Bi hài cưới con trai một để độc hưởng tài sản

Bi hài cưới con trai một để độc hưởng tài sản
Chọn anh con trai một làm chồng, nhiều cô gái tính đến chuyện sau này sẽ không phải tranh giành gia sản với ai, nhưng ai biết được chữ ngờ...

Bi hài cưới con trai một để độc hưởng tài sản

Chọn anh con trai một làm chồng, nhiều cô gái tính đến chuyện sau này sẽ không phải tranh giành gia sản với ai, nhưng ai biết được chữ ngờ...

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
 

Sướng một mình thì khổ cũng một mình

Xinh gái, dáng nở nang thắt đáy lưng ong vốn là tướng vượng phu ích tử nên Nguyệt có nhiều anh cưa lắm, trong đó 2 anh trội nhất được đưa lên bàn cân. Họ ngang ngửa nhau về hình thức, tính nết, gia cảnh cũng đều khá giả. Cuối cùng, Nguyệt đã quyết định cưới Hưng, người mà cô dành ít tình cảm hơn. Giải thích với các bạn thân về lựa chọn của mình, cô nói: "Bố mẹ anh ấy có mỗi đứa con, sau này mình sẽ không phải chia chác hay tranh giành gia tài với ai cả".

Thế nhưng lấy chồng được mấy năm, Nguyệt trông già và mệt mỏi hẳn đi, luôn miệng kêu stress. Nguyệt bảo số cô khổ vì chồng là con một. "Dâu trưởng là tôi mà dâu út cũng là tôi, nên từ việc nhà đến việc họ hàng, gì cũng đến tay, chả có chị dâu em dâu vào để chia sẻ cho một tí. Những lúc mẹ chồng lên cơn khó ở, cần người để hành hạ thì cũng mình tôi chịu", Nguyệt than.

Mẹ chồng Nguyệt là một phụ nữ chỉn chu và cầu toàn, bao nhiêu năm nay vẫn một tay chăm sóc chồng con và tận tụy chu đáo với họ nhà chồng. "Mỗi thời mỗi khác, mẹ không bắt con phải làm được như mẹ, nhưng cũng nên cố được 70%, là phụ nữ là nặng gánh đấy con ạ", bà nói với con dâu. Và tuy chỉ 70% thôi nhưng cũng đủ cho Nguyệt thấy điên đầu vì căng thẳng.

Cô luôn luôn kêu ca về nỗi khổ của việc lấy chồng con một, quên phắt chuyện đấy là lý do để cô cưới Hưng làm chồng. Nếu có ai đó bảo "khổ một tí sau này hưởng cả gia tài", Nguyệt xua lắc đầu ngán ngẩm: "Gia tài thì không biết đến bao giờ chứ vất vả khổ sở thì hẳng ngày, đến lúc có gia tài không biết còn sức mà hưởng không".

Nguyệt kêu nhiều đến nỗi cả bố đẻ cô cũng phát bực. Ông gắt: "Biết tính mày không chịu được khổ, hồi trước tao đã can rồi sao còn đòi lấy nó? Ở đời chả có cái gì cho không đâu con ạ, muốn sướng một mình thì phải chịu khổ một mình thôi. Mày lấy con người ta để sau này người ta giao hết nhà cửa, tiền vàng cho mày mà mới phải thức khuya dậy sớm phục vụ người ta một chút đã om sòm lên, không muốn chịu cực ngày nào thì đâu có được. Đầy người chẳng mong chia gia tài mà vẫn phải làm nghĩa vụ dâu con như thế đấy".

Bỏ của chạy lấy người

Chị Ái Nhân cũng có động cơ giống như Nguyệt khi chọn lấy anh Đăng. Đăng không phải con một, nhưng là con trai một. Nhà anh rất giàu, và bố mẹ từ lâu đã tuyên bố rõ ràng: ba đứa con gái mỗi đứa đã được chia một ít vàng hồi môn rồi, còn tất cả gia tài để lại cho Đăng cả, đã lập di chúc hẳn hoi để sau này đám con gái không thể dựa vào cái quyền bình đẳng trước pháp luật để đòi thêm. Ái Nhân nghĩ, ai là vợ Đăng thì cũng là bà chủ tương lai của khối gia sản ấy.

Có điều, Ái Nhân không phải kẻ duy nhất tâm tâm niệm niệm về điều này, mà tất cả các chị chồng, rồi bố mẹ chồng, cũng luôn nhớ điều đó, và cho rằng chị cũng cần phải "chịu khó" một chút cho xứng với cái phúc to như cột đình ấy. Thế là, chị trở thành osin không công, và cái thùng rác trút giận cho cả đại gia đình nhà chồng.

Ai có việc gì cũng nghiễm nhiên sai bảo Ái Nhân, và nếu có chuyện gì không hay xảy ra thì kẻ có tội cũng là Ái Nhân. Chị ba đưa con sang chơi, chợt nhớ quên sữa của con, liền nhờ "mợ nó" đến nhà chị lấy hộ chứ không chịu cho uống tạm sữa khác. Con chị hai bĩnh ra quần, chị thản nhiên nhờ "mợ nó" thay rửa hộ, cho dù chị đang gác chân buôn chuyện còn Ái Nhân thì tất bật cơm nước hầu hạ cả nhà.

Con chị cả nghịch ngợm bị ngã u đầu, mẹ chồng chửi Ái Nhân lười biếng vô trách nhiệm không chịu trông cháu, trong khi con dâu bà đang tối mắt tối mũi băm thịt, cuốn nem, còn những phụ nữ khác chỉ nói nói cười cười.

Nhà mấy chị tổ chức đi du lịch chung với nhau, đặc cách mời Ái Nhân đi cùng "vì mợ nó ít khi được đi đâu cho mở mang tầm mắt". Ái Nhân biết thừa là đến điểm du lịch, các chị sẽ phó thác cho mình một lũ trẻ con và đồ đạc để trông nom, đến bữa các anh chị ăn đặc sản thì Nhân còn lo đút cơm, đút cháo cho lũ cháu, nào có kịp ngắm cảnh vật nào cho mở mang tầm mắt.

Thế nhưng, nàng dâu vẫn không thể chối tử. Bởi hễ có gì không vừa ý, các chị lại đay: "Mày ở đâu về một mình hưởng cả gia tài, bọn tao con ruột mà chẳng được gì hết, mày phải sống cho biết điều chứ".

Đó là chưa kể chuyện tiền bạc. Hơi tí là các chị hỏi vay, hoặc nhờ mua hết thứ nọ thứ kia rồi quên trả tiền. Đôi khi, Ái Nhân lấy cớ mình hết tiền để từ chối thì cả chị lẫn mẹ chồng mắng sa sả là đồ ki bo, ích kỷ, chỉ muốn ăn không ăn hỏng của nhà người ta, ăn từ gốc đến ngọn mà không chịu nhả ra chút gì.

Tất cả những ấm ức, khổ nhục ấy, Ái Nhân tâm sự với chồng, lúc đầu Đăng còn nghe, sau dần dần chán tai đâm ra cũng mắng vợ không biết điều nốt, rồi hễ thấy vợ định "tâm sự" là anh kiếm cớ lỉnh đi.

Có lần, nhà có giỗ, chả hiểu mọi người trông coi thế nào mà thằng bé nhà chị ba bỗng dưng biến mất, tìm khắp nơi không thấy. Ái Nhân đang rửa bát trong bếp bị lôi ra chửi vì không để mắt đến cháu, chị thanh minh thì bị chị chồng xông vào túm tóc đánh cho một trận. Uất quá, Ái Nhân phản ứng, thế là cả nhà xông vào đánh, rồi vứt hết đồ đạc của Nhân ra đường, đuổi đi.

