Bi hài chuyện rước dâu hai lần

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Xu hướng rước dâu hai lần đang dần trở nên phổ biến, nhất là trong trường hợp cô dâu cao số hoặc hai vợ chồng không hợp tuổi. Nhưng xung quanh chuyện rước dâu hai lần cũng có vô số những chuyện bi hài cười ra nước mắt.

Phương (Hà Nội) là cô gái có năm sinh được các cụ xếp vào hàng "cao số", thế nên khi bàn đến chuyện cưới xin, các cụ hai bên nhất quyết bắt phải đón dâu hai lần để tránh “hai lần đò”. Lần đầu vào hôm ăn hỏi, xong Phương phải trốn về nhà và lần thứ hai sẽ vào hôm cưới chính.

Phương kể về lần đầu cười ra nước mắt của mình: “Hôm ăn hỏi mình cũng phải theo về nhà chồng, rồi sáng hôm sau trốn về nhà mình mà không để ai biết. Vậy là trước hôm ăn hỏi, mình phải tìm số taxi ở gần nhà chồng, để sáng sớm hôm sau gọi họ đến đón đưa về thành phố. Khổ nỗi nhà chồng mình ở quê, các cụ thường dậy rất sớm để cho lợn gà ăn, thế nên mình cũng phải dậy từ 4h sáng để ‘trốn’ về nhà. 

Hôm ấy mình để chuông điện thoại 4h kém, dậy cũng không dám rửa mặt mà rón rén thay quần áo, rồi nhẹ nhàng mở cửa nhà để trốn đi. Mọi việc trót lọt cho đến khi mình ra đến gần cổng, bỗng con chó nhà chồng mình xồ ra sủa ầm ĩ, mấy con chó ở nhà hàng xóm xung quanh thấy vậy cũng sủa theo ầm cả xóm. Lúc ấy thực sự mình vừa hoảng vừa sợ, sợ bị chó cắn, lại sợ đánh động mọi người. 

Rồi mình cứ liều đi tiếp về phía cổng, nhưng con chó xông về phía mình, nó ngoạm luôn vào chân quần giữ không cho mình đi tiếp. Mình sợ phát khóc, chẳng còn nghĩ ngợi được gì liền la lên: 'Anh Nam, anh Nam ơi cứu em với'. Ngay lúc ấy thấy mọi người trong nhà mình lục đục bật đèn dậy chạy ra sân. Chồng mình nhìn thấy cảnh mình đang khóc thì ôm bụng cười. Vậy là đổ bể hết chuyện ‘trốn’ về nhà”.

Sau chuyện “trốn” về nhà không thành đó, Nam (chồng Phương) quyết định không phải “trốn” gì nữa, cơm trưa xong anh sẽ đưa vợ về nhà ngoại. Nhưng Phương không chịu vì nghĩ rằng người lớn đã nói thì cứ kiêng cho lành, hơn thế mọi người nói đi nói lại thì cô bắt đầu sợ không làm theo sẽ “ hai lần đò ”. 

Thế là cả buổi sáng hôm ấy Phương cứ phải rình rập xem bố mẹ và chồng đi đâu để còn “trốn”. Thế nhưng Nam thì cứ kè kè bên cạnh vợ khiến Phương điên tiết quá, nổi khùng lên: “Anh đi chơi đi, cứ kè kè theo em làm cái gì”. Mãi đến lúc đó Nam mới hiểu là Phương vẫn giữ ý định bỏ trốn nên anh mới không “dính” lấy vợ nữa. 

Cuối cùng thì gần đến trưa Phương cũng có cơ hội bỏ trốn. “Cuộc sống hôn nhân của bọn mình rất hạnh phúc, chắc tại mình qua đủ... hai lần đò rồi” – Phương sung sướng khoe.

Cũng bị gia đình bắt rước dâu hai lần như Phương, chị Thủy (Thái Bình) lại gặp phải tình huống dở khóc khở cười khác. Số là khi cưới chị Thủy đang mang bầu hơn 2 tháng. Từ ngày có bầu, chị Thủy ốm nghén liên tục, người xanh rớt nên nghĩ đến chặng đường phải rước dâu hai lần là chị đã "sợ xanh mắt".

