Bị chồng coi thường vì không đi làm

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Tôi mới kết hôn được gần 2 năm nhưng cuộc sống gia đình thật sự rất bế tắc. Chồng tôi là một người chỉ biết nhậu nhẹt, gái gú.

Sáng ngủ dậy, anh đi một mạch tới hơn nửa đêm mới về. Một tháng ba mươi ngày anh đi hết cả ba mươi ngày, kể cả chủ nhật, ngày lễ. Vợ con bệnh nằm một mình ở nhà, anh cũng đi nhậu tới 2h sáng mới về. Đã thế, chồng tôi còn bồ bịch lăng nhăng. 

Anh có một công ty nhỏ với vài nhân viên nhưng hầu như cô nào cũng từng qua tay anh. Cuối tuần, anh thường đưa nhân viên đi ăn nhà hàng nhưng chưa bao giờ về đưa vợ con đi ăn. Ngày lễ thay vì về chở vợ đi chơi thì anh lại đi với gái tới khuya. Anh khăng khăng chối việc có bồ.

Tôi với anh đã mấy lần định ly hôn nhưng vì con còn quá nhỏ mà tôi lại đang ở nhà trông con, chưa đi làm. Kinh tế tôi hoàn toàn phụ thuộc vào chồng nên tôi chẳng thể làm được gì. Trong người tôi không bao giờ có một xu, tiền bạc anh giữ hết. 

Anh làm được bao nhiêu, tiêu xài cái gì tôi không hề hay biết. Hàng tháng, anh chỉ đưa đủ tiền ăn nhưng được cái con tôi không thiếu thốn thứ gì. Nhiều lúc tôi nghĩ coi như mình đi ở đợ để kiếm tiền nuôi con nhưng càng ngày anh càng quá đáng không coi tôi ra gì. Tôi cảm thấy bất lực, không biết phải làm gì? (Lan)

Trả lời

Cuộc sống xã hội hiện đại đòi hỏi mỗi người đều phải lao động để tạo ra vật chất nuôi sống bản thân, con cái và những bậc sinh thành. Nếu không thể hiện được năng lực lao động làm ra sản phẩm, hàng hóa thì tự mình đánh mất quyền tự do của bản thân và lúc đó bản thân mình sẽ rơi vào hoàn cảnh lệ thuộc nào đó. Đây là sự khắc nghiệt của xã hội hiện đại so với ngày xưa chỉ cần chồng đi làm để nuôi vợ con hoặc vợ đi làm để nuôi chồng ăn học. Xã hội hiện đại mọi người đều cần có nghề nghiệp và lao động.

Bạn “mang tiếng làm vợ sếp nhưng trong người bạn không bao giờ có một xu, tiền bạc anh giữ hết” cho thấy anh đã sử dụng đồng tiền để khống chế vợ mình. Nếu bạn không có việc làm, không có lương thỉ cuộc đời bạn trở thành nô lệ của anh ấy. “Một tháng ba mươi ngày, anh đi hết cả ba mươi ngày, kể cả chủ nhật và ngày lễ” là điều không thể chấp nhận được về đời sống gia đình.

 Bất cứ ai khi có gia đình đều phải dành thời gian cho cuộc sống với vợ con, nhất là bữa cơm gia đình. Người nào đó không dành thời gian cho gia đình thì người đó chỉ có thể là nhiệm vụ cách mạng hoặc do hoàn cảnh công tác xa nhà. 

Cũng vì tính cách như vậy nên chồng bạn “bồ bịch lăng nhăng” và “thường đưa nhân viên đi nhà hàng nhưng chưa bao giờ đưa vợ con đi ăn”  là điều không thể chấp nhận. Rồi “ngày lễ lại đi chơi với gái đến khuya mới về , còn nhắn tin hỏi han về đến nhà chưa” thì phải nói là người chồng quá đáng.

Có một điều “anh khăng khăng từ chối có bồ” tức là còn chút gì đó nể nang vợ. "Hàng tháng anh chỉ đưa đủ tiền ăn nhưng được cái con cái không thiếu thốn thứ gì” cho thấy anh ấy cũng còn có trách nhiệm phần nào. So sánh giữa sự buông thả và trách nhiệm cho thấy anh ấy còn có chút tỉnh táo nhất định. Những người còn có được sự tỉnh táo có thể còn cứu vãn. Có lẽ chính vì sự hy vọng cứu vãn nên bạn còn sống với anh ấy.

Bây giờ bạn hãy tìm cách đi làm việc, việc gì đó dù là lao động vất vả trong một công ty, xí nghiệp... để khẳng định năng lực của bạn. Buộc anh ta phải thừa nhận giá trị sức lao động cũng như quan hệ xã hội của bạn thì lúc đó mới có thể tính tiếp. Còn nếu bạn chỉ ở không, anh ta sẽ được nước khinh thường.

Chúc sự thành công.

GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG