‘Bệnh hang động’ mà đội bóng Thái Lan có nguy cơ mắc nguy hiểm ra sao?

TPO - Các chuyên gia y tế đã chia sẻ những quan ngại về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của các cầu thủ nhí Thái Lan sau một thời gian dài tiếp xúc với môi trường hang động, trong đó đáng chú ý là "căn bệnh hang động" nguy hiểm.

Theo lời một nhân viên y tế, một khu vực của bệnh viện được chuẩn bị để dành điều trị riêng cho đội bóng. Người này cho biết: "Hạ thân nhiệt là tình trạng đáng sợ nhất. Nhiệt độ cơ thể sẽ giảm khi gặp nước lạnh. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhất là nhiễm trùng. Mọi thứ trong hang đều rất bẩn".

Tiến sĩ Paul Auerbach, giáo sư y khoa cấp cứu tại Đại học Stanford, cảnh báo các cầu thủ nhí Thái Lan có nguy cơ mắc phải histoplasmosis hay còn được gọi là "căn bệnh hang động" do hít phải bào tử của nấm Histoplasma trong suốt thời gian bị kẹt trong hang.

"Bào tử của nấm Histoplasma sinh sôi, phát triển trong hang động và thường được tìm thấy trong chất thải của loài dơi. Đối với một người có hệ thống miễn dịch bình thường, bệnh histoplasmosis cũng thường phát ra nhưng bệnh nhân không bao giờ biết chính xác về nó. Bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ, hơi ho và nó có vẻ giống một căn bệnh do virus gây ra. Phần lớn các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi", ông Auerbach cho biết.

"Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở những người miễn dịch kém hoặc đang ở trong tình trạng suy giảm khả năng miễn dịch, dễ bị tổn thương".

Căn bệnh này cũng dễ xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi chất thải của loài rơi, chim vốn trú ngụ trong hang động.

Những đối tượng dễ bị bệnh Histoplasma thể nặng là trẻ em và người già, hoặc những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Histoplasmosis thường ảnh hưởng đến phổi, và các triệu chứng thường biểu hiện trong 3 đến 17 ngày sau khi tiếp xúc với bào tử nấm. Các triệu chứng chính của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, ho khan và khó chịu ở ngực. Hiện tại, nhóm đầu tiên được cứu khỏi hang động đang được chăm sóc và kiểm tra sức khỏe kỹ tại bệnh viện trước khi được gặp người thân và được trở về nhà.

Bệnh nấm Histoplasmosis do vi khuẩn gây ra có thể dẫn đến xuất huyết phổi nặng hoặc thậm chí là viêm màng não. Những thợ mỏ Chile từng được giải cứu vào năm 2010 sau hơn 2 tháng mắc kẹt dưới lòng đất đã bị viêm phổi, các vấn đề về phổi do hít phải bụi, bệnh về răng và mắt. Bên cạnh các vấn đề về thể chất, những người được giải cứu còn bị căng thẳng tâm lý do sống trong bóng tối cách mặt đất hàng trăm mét. Các chứng mất ngủ, trầm cảm và căng thẳng sau chấn thương đều phải được theo dõi trong những tuần sau đó.

Bác sĩ Seema Yasmin thuộc Trường ĐH Stanford (Mỹ) nói với đài CNN rằng việc bị mắc kẹt trong bóng tối nhiều ngày có thể dẫn đến lo lắng, sợ hãi và tác động tiêu cực đến giấc ngủ. Đề cập trường hợp thợ mỏ Chile được giải cứu, bà Yasmin cho hay họ bị trầm cảm, lo lắng, gặp vấn đề trong việc hình thành các mối quan hệ mới và rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra nếu không được hỗ trợ kịp thời về thể chất lẫn tâm lý.

theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thì đây là dạng bệnh nhiễm trùng phổi do nấm "histoplasma" gây ra, phát triển mạnh ở những khu vực có nhiều chim hoặc dơi.
CDC lý giải rằng: "Mọi người có thể bị nhiễm histoplasmosis sau khi hít phải các bào tử nấm cực kỳ nhỏ trong không khí, nhất là sau các hoạt động gây xáo trộn đất. Không phải tất cả những người hít phải bào tử nấm đều bị bệnh nhưng họ có thể bị sốt, ho và mệt mỏi".

Căn bệnh này về cơ bản vô hại, nhưng lại rất nghiêm trọng với trẻ em, người già hoặc những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp.

Hầu hết người bị nhiễm histoplasmosis chỉ cần thời gian để hồi phục. Nhưng những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng, thậm chí gây tử vong.

Theo CDC, nhiều bác sĩ kê thuốc kháng nấm Itraconazole cho bệnh này, trong đó có thể cần sử dụng trong 3 tháng đến một năm để hoàn toàn chống nhiễm trùng.

Trở lại với 13 cầu thủ nhí của Thái, ông Jedsada Chokdumrongsuk - quan chức cấp cao Bộ Y tế công Thái Lan cho biết cho biết, họ không chắc loại nhiễm trùng nào các cậu bé có nguy cơ phải đối mặt, bởi "chúng tôi chưa có kinh nghiệm về vấn đề này từ hang sâu".

Nếu không có vấn đề gì nghiêm trọng sau các cuộc kiểm tra y tế, phụ huynh có thể mặc đồ khử trùng vào khu vực cách ly và cách các cậu bé khoảng 2m sau một tuần nữa.

Quá trình hồi phục của đội bóng Thái Lan bắt đầu sau 18 ngày sống trong hang động tăm tối và ẩm ướt. Các em sẽ được kiểm tra có dấu hiệu của "bệnh hang động" hay không.

Sau quãng thời gian gần 3 tuần mắc kẹt trong hang ngập nước với điều kiện sống khắc nghiệt, 13 thành viên đội bóng cần được chăm sóc đặc biệt để có thể ăn uống và sinh hoạt như bình thường.

Giới chức y tế Thái Lan thông báo các cậu bé hiện đều khỏe mạnh, không sốt, ổn định, và rất lạc quan. Các em được cho ăn thức ăn mềm và cháo, chưa được thưởng thức những món đã yêu cầu như cơm gà cay với rau húng quế và bánh mì chocolate.

Tất cả những cậu bé được giải cứu đều không gặp vấn đề gì với thị lực. Tuy nhiên, trong phòng bệnh, các bác sĩ cho các em đeo kính râm để đề phòng tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Các cậu bé cũng không được phép xem TV để tránh bị ảnh hưởng tâm lý.

Tại sao cần cách ly?

Tiến sĩ Gupta nhận định các cầu thủ nhí phải được cách ly nhằm bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm trùng.

"Với hệ miễn dịch suy yếu, một mầm bệnh nhỏ cũng trở nên nguy hiểm với họ. Điều đó lý giải tại sao bác sĩ chưa cho người nhà tiếp xúc vật lý với các em. Mọi thứ đều là mối đe dọa tiềm năng", ông nói.

Ngoài “bệnh hang động”, các bác sĩ cũng lo ngại các em có thể mắc hội chứng tái dưỡng, một chứng bệnh rối loạn chuyển hóa xảy ra ở những người nhịn đói hoặc suy dưỡng khi được nuôi dưỡng trở lại. Ngoài ra, theo chuyên gia, các cậu bé có thể gặp phải chấn thương tâm lý như mất ngủ và trầm cảm do phải sống trong bóng tối nhiều ngày.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.