Bệnh khó nói ở phụ nữ

Bệnh khó nói ở phụ nữ
Nhiều nữ bệnh nhân không tiết lộ về nó, bác sĩ không hỏi. Hàng triệu chị em âm thầm khổ sở vì hội chứng són tiểu.

Tình cảnh điển hình diễn ra thế này: bà chủ vừa đi chợ về nhà. Đang cao hứng, bởi đã mua được vài món vừa ý. Quãng hơn một giờ trước, tức trước khi ra khỏi siêu thị, người đẹp đã dùng toa-lét. Bước vào thang máy leo lên căn hộ, tra chìa khóa vào ổ…và tai họa. Đúng thời điểm vặn chìa khóa, bất chợt bụng dưới quặn tức, và cả đũng quần đã ướt sũng - trước khi bà chủ kịp lao vào toa-lét…

Kịch bản thứ hai: người phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh đã thời gian nhất định khó chịu vì chứng ho khan buổi sáng. Thực ra không có gì ca thán, nếu như sau mỗi lần ho không kết thúc bằng vài ba giọt nước tiểu không mong đợi chảy ra từ nơi thầm kín. Trước luc đi làm người đẹp bắt buộc phải mặc thêm cái bỉm – để tránh hậu họa từ những cơn ho bất chợt.

Nhiều hơn áp huyết cao và trầm cảm

Những kịch bản trên mô tả một trong những chứng bệnh khó chịu hay gặp nhất của phụ nữ - són tiểu.

Bệnh khó nói ở phụ nữ ảnh 1

Giới chuyên gia hai dạng cơ bản của chứng bệnh: són tiểu thúc bách và són tiểu vì nỗ lực. Dạng thứ nhất nhìn chung xảy ra với phụ nữ sau tuổi 60, són tiểu vì nỗ lực xảy ra sớm hơn, thường vào thời điểm gần tuổi mãn kinh, tức 45-50. Cũng không hiếm trường hợp nạn nhân khổ sở vì cả hai dạng. Bác sĩ gọi tình trạng ấy là són tiểu hỗn tạp.

Hay gặp nhất là dạng són tiểu thứ hai (49%). Khi ấy nước tiểu són ra do hậu quả áp suất trong bụng gia tăng không đáng kể, thí dụ sau cái hắt xì hơi, sau cơn ho hoặc cười rũ. Khoảng 22% nạn nhân són tiểu có nguyên nhân liên quan đến cảm giác bất chợt đầy tức bàng quang và 29% là nạn nhân của tình trạng són tiểu hỗn tạp.

Són tiểu có thể xảy ra với những thiếu nữ hoàn toàn trẻ, tuy nhiên nguyên tắc chung vẫn có nội dung: càng cao tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Cụ thể, nếu trong nhóm tuổi 30-35, trung bình cứ khoảng 6 người đẹp, có một bị són tiểu; thì tỷ lệ này trong nhóm tuổi 50 là trung bình cứ 3 – có một; còn trong nhóm tuổi cao hơn – trung bình xấp xỉ cứ 2 – có một là nạn nhân.

Trên không gian cả cuộc đời người đẹp, nguy cơ mắc bệnh són tiểu lên tới 35%! Tức cao hơn hẳn nguy cơ xuất hiện áp huyết cao (25%), trầm cảm (20%) hay tiểu đường (8%). Tuy nhiên theo giới chuyên gia, vẫn tồn tại nghịch lý: trong khi mỗi năm có thể dễ dàng đếm được hàng trăm bài viết về bệnh áp huyết cao hoặc bệnh trầm cảm, các phương tiện truyền thông gần như “bỏ qua” bệnh són tiểu, bởi nó là đề tài kém hấp dẫn và bị coi là xấu hổ.

Bản thân phụ nữ không thích đề cập, cũng không sẵn sàng chữa trị. Họ giấu bệnh không chỉ với người thân, mà cả với bác sĩ. Lý do chính: đã từ lâu số đông phái đẹp dứt khoát tin vào hai huyền thoại:

1- Thứ nhất, són tiểu là vấn đề sinh lý, không phải bệnh lý. Nó xảy ra do hệ quả quá trình sinh nở và hiệu ứng bình thường của quá trình già nua. Không có thần dược “cải lão hoàn đồng”, vậy nên chỉ còn âm thầm cam chịu.

2- Thứ hai, việc chữa trị són tiểu không có hiệu quả, vậy nên nạn nhân chủ ý giấu bệnh. Uống thuốc, nhất là các thủ thuật phẫu thuật ở bệnh viện phức tạp lại không giúp cải thiện tình hình, vậy nên tốt nhất không nghĩ đến nó (?!).

70% “án binh bất động”

- Trong vấn nạn trên các bác sĩ cũng có lỗi – GS. BS Wlodzimierz Baranowski giám đốc Bệnh viện Phụ sản Warszawa khẳng định. – Bản thân chúng ta hiếm khi hỏi bệnh nhân: “Vấn đề tiểu tiện của chị thế nào? Có chắc chắn tất cả đều tốt đẹp?”. – Chúng tôi đang nhắc nhở nhau và lớp trẻ đồng nghiệp không quên nhiệm vụ này – vị giáo sư đã ngoài 50 tuổi nói thêm. – Bởi thật khó hy vọng người bệnh vượt qua mặc cảm và tự mình kể về tình trạng són tiểu, cần phải trực tiếp tìm hiểu. Vả lại bác sĩ có kinh nghiệm thậm chí không phải hỏi – nếu thực sự có trách nhiệm. Đơn giản, bác sĩ nhận ra ngay khi phỏng vấn thăm khám. Có thể khẳng định hiện trạng, dẫu chỉ qua mùi vị cũng như những thay đổi thể hiện trên mặt da tại khu vực cơ quan sinh dục (nước tiểu rò rỉ từ niệu quản gây ngứa ngáy khó chịu, khiến khổ chủ phải gãi liên tục).

Không chỉ phái đẹp các quốc gia đang phát triển, đời sống kinh tế và văn hóa thấp né tránh chứng bệnh xấu hổ (theo quan niệm của họ) này. Ngay tại quốc gia văn minh hàng đầu thế giới như Vương quốc Anh, theo số liệu điều tra, chỉ có khoảng 40% tổng số phụ nữ cần sự giúp đỡ của bác sĩ gõ cửa bệnh viện. Tại Ba Lan, tỷ lệ này còn thấp hơn (không vượt quá 30%). Như vậy, trên 70% nữ nạn nhân tại quốc gia này vẫn chưa đủ can đảm vượt qua mặc cảm, để chủ động chữa trị!

Xem ra phụ nữ dễ dàng hơn khi quyết định gõ cửa chuyên gia tình dục và bày tỏ tình trạng không có cực khoái so với việc thú nhận, bản thân bị són tiểu – những lúc hắt xì hơi. Sự thực không ai chết vì són tiểu, song chứng bệnh này có thể làm xấu thậm tệ cuộc sống.

Nạn nhân chứng bệnh thường e ngại ra khỏi nhà, trường hợp nếu đã quyết định, bao giờ họ cũng hoạch định tuyến đường chạy qua các điểm nhà vệ sinh công cộng (nhiều bệnh nhân thuộc như lòng bàn tay sơ đồ WC trong khu vực).

Són tiểu cũng là lý do từ bỏ sớm sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội thường gặp. Việc liên tục phải sử dụng toa-lét, thí dụ ban đêm làm cho khổ chủ mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, tính khí cáu bẩn và không hiếm trường hợp dẫn đến trầm cảm. Tiếc rằng thậm chí cả cực hình đó vẫn chưa đủ sức mạnh để trợ giúp nạn nhân giấu mặc cảm hổ thẹn vào túi áo, để tìm cách chữa trị.

Thai nghén, sinh nở và hoóc-môn

Tại sao số đông phụ nữ gặp phiền toái với són tiểu? Thứ nhất, đó là hiệu ứng giải phẫu học tự nhiên của họ (niệu đạo ngắn hơn nhiều so với nam giới); sau nữa, chứng bệnh có mối quan hệ với thai nghén và sinh đẻ, cuối cùng tất cả đều bị chi phối của các hoóc-môn giới tính nữ, tức liên quan đến tình trạng mãn kinh.

Thai nghén và sinh nở là lý do gây rắc rối són tiểu rất quan trọng. Tình trạng thai nhi chèn ép kênh sinh nở thời gian nhiều tháng có thể làm chấn thương cấu trúc thần kinh-cơ bắp đáy xương chậu và/hoặc dẫn đến tình trạng thoái hóa mạng dây treo niệu đạo. Một khi mạng dây treo bị rách, niệu quản sẽ tự mở thậm chí cả khi nỗ lực không lớn – yếu tố tạo điều kiện để nước tiểu chảy ra ngoài.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy: thậm chí cả với phụ nữ không sinh con theo cách tự nhiên, cũng có thể ngã bệnh són tiểu. Lý do: bản thân sự mang thai cũng có thể dẫn đến tình trạng chấn thương mạng dây treo niệu đạo (vì thể đẻ mổ hoàn toàn không có tác dụng bảo vệ phụ nữ trước những phiền toái sau này).

