Bệnh bạch hầu hoành hành Tây Nguyên: Những bản cam kết lạ

 Khám bệnh ở Trạm y tế xã Quảng Hòa
Khám bệnh ở Trạm y tế xã Quảng Hòa
TP - Khi dịch bạch hầu đang hoành hành 4 tỉnh Tây Nguyên, lại đang lộ ra những bản cam kết rất lạ của người dân không tiêm chủng.

Giấy cam kết chỉ để “chứng minh”

Trong hỗn độn những “giấy cam kết cho người không đi tiêm chủng mở rộng”, phần nhiều được đánh máy sẵn, có cùng một nội dung, chỉ có tên người được ghi bằng bút bi.

Bản cam kết được ghi vào ngày 3/1/2019, của một người có tên Thào Thị Máy (sinh năm 1994), trú tại thôn 9, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long. Bản đánh máy sẵn có nội dung: “Hôm nay, ngày 3/5/2019 (lệch với ngày điểm chỉ là 3/1/2019), tôi được y tế thôn tới nhà mời tiêm chủng mở rộng và tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ có thai. Sau khi được tuyên truyền, nhưng tôi không đồng ý tiêm vì lý do KHÔNG MUỐN TIÊM (bằng bút bi). Tôi cam kết nếu có gì xảy ra, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với bản thân và trẻ”. Cuối cùng chỉ thấy một dấu vân tay mờ mờ, không có tên tuổi, chữ ký.

Tương tự, những “giấy cam kết” dạng này của Hoàng Thị Dinh (sinh năm 1988, thôn 6 cùng xã) và nhiều người khác cũng thế. Thi thoảng lạc vào một bản viết tay khá ngây ngô do em trai và bố đẻ “cam kết” cho chị gái và con không tiêm với lý do: “vì ngại” (bản này ghi hồi 16g ngày 18/5/2020). Bản viết tay này có một vết điểm chỉ như vết mực đen ngòm không nhìn thấy dấu
vân tay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng trạm Y tế xã Quảng Hòa cho cho biết, tỷ lệ tiêm chủng của người Mông rất thấp chỉ từ 40 đến 50%. Bà lý giải rằng, khi cán bộ y tế đến nhà vận động, người dân không chịu tiêm chủng, sau đó họ có ký vào giấy cam kết (thực ra là điểm chỉ-PV). Vị này cũng nói về chức năng của “giấy cam kết”: “Giấy cam kết không phải được soạn sẵn để ép bà con, mà để chứng minh cho cán bộ cấp trên biết, mình (cán bộ y xã) có xuống thôn trực tiếp vận động người dân nhưng không thành. Sau khi ký xong, tháng tới chúng tôi vẫn tiếp tục đi vận động người dân tiêm chủng”. Khi PV Tiền Phong nói muốn xem bản báo cáo tiêm chủng, bà này từ chối với lý do không phải người phát ngôn.

Xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long (Đắk Nông) cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) khoảng 130 km, đường đi trắc trở, khó khăn. Nơi đây có 1.892 nhân khẩu, người Mông chiếm hơn 95% dân số. Thôn này hiện có 3 ca mắc bệnh bạch hầu. Ông Ma A Tú (Trưởng thôn 12) cho biết, sau đợt dịch vừa rồi người dân đã có nhận thức hơn về tiêm chủng.

Tuy vậy, như lời ông này nói vẫn có trường hợp “cứng đầu” không chịu đi tiêm phòng. “Có những gia đình đẻ dày, tiêm một lúc 2 đến 3 đứa, sau đó thuốc phản ứng khiến chúng bị sốt. Bố mẹ không đi làm được. Họ còn nói với tôi, đây là thuốc giả nên con tôi mới bị ốm như vậy. Đó là nguyên nhân làm người dân không hợp tác”, ông Tú nói. Thôn 6 của xã này cũng có tình trạng tương tự.

Còn ông Huỳnh Thanh Huynh-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong cho rằng, giấy cam kết này chỉ phát sinh trong quá trình lực lượng y tế thực hiện nhiệm vụ chứ không phải được soạn sẵn để người dân ký vào.

Có “cam kết” hết trách nhiệm?

Trong thực tế, việc tiêm chủng với đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số luôn khó khăn, không riêng gì ở Tây Nguyên. Chính vì thế, đội ngũ y, bác sỹ thôn bản phải hy sinh rất nhiều trong công việc. Tuy nhiên, ở nơi nào được đầu tư bài bản, cộng với đội ngũ tận tâm, hiệu quả hiện hữu. Lấy ví dụ tại tâm dịch bạch hầu tháng 7/2015 tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam).

Đây là vùng “trắng” tiêm chủng nên bạch hầu được bà con xem như con ma rừng. Cán bộ các cấp đã về tận thôn, bản đứng xếp hàng chống nạnh tiêm mẫu để bà con chứng kiến. Đội ngũ y tế còn vào tận rừng sâu vận động những người trốn tiêm về; cử lực lượng cõng người già. Sau đó, nơi đây trở thành điển hình phòng, chống dịch.

Hiện tại, Đắk Nông đang là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về số ca mắc (gần 30 ca) lẫn số người tử vong (2 ca).

Những ngày gần đây, để làm rõ thêm trách nhiệm, cũng như đánh giá về tiêm chủng mở rộng của Đắk Nông, PV Tiền Phong nhiều lần liên hệ với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; lãnh đạo Sở Y tế… đều không được. Còn ở tuyến cơ sở, ông Trương Hy - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Nô trả lời chỉ quản lý chung, không nắm được việc này. Ông Hy đề nghị PV liên lạc với một ông khác…      

Ngày 12/7, 4 tỉnh Tây Nguyên có khoảng 80 ca nhiễm bạch hầu (Đắk Lắk thêm 2 ca, thành 3). Không giống như cách thống kê chủ động cung cấp cho báo chí của Bộ Y tế; hầu hết các tỉnh này, PV liên hệ xin số liệu rất khó khăn, nhất là những ngày cuối tuần. 

MỚI - NÓNG