Bệnh nhân tay chân miệng tăng đột biến, chật kín hành lang

TPO - Chỉ tính từ đầu tháng 10, số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ đã đạt con số hơn 1.300 ca, tăng gấp đôi so với cùng kì năm trước.
Bệnh nhân tay chân miệng tăng đột biến, chật kín hành lang ảnh 1

Bệnh viện quá tải vì tay chân miệng tăng đột biến, bệnh nhi và người nhà phải nằm "tràn" ra hành lang - Ảnh: Kim Hà.

Trong 6 tháng cuối năm, số ca bệnh tay chân miệng tăng đột biến gấp 5 – 6 lần so với đầu năm. Mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận khoảng hơn 200 ca mắc bệnh này, lúc cao điểm nhất có thể lên đến 300 ca/ngày. Đa số bệnh nhi mắc bệnh nghiêm trọng thường rơi vào dưới 2 tuổi.

Theo Bác sĩ CKII Huỳnh Hùng Dũng – Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, chỉ tính riêng trong tuần đầu tiên của tháng 10, số bệnh nhi đã tăng đến 1.300 ca. Trong khi đó, toàn bệnh viện có 500 giường đáp ứng cho 500 bệnh nội trú, riêng khoa Nhiễm - Thần kinh chỉ có 60 giường mà số bệnh quá đông nên dẫn đến việc quá tải.

Bệnh nhân tay chân miệng tăng đột biến, chật kín hành lang ảnh 2 Bệnh phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi - Ảnh: Kim Hà.

Do đó, bệnh viện phải điều động thêm giường tại các khoa có ít bệnh nhi, rồi kê thêm ngoài hành lang. Thậm chí, dời bệnh của khoa sang nằm tạm tại khoa khác để dàn trải lượng bệnh đang quá tải nhưng vẫn không đáp ứng đủ vì số ca nhập viện ngày một tăng cao. Lúc đỉnh điểm, mỗi giường phải chen chúc đến 5 bệnh nhi.

Cảnh tượng bệnh “tràn” ra ngoài hành lang và cả thang máy đông nghẹt chỉ còn chừa đủ lối đi; tiếng quấy khóc của bệnh nhi; còn bác sĩ, điều dưỡng thì tất bật ngày đêm đã không còn xa lạ tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh (ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) có con vừa nhập viện nói: “Ở nhà thấy bé sốt mà uống thuốc không khỏi nên tôi đưa đi khám. Trên đường đi thì tự nhiên mắt bé trợn trắng, tôi sợ quá nên đưa luôn vào viện. Không ngờ đông quá, giường nằm 2 bé, mà con tôi khó chịu, cứ quấy khóc hoài nên mới đem ra hành lang nằm cho thoải mái”.

Bệnh nhân tay chân miệng tăng đột biến, chật kín hành lang ảnh 3 Người bệnh, người nuôi bệnh và đội ngũ nhân viên y tế phải "gồng mình" vì tay chân miệng bùng phát - Ảnh: KIm Hà.

Không chỉ có người bệnh, người nuôi mệt mỏi mà cả đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện cũng làm việc vượt công suất để kịp thời điều trị cho bệnh nhân. “Những hôm đầu tuần bệnh đông lên đến 280 - 300 bệnh nhi/ngày, mà bác sĩ và điều dưỡng tại khoa theo cơ cấu thì có giới hạn thôi. Do đó phải chia nhau trực và tăng cường thêm từ khoa khác nhưng vẫn không làm xuể. Cường độ công việc tăng lên gấp 6 lần bình thường nên không giải quyết cho nhân viên nghỉ phép trong thời gian này. Hiện khoa có 5 bác sĩ phải chia nhau khám gần 300 bệnh nội trú mỗi ngày. Có những hôm đến 2 giờ chiều mới ăn cơm trưa, tối thì làm đến tận 8 – 9 giờ tối mới về nhà. Thậm chí, có một số điều dưỡng nữ bị ngất xỉu do làm việc quá sức” – Bác sĩ Dũng nói.

Mùa dịch năm nay, đa số ca tay chân miệng xét nghiệm mắc chủng virus EV71. Tại bệnh viện có nhiều trường hợp chuyển độ nhanh và đột ngột, có khi bỏ qua độ 2, đột ngột vô độ 3 sốc và suy hô hấp nhanh. Vì vậy, khi khám các bác sĩ luôn tư vấn kĩ để người nhà lưu ý, do có một số trường hợp cha mẹ thấy bé mới bị độ 1 nổi bóng  nước ở tay, chân thôi nên hay tự ý đưa bé về nhà để nghỉ ngơi cho thoải mái. Tuy nhiên, bệnh này diễn biến rất nhanh, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ có thể chuyển từ độ 1 sang độ 4. Do đó, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.