BV Nhi TƯ cứu thành công ca bệnh cực kỳ hiếm gặp

Ca bệnh cực kỳ hiếm gặp đã được các Bs Bệnh viện Nhi TƯ "hoá giải" thành công.
Ca bệnh cực kỳ hiếm gặp đã được các Bs Bệnh viện Nhi TƯ "hoá giải" thành công.
TPO - Bé trai 10 ngày tuổi nguy kịch vì mắc tim bẩm sinh vô cùng hiếm gặp đã được các BS Bệnh viện Nhi TƯ cứu sống sau khi thực hiện kết hợp của 3 loại kỹ thuật can thiệp tim mạch công nghệ cao.

Theo các BS của Trung tâm tim mạch, BV Nhi TƯ đây là trường hợp hiếm gặp, trên thế giới chưa có trường hợp tương tự. Phần lớn các trẻ bị bệnh chuyển gốc động mạch đơn thuần sẽ phải được tiến hành phẫu thuật trong vòng 1 tháng đầu sau khi sinh. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên TTTM BV Nhi TƯ tiếp nhận trường hợp chuyển gốc động mạch đi kèm bất thường điện tim Wolff-Parkinson-White vô cùng phức tạp và nguy kịch đến vậy. Chỉ 8 ngày sau mổ và 18 ngày nằm viện bé P đã xuất viện trong niềm hân hoan của tập thể y bác sĩ TTTM và gia đình.

Bệnh nhi là bé Lê Hồng P. (Văn Chấn, Yên Bái) sinh ra như bao trẻ sơ sinh bình thường khác. Tuy nhiên, mới 10 ngày tuổi bé bắt đầu quấy khóc, bú kém, bỏ bú và tím tái nhanh chóng… Gia đình đưa đến BVĐK khu vực khám và chẩn đoán sơ bộ tim bẩm sinh (TBS) và chuyển đến BV Nhi Trung ương.

Ngay lúc nhập viện, tình trạng em bé đã hết sức nguy kịch. Thân thể tím tái, ý thức lơ mơ trong bệnh cảnh suy hô hấp nặng…

Các bác sĩ (BS) nhanh chóng xác định bé bị một loại bệnh TBS phức tạp, đó là chuyển gốc động mạch. Hai đại động mạch đảo chỗ cho nhau xuất phát bất thường từ tâm thất, động mạch chủ đi ra từ tâm thất phải lấy máu tĩnh mạch không được trao đổi ôxy đi nuôi cơ thể. Sau sinh sở dĩ em bé sống được là phải có sự cung cấp máu giàu ôxy cho động mạch chủ qua các lỗ thông hoặc ống thông: lỗ thông liên nhĩ; lỗ thông liên thất; hoặc qua ống động mạch. Trong trường hợp này không có lỗ thông liên thất, lỗ thông liên nhĩ rất nhỏ, trẻ sống được chủ yếu phụ thuộc vào luồng máu qua ống động mạch. Nên khi ống động mạch đóng lại, máu động mạch sẽ không còn nguồn cung cấp ôxy nữa, tình trạng bệnh nhi trở nên hết sức nguy kịch. PGS.TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương kiêm Giám đốc TTTM cho biết: “Đối với loại bệnh này nếu không được phẫu thuật sớm, 50% các trường hợp sẽ tử vong trong giai đoạn sơ sinh và 90% trong năm đầu đời”.

Phải vượt qua giai đoạn nguy kịch mới có thể có cơ hội phẫu thuật được cho em bé. Bằng phương pháp nội khoa, các BS đã dùng một loại thuốc gây mở ống động mạch tái lập lại nguồn cung cấp ôxy. Tuy nhiên ngay sau khi dùng chẳng những thuốc không có tác dụng mà còn gây ngừng thở và phải cấp cứu thở máy cho bệnh nhi…

Ngay sau khi dùng thuốc thất bại, em bé được đưa ngay đến Phòng Can thiệp tim mạch nhằm tạo một con đường cung cấp dòng máu có ôxy khác để giữ bé sống tạm thời. Ê-kíp can thiệp do TS.BS. Lê Hồng Quang thực hiện.

Sau can thiệp kết hợp với các phương pháp hồi sức tích cực, tình trạng em bé dần dần khá lên.

Phát hiện bất ngờ và đầy kịch tính khi bệnh nhi còn bị thêm một loại bất thường điện tim bẩm sinh

Khi tình trạng bệnh nhân khá lên và chuẩn bị phẫu thuật sửa chữa, các BS bất ngờ phát hiện em bé còn bị một loại bất thường điện tim kiểu Wolff-Parkinson-White.

Các BS đứng trước một tình huống bất ngờ và quá thách thức: Liệu sự kết hợp hai loại bệnh phức tạp và nguy hiểm này với một bệnh nhi sơ sinh có thể vượt qua cuộc đại phẫu kéo dài không? Có tử vong trên bàn mổ không? Có tử vong trong khi hồi sức sau mổ không? Hàng loạt câu hỏi đặt ra không có lời giải. Tìm kiếm y văn không có bằng chứng và trường hợp nào tương tự như vậy để có cách giải quyết.

Theo BS. Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Đơn vị Rối loạn nhịp tim, vì không thể giải quyết triệt để cùng một lúc trong một cuộc mổ và không thể chần chừ, sau khi hội chẩn BS đã quyết định thăm dò điện sinh lý để đánh giá mức độ nguy cơ rối loạn nhịp do đường dẫn truyền bất thường có thể gây ra. Tại phòng can thiệp rối loạn nhịp, ngay sau khi gây mê và bắt đầu thủ thuật, một cơn tim nhanh nguy kịch đột ngột xuất hiện, em bé tím tái, mạch không bắt được, huyết áp gần như không có (30/20mmHg). Rất nhanh chóng, một catheter được đưa qua tĩnh mạch đùi vào buồng tim, kích thích cơ tim bằng xung điện tần số cao cắt được cơn tim nhanh, nhưng các cơn tim nhanh nối tiếp nhau như từng cơn lốc giật xuất hiện hành hạ đứa trẻ và thách thức nhóm can thiệp…

Sau khi dừng lại và trấn tĩnh, phân tích tất cả các đặc điểm điện tim và hình thái bất thường về cấu trúc quả tim, BS quyết định triệt đốt. Làm sao phải nhanh, gọn, hạn chế kích thích cơ học gây cơn tim nhanh, hạn chế xâm nhập gây sang chấn. Tất cả ê-kíp gần như đều nín thở… 30 giây trôi qua… dừng lại và đồng thanh vỡ òa trong niềm hân hoan, chỉ 15 phút can thiệp, mục tiêu đã đạt được, một kỷ lục nhanh gọn mới đã được xác lập.

Sau khi can thiệp lần hai, sức khỏe của bé P. hồi phục nhanh chóng lạ thường, chỉ sau 3 ngày ê-kíp phẫu thuật của TS.BS. Nguyễn Lý Thịnh Trường, Phó Giám đốc TTTM, đã nhẹ nhàng hồi sinh nốt phần khiếm khuyết còn lại của trái tim để em bé trở về với cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.