Các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng cần thực hiện

Phòng theo dõi sau tiêm chủng.
Phòng theo dõi sau tiêm chủng.
TP - Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng cần phối hợp với cán bộ y tế để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ.

Nếu trẻ đi tiêm chủng lần đầu cán bộ y tế sẽ lập phiếu/sổ tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cần giữ gìn và mang theo theo phiếu/sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng để cán bộ y tế theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.

Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc hoặc trẻ có bệnh mãn tính, dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm hay có biểu hiện bất thường gì khác để cán bộ y tế chỉ định tiêm đúng cho trẻ.

Các bà mẹ hãy đề nghị cán bộ y tế thông báo về loại vắc xin trẻ được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ (dưới 38,50C),  đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc … Nếu trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Các bà mẹ cần lưu ý không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm vì có thể gây nhiễm trùng tại vết tiêm và có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết. 

Các phản ứng nặng như sốc phản vệ thường rất hiếm gặp, phản ứng này cần được theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

 Các bà mẹ cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Trẻ cần được tiếp tục theo dõi thường xuyên tại nhà trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần; bú mẹ; ăn; ngủ; thở; nhiệt độ; phát ban; phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. 

Vì sự an toàn của trẻ,  hãy đưa NGAY trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các dấu hiệu như  sốt cao (>390C), co giật, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú, phát ban,….hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.

Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.

Tiêm chủng - niềm hạnh phúc của trẻ thơ

MỚI - NÓNG