 Chị bàn với chồng xin phép gia đình làm qua loa thôi, không phải cầu kì đón rước hai lần nữa, nhưng mẹ chồng chị Thủy không đồng ý với lý do hai anh chị không hợp tuổi nhau, phải rước dâu hai lần cho đúng thủ tục, kẻo sau này sống với nhau không thuận hòa.

Để rút ngắn các thủ tục và thời gian, mẹ chồng chị Thủy đã đồng ý tổ chức lễ rước dâu lần một vào đúng hôm ăn hỏi. Lễ ăn hỏi, sau khi cô dâu chú rể mệt rã rời với các nghi lễ và tiếp khách, ăn uống... chị Thủy ngáp ngắn ngáp dài vì chị vốn bị nghén ngủ. Ngồi đợi mọi người chuẩn bị lễ vật để vào rước dâu, chị gục ngay vào lan can tầng 2 nhà mình và ngủ ngon lành.

 Đến lúc mọi người vào không thấy cô dâu đâu, tìm khắp nơi cũng không thấy, gọi điện thì chị Thủy không cầm máy bên người. Cuối cùng, sau gần nửa tiếng chợp mắt, chị giật mình tỉnh giấc, lập cập chạy xuống dưới nhà. Từ chồng, bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ chị Thủy đều giận ra mặt.

Tối hôm về nhà chồng , chị Thủy được mẹ chồng dặn dò cẩn thận là sáng sớm mai phải ra khỏi nhà mà không cho ai biết để bắt xe về nhà mẹ đẻ. Chị vâng dạ, đi ngủ sớm để sáng hôm sau kịp dậy. Nhà chồng chị Thủy cách đường quốc lộ tới 4km, bình thường vẫn có xe ôm nhưng sáng sớm thì chưa ai đi làm. Cẩn thận, mẹ chồng chị Thủy đã cho chị số điện thoại của một anh xe ôm ở gần nhà, dặn dò sáng dậy gọi luôn để anh ấy chở ra đường lớn.

Sáng hôm sau, 4 giờ 30 đồng hồ báo thức, chị hớt hải bật dậy tắt ngay để cả nhà không ai hay biết. Vừa mở cửa ra khỏi phòng, chị run rẩy vì những cơn gió thốc vào mặt. 

Trời lạnh căm căm, sáng hôm ấy gió mùa về. Nhấc điện thoại gọi cho anh xe ôm thì "Thuê bao quý khách vừa gọi không liên lạc được". Sốt ruột, chị hết đứng lại ngồi nhưng không dám ngồi trong phòng vì sợ chồng thức giấc. 10 phút, 15 phút... trôi qua, sau không biết bao nhiêu cuộc gọi, cuối cùng anh xe ôm cũng chịu nhấc máy. 

Chị rón rén ra khỏi nhà và lên xe ôm để đến điểm bắt xe khách về quê. Những cơn gió sáng sớm táp vào mặt lạnh thấu xương. Đi được chừng nửa đường thì điện thoại reo, chị run cầm cập lôi điện thoại trong áo khoác ra nghe. 

Tiếng mẹ chồng từ đầu bên kia: "Con ơi, con quên nón rồi". Thì ra chiếc nón mẹ chồng trao lúc đón dâu chị quên không mang theo về nhà mẹ đẻ. Chị lại hớt hải bảo anh xe ôm quay về nhà lấy nón.

Lúc đặt chân được lên xe khách, trời vẫn chưa sáng hẳn. Chiếc xe lạnh lẽo chỉ có 1, 2 khách, bác tài xế hỏi chị: "Cháu mới cưới hả?", chị Thủy bất ngờ: "Vâng, sao bác biết ạ!", 

"Chỉ cô dâu mới cưới mới ôm nón trốn khỏi nhà chồng sáng sớm thế này". Chị ngồi trên xe mà lòng tủi thân vô hạn: "Chưa bao giờ mình đi đâu giữa lúc giá rét, sáng sớm mà không có ai đưa đón như vậy. Nghe bác tài xế hỏi mà mình trào nước mắt. Lúc ấy chỉ nghĩ thôi thì cũng cho xong thủ tục. Không biết có phải do có kiêng có lành hay không mà từ đó đến nay đã gần 8 năm nhưng hai vợ chồng vẫn rất hòa hợp yêu thương nhau...".

Theo Tri thức trẻ
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.