Cách xử trí khi trẻ bị sốt virus

Nên cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật (Ảnh minh họa: Internet)
Nên cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật (Ảnh minh họa: Internet)
TPO - Khi trẻ bị sốt virus, việc xử trí, chăm sóc, điều trị cho trẻ như thế nào hết sức quan trọng, bởi đây sẽ là những công đoạn quyết định việc trẻ khỏi bệnh hồi phục nhanh hoặc làm bệnh trẻ trầm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng xấu gây tử vong.

Các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đối với sốt virus ở trẻ em cũng vậy, chỉ điều trị hỗ trợ bằng cách nâng tổng thể trạng cho bệnh nhân, chống các cơn co giật, sốc (trong bệnh sốt xuất huyết)... hoặc điều trị các biến chứng nếu có. 

Trẻ sốt virus thông thường có thể sẽ khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, không nên để trẻ sốt dẫn đến co giật nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. 

Trường hợp trẻ sốt do bệnh sốt xuất huyết, sau 3 ngày bác sĩ mới chỉ định thử máu, vì thời điểm này mới cho kết quả đúng. Vì vậy, trẻ sốt trong 1-2 ngày đầu, phụ huynh không nên nóng lòng yêu cầu thử máu để xác định bệnh sốt xuất huyết. 

Tốt nhất là khi trẻ có dấu hiệu bệnh thì nên đưa đến bác sĩ và tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.

Hoặc có thể áp dụng các biện pháp sau:

Hạ sốt: Thường dùng paracetamol liều 10 mg/kg, 6 giờ/lần.

Chườm mát: Lau mình trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.

Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

Bù nước và điện giải: Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rốt loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng.

Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng.

Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín.

Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.

Sốt virus dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh, cần cách ly và giữ ấm. Khi trẻ bị ốm, không nên cho đến trường. Một số bệnh do virus đã có văcxin như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, rubella…

MỚI - NÓNG