Bệnh tay chân miệng diễn biến bất thường

Nhiều trẻ bệnh nặng phải hồi sức cấp cứu, một số trường hợp tái phát bệnh Ảnh: Nguyễn Huy
Nhiều trẻ bệnh nặng phải hồi sức cấp cứu, một số trường hợp tái phát bệnh Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Sáu tuần đầu năm 2012, số người mắc tay chân miệng (TCM) đã lên tới 6.300 trường hợp, tại 60 địa phương với chín bệnh nhân tử vong. Như vậy mỗi tuần có 1.000 ca mắc mới, số ca TCM tăng hơn bảy lần so với cùng kỳ năm 2011.

> Ngưng lớp học có trẻ chết do tay chân miệng

Nhiều trẻ bệnh nặng phải hồi sức cấp cứu, một số trường hợp tái phát bệnh Ảnh: Nguyễn Huy
Nhiều trẻ bệnh nặng phải hồi sức cấp cứu, một số trường hợp
tái phát bệnh. Ảnh: Nguyễn Huy.

Bất thường

Theo TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) miền Nam vẫn là nơi tập trung nhiều nhất số người mắc với trên 3.860 ca. Tất cả các ca tử vong từ đầu năm 2012 đến nay đều dương tính với EV71, virus gây tỷ lệ tử vong cao nhất. Một số tỉnh có xu hướng gia tăng số mắc là Hải Phòng, Đồng Nai, Hòa Bình, Hậu Giang.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết, thông thường những tháng đầu năm không có hoặc có rất ít bệnh nhân mắc TCM nhưng năm nay thì khác. Ông Hiển đặt câu hỏi phải chăng dịch TCM vắt từ năm 2011 sang năm 2012 với nhiều chủng virus gây bệnh đường tiêu hóa tạo nên dịch lớn kéo dài đến thế. Không loại trừ nguy cơ mầm bệnh đã có ngoài môi trường.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển lưu ý bệnh TCM do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nhưng lại không có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu và các biện pháp phòng chống dịch chưa hiệu quả. Số người lành mang trùng lên tới 71% trong các ổ dịch, trong khi nhiều nơi, nhiều người chưa thực sự quan tâm phòng chống đúng mức. Đấy có thể là nguyên nhân khiến dịch kéo dài và có nguy cơ bùng phát mạnh.

Để huấn luyện chuyên môn về điều trị cho tuyến dưới, Bộ Y tế đề xuất thành lập các trung tâm huấn luyện điều trị bệnh nhân TCM tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM), Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Bệnh viện quá tải

Mỗi ngày có hàng chục bệnh nhi nhập viện khiến Khoa y học nhiệt đới, Trung tâm Phụ sản - nhi (Bệnh viện Đà Nẵng) quá tải. Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng và tái phát bệnh…

Tính đến chiều 21-2, Khoa y học Nhiệt đới đã tiếp nhận thêm gần 40 bệnh nhân TCM mới nhập viện, nâng tổng số bệnh nhân TCM điều trị nội trú lên gần 150 ca. Theo bác sĩ khoa, số bệnh nhân gia tăng nhanh từ đầu tháng 2 đến nay, đặc biệt trong tuần gần đây.

Trung bình mỗi ngày có 20 bệnh nhân nhập viện. Trong khi đó, tổng số giường theo đúng chỉ tiêu trước đây của khoa chỉ có 25 giường. Trung tâm bố trí thêm 45 giường trong phòng và 50 giường xếp kê dọc hai hành lang và các khoảng trống ngoài phòng bệnh nhưng quá tải vẫn hoàn quá tải.

Chị Đặng Thị Hiền (38 tuổi, phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) mẹ bệnh nhi Lê Đình Tài (3 tuổi) cho hay: Cháu mắc bệnh TCM 4 ngày nay nhưng hai mẹ con phải nằm giường xếp vì không còn chỗ. Cạnh hành lang chỗ chị Hiền có hơn chục giường xếp được kê dọc hai bên. Một số gia đình mang theo võng để nằm.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nhữ, Khoa Y học Nhiệt đới, bệnh TCM đang có xu hướng gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp. Trước đây bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, nhưng hiện nay có nhiều cháu 3 - 5 tuổi vẫn dễ mắc.

Lãnh đạo Khoa Nhi, Trung tâm Phụ sản - Nhi cũng cho biết, đáng lo ngại là trẻ mắc bệnh TCM cấp độ nặng (từ cấp độ 2B1) tăng cao. Đặc biệt thể tối cấp, bệnh diễn biến rất nhanh và có các biến chứng nặng gây tử vong trong vòng 24 đến 48 tiếng. Trên địa bàn đã xuất hiện Enterovirus 71, gây bệnh TCM cấp độ nặng và làm một trẻ tử vong.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Phụ sản - nhi trong ngày tiếp nhận gần 15 bệnh nhi TCM cấp độ nặng từ 2B1 đến cấp độ 4. Khoa này không có giường để điều trị riêng cho các bệnh nhân TCM nên phải dành một khu vực riêng, cạnh bệnh nhi tim để tiếp nhận bệnh nhân. Nhiều loại máy đo nhịp tim, huyết áp được tăng cường từ Bệnh viện Đà Nẵng sang để theo dõi điều trị cho các bệnh nhi trước áp lực gia tăng.

Trong tổng số bệnh nhi bị TCM tại đây có hơn 80 ca Đà Nẵng, số còn lại thuộc các tỉnh lân cận Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Một số trường hợp tái phát bệnh TCM ở mức độ nặng, phải nhập viện. Tại khoa Hồi sức cấp cứu, chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, Hòa Liên, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nói, cháu Phan Thị Mãn (14 tháng tuổi), con chị được điều trị khỏi bệnh TCM và xuất viện ngày 17–2. Đến ngày 20–2, cháu Mãn lại nhập viện trong tình trạng tái phát nặng hơn, hiện đang ở cấp độ 2B1 dù gia đình đã khử khuẩn, lau hóa chất như hướng dẫn.

Theo bác sĩ Khoa hồi sức cấp cứu, việc bệnh nhi tát phát có thể xảy ra nếu nguồn bệnh tại địa phương chưa được xử lý.

Ngày 21-2, Sở GD&ĐT Đà Nẵng có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn phòng chống dịch tay chân miệng, chú trọng đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tính mạng cho trẻ tại trường học; phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, khử trùng toàn bộ đồ dùng, đồ chơi, đồ dùng vệ sinh cá nhân…

Trường hợp có trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải cho lớp đó nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.