Ái Nhân về nhà mẹ đẻ, gia đình chồng bắn tin phải về quỳ lạy xin lỗi từng người mới cho trở lại. "Đã thế, tôi không về nữa, ly hôn thì ly hôn", Ái Nhân nói. Có lẽ chị đã nhận ra rằng mình khó mà sống nổi cho đến ngày được hưởng cái gia tài kếch xù kia.

Tưởng bở và xôi hỏng bỏng không

Bố mẹ chồng không đến nỗi quá cay nghiệt nhưng suốt 21 năm qua, chị Nga, 43 tuổi, cũng đã chịu đựng đủ vị chua cay mặn chát của cảnh làm dâu nhà giàu, nhất là khi chị vốn con nông dân, luôn bị coi là chuột sa chĩnh gạo, và bố mẹ chồng chẳng có nàng dâu nào khác để trút cơn bực bội khi cần.

Những năm gần đây, bố mẹ chồng tỏ ra yêu thương, tôn trọng chị hơn, vì cũng mủi lòng trước nàng dâu tốt nhịn. Nhưng đùng một cái, bà bị tai biến mạch máu não, rồi nằm liệt trên giường, thế là nỗi vất vả của Nga tăng gấp 5, gấp 10. Chị kiệt sức vì hầu hạ mẹ chồng suốt 5 năm trời cho đến khi bà cụ nhắm mắt.

Chồng, bố chồng, họ hàng nhà chồng đều cảm kích, khen ngợi Nga. Khi đến lượt bố chồng cũng mắc trọng bệnh, ông cụ cho phép thuê người phục vụ chứ không bắt con dâu phải tự tay làm mọi việc nữa. Nhiều người bảo, Nga sắp đến ngày khổ tận cam lai, và bản thân chị cũng cho rằng, bao nhiêu công chịu khổ chịu nhục mấy chục năm trời sắp được đền đáp, bởi mai mốt bố chồng quy tiên, chị sẽ được tự do sử dụng số tiền cụ để lại.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Đùng một cái, viễn cảnh huy hoàng biến mất. Đó là hôm bố chồng nhờ chị Nga làm một mâm cơm, nhà có khách. Trong bữa ăn, bố chồng cho biết vị khách trẻ tuổi chính là giọt máu rơi của ông, mà ông đã ngoảnh mặt làm ngơ suốt gần 30 năm nay. "Giờ mẹ con đã mất, bố cũng chỉ ngày một ngày hai, bố muốn các con đón nhận em mình, để khỏi đơn độc trong cuộc đời, đó là nguyện vọng lớn nhất của bố', ông cụ nói.

Rồi ông cụ cũng nói luôn, để bù đắp cho sự thiệt thòi của đứa con rơi, ông đã làm di chúc để lại cho cậu 2/3 tài sản, nghĩa là toàn bộ số tiền tiết kiệm và vàng ông có, còn vợ chồng Nga được thừa kế ngôi nhà đang ở. Không chỉ Nga mà cả chồng chị cũng choáng váng, rồi anh phản ứng dữ dội. Thế nhưng ý ông cụ đã quyết.

Sau một thời gian thất vọng, giờ chị Nga đã không còn buồn vì chuyện phải chia sẻ gia tài với em khác mẹ của chồng. "Từ khi không nghĩ đến chuyện ấy nữa, tôi lại thấy nhẹ lòng hơn. Đúng là khi lấy anh ấy, ngoài tình cảm ra thì tôi có nghĩ đến chuyện thừa kế gia tài. Cuối cùng tuy chỉ được phần nhỏ nhưng tôi nhận thấy dù sao mình cũng được nhiều: một gia đình hạnh phúc, tình cảm tuy muộn màng của bố mẹ chồng, rồi chồng tôi có thêm một người em ruột thịt...".

Nga bảo, hóa ra, chỉ khi không quá nặng lòng với tiền nữa, chị mới thấy bình yên.

Theo Tri Thức Thời Đại

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG