Cách khử mùi hôi nách hiệu quả trong mùa đông

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Nhiều yếu tố làm cho mồ hôi của bạn ra nhiều và nặng mùi, đó là: di truyền, nếu cha mẹ ra nhiều mồ hôi và nặng mùi thì con cái cũng được “thừa hưởng” điều đó. Có một số thức ăn uống như cà phê, rượu, gia vị cũng có thể gây ra mồ hôi và mùi khó chịu. Bạn ăn hành, tỏi, cá, thịt chó... thì mùi mồ hôi cũng có các mùi thức ăn đó.

Theo Th.s Phạm Phú Vinh, bình thường, mồ hôi không có mùi hôi, bạn có thể kiểm chứng bằng cách ngửi những giọt mồ hôi ở đầu mặt rơi xuống lòng bàn tay của bạn. Sau một thời gian tiết lên bề mặt da, mồ hôi bị vi khuẩn có sẵn trên da làm cho lên men, từ đó mới gây nặng mùi hoặc rất hôi.

Các vùng nhiều lông như nách, bẹn nhiều mồ hôi và có nhiều vi khuẩn nên mùi càng nặng hơn. Bạn chú ý sẽ thấy mỗi người lại có một mùi hôi riêng, không giống ai. Đó là do trên da và các lỗ tự nhiên của mỗi người có một số loại vi khuẩn khác nhau sống ký sinh, tạo nên một khuẩn chí riêng ở từng người. Mỗi loại vi khuẩn và mỗi tập hợp khuẩn chí trên da của một người sẽ tạo ra một mùi đặc trưng.

Mùi do vi khuẩn lên men gây ra kết hợp với mùi “sẵn có” của mồ hôi làm cho mùi của bạn không lẫn lộn với người khác được. Mùi sẵn có của mồ hôi là do thức ăn, bệnh tật của bạn tạo ra. Mùi hôi còn ở quần áo “bốc ra”. Khi mồ hôi tiết ra, thấm vào quần áo, vi khuẩn lây từ da của bạn ra quần áo và vi khuẩn ở môi trường, không khí bám vào quần áo làm lên men mồ hôi ở quần áo. Càng để lâu, mùi hôi từ quần áo thấm mồ hôi càng hôi. Nếu bạn quên giặt mà mặc tiếp thì những ngày sau, bạn đi đến đâu sẽ bốc mùi hôi đến đó.

Khử mùi hôi cơ thể bằng các biện pháp: làm sạch vi khuẩn trên da với việc tắm rửa thường xuyên, rửa những vùng kín bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn. Khám chữa khỏi các bệnh ngoài da như mụn nhọt, lở ngứa, vết thương... Với phụ nữ, cần dùng dung dịch vệ sinh rửa vùng kín hằng ngày, đồng thời khám và điều trị tích cực các bệnh phụ khoa vì chỉ khi nào hết viêm nhiễm thì mới hết mùi hôi ở vùng kín.

Nếu quần áo đã thấm mồ hôi thì bạn cần thay ngay khi về nhà. Quần áo thay ra phải ngâm xà phòng hoặc giặt ngay để vi khuẩn không có cơ hội gây mùi hôi. Bạn cũng cần thường xuyên thay tất và giặt giày nếu bạn bị hôi chân. Sử dụng thuốc chống hôi nách, thông dụng nhất là lăn khử mùi.

Hoặc bạn có thể làm theo những cách đơn giản nhưng rất hiệu quả sau đây: 

Cách khử mùi hôi nách hiệu quả trong mùa đông ảnh 1 Phèn chua được sử dụng để khử mùi hôi cơ thể. Ảnh minh hoạ: Internet
 

1. Phèn chua:

Với tính chất diệt khuẩn và khử mùi, phèn chua từ lâu được sử dụng để hạn chế mùi hôi cơ thể. Chỉ cần pha phèn chua vào nước tắm hoặc dùng bột phèn chua xoa vào vùng cơ thể gây mùi sẽ giúp bạn hạn chế mùi hôi cơ thể rất hiệu quả.

2. Long não + Cồn: 

Một trong số mẹo chữa trị mùi hôi cơ thể đơn giản và hiệu quả là sử dụng viên long não đổ vào cồn 50 độ, đậy kín lọ và để chúng tự hòa tan. Tỉ lệ: 10g long não với 30ml cồn.

Sử dụng dung dịch này sẽ được bôi vào những vùng bị mồ hôi nhiều như nách, lòng bạn chân, bàn tay,…mỗi ngày một lần sẽ giúp trị mùi hôi, hạn chế mùi cơ thể.

3. Củ cải trắng: 

Củ cải trắng được biết là thực phẩm trị mùi hôi cơ thể hiệu quả. Sử dụng nước ép củ cải trắng để bôi lên những vùng cơ thể gây mùi khó chịu. Kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày khoảng 1 tháng, cơ thể bạn sẽ thơm tho lên nhiều.

4. Giấm + chanh: 

Hỗn hợp giấm chanh sẽ giúp bạn loại bỏ mùi hôi cơ thể nói chung và trị hôi nách nói riêng rất hiệu quả. Trộn đều hỗn hợp giấm và chanh theo tỉ lệ 7:3 sau đó dùng hỗn hợp này vệ sinh cho vùng nách, lòng bàn chân, bàn tay để loại bỏ mùi hôi. Ngoài ra, cách làm này có tác dụng diệt bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể bạn rất tốt.

MỚI - NÓNG