Cái gì cũng ngâm, rượu gì cũng uống = chết người!

Cái gì cũng ngâm, rượu gì cũng uống = chết người!
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tại huyện Mường Khương - Lào Cai vừa xảy ra vụ ngộ độc rượu ngâm nghiêm trọng khiến 1 người tử vong ngay tại nhà

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tại huyện Mường Khương - Lào Cai vừa xảy ra vụ ngộ độc rượu ngâm nghiêm trọng khiến 1 người tử vong ngay tại nhà, 3 người khác phải vào viện cấp cứu. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ ngộ độc rượu, thậm chí tử vong do tự chế rượu ngâm không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng dường như các “đệ tử lưu linh” vẫn coi thường tính mạng của mình...

Lạm dụng rượu ngâm: Nguy hiểm!

Vụ ngộ độc thương tâm này xảy ra tại gia đình ông Lù Lèng Séng (thôn Tùng Lâu 2, Thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Trong bữa ăn gia đình có các món gồm: thịt thủ lợn luộc, canh rau cải, rượu ngô trắng và một chai rượu ngâm rễ cây. 

Sau khi kết thúc bữa ăn, uống rượu ngâm rễ cây này, cả 4 người uống rượu đều cùng có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, hai mắt díp lại không mở được. 

Gia đình đã đưa 4 người đi cấp cứu tại BVĐK huyện Mường Khương, trong đó, riêng ông Lù Lèng Séng đã tử vong ngay trên đường đến bệnh viện. 

Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục ATVSTP tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mường Khương tiến hành điều tra xác minh tìm nguyên nhân gây ngộ độc. Qua điều tra bước đầu cho thấy, bệnh nhân ngộ độc và tử vong do uống rượu ngâm rễ cây và căn nguyên là độc tố tự nhiên có trong rễ cây.

Trước đó, Khoa cấp cứu BVĐK Đầm Dơi - tỉnh Cà Mau cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu, trong đó bệnh nhân là ông Nguyễn Trung Dũng tắt thở trước khi nhập viện. Ông Võ Chí Hòa nhập viện trong tình trạng nôn ói, loạn nhịp tim... 

Thông tin ban đầu cho biết, ông Dũng và ông Hòa cùng vài người khác tổ chức tiệc nhậu cùng nhau và có thi nhậu. Khi ông Hòa và ông Dũng uống khoảng 2 lít rượu trắng tự nấu thì say, ngộ độc dẫn đến ông Dũng chết, ông Hòa nhập viện.

Ngoài ra, còn có một số trường hợp khác như vụ ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu ở xã Yên Hoa (Nà Hang, Tuyên Quang) khiến 2 người tử vong. 

Cũng từ củ ấu tàu mà 4 người (ở Yên Bình, Yên Bái) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Rồi vụ ngộ độc khiến 6 người ở thị trấn Trùng Khánh (Cao Bằng) sau khi cùng nhau uống rượu ngâm “cây thuốc” không rõ cây gì đã bị trúng độc khiến 1 người tử vong trên đường đưa đến bệnh viện...

Khuyến cáo của chuyên gia

Theo PGS.TS. Phạm Duệ - Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, các vụ ngộ độc rượu chủ yếu là do uống rượu quá nhiều, rượu ngâm với các loại động vật, rễ, củ, quả có độc tính cao… hoặc ngâm không theo định lượng được chỉ định. “Cây gì cũng ngâm, rượu gì cũng uống, đó là do thiếu hiểu biết. Việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có bài, có sự chỉ định của các nhà đông y. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định, theo liều lượng nhất định” - TS. Phạm Duệ nhấn mạnh.

PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Y Dược học cổ truyền, Bộ Y tế thì cho rằng, nhiều người lạm dụng các loại cây củ, cả động vật để ngâm rượu, nhưng hầu hết đều không biết ngâm liều lượng ra sao, cách ngâm như thế nào. Sai quy trình nên sự kết hợp đó biến thành độc tố gây nguy hại cho người sử dụng.

Cũng về vấn đề này, TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm cho rằng, rượu có thể giúp tiêu hóa tốt, hạn chế các bệnh về tim mạch và ngừa bệnh ung thư cũng như làm chậm tiến trình thoái hóa. 

Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều rượu sẽ đối mặt với các nguy cơ ngộ độc; về lâu dài sẽ đối mặt với bệnh tật như tổn thương não, xơ gan, viêm loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ... Do vậy, để uống rượu an toàn, không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700ml/ngày đối với bia. Ngoài ra, không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Theo Nguyễn Hoàng

Theo Sức khỏe đời sống
MỚI - NÓNG