Cũng không có mối quan hệ đặc biệt giữa số lần mang thai và tình trạng són tiểu. Có thể chỉ sinh một con vẫn bị són tiểu nặng, và có thể sinh vài ba con và nữ thân chủ vẫn có bàng quang bền như được làm từ titan. Tại sao rắc rối phần nhiều xuất hiện vào giai đoạn gần lúc mãn kinh? Bởi trước đó người đẹp có sự trợ giúp đặc lực của hoóc-môn nữ giới – estrogen. Hoóc-môn này có tác dụng tích cực đối với niêm mạc niệu đạo. Ở phụ nữ trẻ niêm mạc này còn dầy và vì thế niệu quản rất kín miệng. Đến lúc mãn kinh nồng độ estrogen suy giảm, lớp niêm mạc sẽ mỏng dần. Hệ quả độ kín thành niệu quản giảm và nước tiểu có thể rò rỉ ra ngoài.

Thời điểm rắc rối xuất hiện

Chỗ nào kết thúc sinh lý học, và con bệnh bắt đầu? Tất cả phụ nữ đều trải qua thời kỳ mãn kinh, song cũng may – không phải tất cả đều bị són tiểu sau tuổi 50. Theo giới chuyên gia, hoàn toàn bình thường, nếu người đẹp đi tiểu 5-6 lần trong ngày và hai lần/ban đêm. Có thể nói về tình trạng bệnh lý – nếu số lần đi toa-lét nhiều hơn.

Tiểu tiện cũng đòi hỏi sự tham gia của cái đầu – một trong những lý do giải thích, vì sao rắc rối són tiểu xuất hiện nhiều nhất ở phụ nữ cao tuổi. Khi ấy không chỉ những “cái khóa” bên trong của chúng ta (tức hệ thống van) hoạt động rệu rã, mà cả phản xạ cũng bắt đầu chậm chạp, thiếu chính xác. Bắt đầu đi tiểu khó hơn, khó hết bãi hơn (kể cả đàn ông cũng biết về phiền toái này), cuối cùng – điều đặc biệt quan trọng trong trường hợp són tiểu – rất khó làm chủ những phản xạ bất ngờ của bàng quang phát cho não bộ tín hiệu có nội dung: “Chỉ giây lát bàng quang sẽ bục vì quá đầy”, trong khi thực tế chỉ có một ít. Tình huống càng tồi tệ, khi não bộ không còn tỉnh táo để phân tích chính xác sự thể và lập tức truyền lệnh cho hệ thống van hãm: “Mở van!”.

Thuốc lá và béo phì

Liệu có thể bằng cách nào đó ngăn ngừa chứng bệnh són tiểu? Không đặc biệt, cho dù cần nhắc đến hai nhân tố nguy cơ quan trọng chúng ta có thể tác động – thuốc lá và béo phì.

Hút thuốc lá thường dẫn đến tình trạng ho khan kinh niên – hành vi diễn ra thời gian dài sẽ làm suy yếu mạng dây chằng niệu đạo (cùng với thời gian có thể gây tổn thương van hãm). Hợp chất nicotin của thuốc lá cũng tác động trực tiếp đến hệ cơ hỗ trợ tiểu tiện (gây phản xạ co thắt). Cuối cùng, nicotin cản trở hoạt động của hoóc-môn nữ giới estrogen, gián tiếp tác động tiêu cực đến chức năng bàng quang.

Cho dù bản thân không phải là nguyên nhân gây són tiểu, song béo phì gián tiếp làm cho vấn đề trở nên phức tạp. Bởi bàng quang người đẹp béo phì liên tục phải chịu sức ép của những kilôgam trọng lượng cơ thể dư thừa. Thời gian “gánh nặng” quá sức sẽ làm cho mạng dây chằng và cơ đỡ bàng quang, niệu đạo ngày càng rệu rã, hệ thống van hãm vì thể cũng suy yếu dần và són tiểu là kết cục tất yếu.

Vậy nên cai thuốc lá (với người đẹp lỡ nghiện), kiểm soát chế độ dinh dưỡng và thực hành nếp sống lành mạnh để tránh béo phì cũng là biện pháp hữu hiệu khả dĩ góp phần ngăn ngừa són tiểu.

Hoa Quỳ
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG