác khiến bệnh thêm nặng. Có những bệnh nhân nhiễm adenovirus khiến tổn thương phế nang phổi, khiến phổi đặc lại. Để cứu chữa nhiều bệnh nhân nặng do sởi, BV Nhi T.Ư đã phải áp dụng các kỹ thuật cao như kỹ thuật ECMO, lọc máu với chi phí hàng trăm triệu đồng một bệnh nhi”. 

TS Hải thừa nhận, 25 trường hợp tử vong do sởi tại BV Nhi T.Ư là con số cao hơn nhiều so với những năm trước do bệnh cảnh nặng, cho thấy sự bất thường của dịch sởi năm nay.

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, trong hơn 40 năm qua ông chưa từng thấy dịch sởi năm nào diễn biến nặng và bất thường như năm nay bởi những ca biến chứng viêm phổi rất nặng dù đã được điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng bệnh vẫn nặng, nhiều trẻ tử vong.

Theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) một bệnh nhân xuất hiện phát ban, sốt cho thấy bệnh nhân đó đã có virus sởi ủ bệnh trong cơ thể từ 1-3 tuần, nhiều trẻ được chăm sóc tại nhà vẫn mắc sởi cho thấy trong cộng đồng virus này lưu hành rất nhiều.

Trước tình hình dịch sởi lan rộng tại 59 tỉnh thành như hiện nay, một chuyên gia dịch tễ cho rằng: Bộ Y tế cần công bố dịch để người dân đề phòng vì dịch đã lây lan trong cộng đồng chứ không chỉ khu trú trong các BV nữa.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.