Cách ly bệnh viện Đà Nẵng sau ca nhiễm mới COVID-19

TPO - Trưa 26/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết: đã áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với toàn bộ nhân viên y tế, người phục vụ người bệnh, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly. Video: Nguyễn Thành

Việc áp dụng cách ly y tế đối với Bệnh viện Đà Nẵng bắt đầu từ 13 giờ ngày 26/7 và thực hiện trong 14 ngày. Liên quan đến việc cách ly bệnh viện Đà Nẵng, UBND TP yêu cầu các Sở Y tế, Công thương đảm bảo việc cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cung ứng cho Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian cách ly; phối hợp với BHXH phân bổ bệnh nhân có thẻ đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng sang cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn.

Cách ly bệnh viện Đà Nẵng sau ca nhiễm mới COVID-19 ảnh 1 Khu vực đăng ký khám bệnh của bệnh viện Đà Nẵng trưa nay. 

Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Bệnh viện Đà Nẵng nghiêm túc thực hiện việc cách ly tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 1551 ngày 3-4-2020 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cách ly cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống Covid-19.

Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: từ sáng ngày 26/7, bệnh viện đã thông báo không triển khai khám bệnh ngoại trú và dừng tiếp nhận điều trị nội trú mới vào tất cả các ngày trong tuần trừ trường hợp cấp cứu. Những người bệnh có thẻ BHYT ban đầu đăng ký tại bệnh viện Đà Nẵng vui lòng đến các cơ sở y tế khác trên địa bàn có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT để khám và điều trị bệnh nếu có. Để đảm bảo an ninh, trật tự tại Bệnh viện Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng giao lực lượng công an thành phố cử cán bộ, chiến sĩ túc trực, sẵn sàng xử lý các sự cố nếu có trong thời gian cách ly.

Cách ly bệnh viện Đà Nẵng sau ca nhiễm mới COVID-19 ảnh 2 Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trao đổi với nhau qua hàng rào sắt. 

Xét nghiệm kháng thể hơn 2.000 nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng

Cũng trong ngày, Đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã vào Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ địa phương 10.000 bộ test để xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Elisa.

Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng để xác định người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 cần thực hiện theo phương pháp xét nghiệm kháng nguyên bằng kỹ thuật RT-PCR. CDC Đà Nẵng đã được Bộ Y tế cho phép triển khai kỹ thuật này từ ngày 6-3-2020. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do SARS-CoV-2, đặc biệt là việc truy vết, tìm kiếm nguồn lây của bệnh nhân 416 gặp nhiều khó khăn, Bộ Y tế đã hỗ trợ Đà Nẵng thêm phương pháp xét nghiệm mới. Đây là bộ test thử mới do Việt Nam sản xuất, được thực hiện theo phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa.

Hiện Bộ Y tế và CDC Đà Nẵng đã thống nhất trước mắt thực hiện xét nghiệm kháng thể đối với khoảng 2.200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai phương pháp này tại Bệnh viện C Đà Nẵng, các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418. Bên cạnh đó, CDC Đà Nẵng cũng đẩy mạnh điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với các trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ cao đối với 2 bệnh nhân 416 và 418.
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.