Can thiệp dinh dưỡng giúp bệnh nhân nhanh hồi phục

TPO - Chương trình chăm sóc dinh dưỡng tiêu chuẩn tại các bệnh viện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, giảm tỷ lệ tái nhập viện trong 30 ngày, giảm nguy cơ biến chứng và chi phí y tế cho bệnh nhân được điều trị .  

Tại hội nghị chuyên đề về dinh dưỡng, các chuyên gia y tế cho rằng đã xem xét việc ứng dụng kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa Journal of Nursing Care Quality vào quy trình khám chữa bệnh ở các bệnh viện Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc duy trì sức khỏe tốt ở người lớn tuổi có thể là một thách thức, khi vấn đề suy dinh dưỡng trong quá trình điều trị là thực trạng khá phổ biến ở độ tuổi này lại chưa được quan tâm đúng mức. Tại Việt Nam, bệnh nhân suy dinh dưỡng chiếm đến 78% số bệnh nhân nội trú. Thực trạng này có thể tác động tới nhóm dân số già của Việt Nam, nhất là khi sức khoẻ của họ bắt đầu suy giảm, có thể dẫn đến tái nhập viện cũng như các biến chứng sau khi xuất viện.

 “Dinh dưỡng là nền tảng cho sức khỏe tốt. Nhưng chúng ta vẫn chưa quan tâm đến dinh dưỡng đủ, đặc biệt khi cơ thể cần đến nó nhất”, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Chợ Rẫy và Chủ tịch Hội Dinh dưỡng lâm sàng TPHCM cho biết.

Cũng trong hội nghị, các chuyên gia đã thảo luận một nghiên cứu mới được tiến hành tại Hoa Kỳ. Nghiên cứu chứng minh rằng việc áp dụng chương trình gia tăng hiệu quả điều trị (QIP) chú trọng vào bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân được nghiên cứu đã giúp cải thiện sức khỏe của họ, giảm số ngày nằm viện, nguy cơ tái nhập viện và giảm chi phí điều trị .

Tiến sĩ, Bác sĩ Gary Fanjiang, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và Phát triển dinh dưỡng Abbott, khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho biết, việc can thiệp dinh dưỡng được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng dùng sản phẩm bổ sung dinh dưỡng đường uống, trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện, sau đó theo dõi kết quả bằng hồ sơ quản lý thuốc.

Kết quả ghi nhận trên gần 20.000 bệnh nhân tại trung tâm y tế Akron General Medical Center (Mỹ) từ năm 2011 đến năm 2013 cho thấy bệnh nhân sau chương trình QIP đã giảm 17% tỷ lệ tái nhập viện trong vòng 30 ngày, giảm thời gian nằm viện 13,4%, giảm 50% tỷ lệ loét tì đè mắc phải trong bệnh viện (HAPUs) và giảm 8,8% chi phí y tế.

Theo thống kê, năm 2016, Việt Nam ước tính có khoảng 20,1% bệnh viện chưa thành lập khoa dinh dưỡng. Ngoài ra, tình trạng quá tải tại các bệnh viện vẫn đang tiếp diễn với tỉ lệ 23,5 giường bệnh trên 10.000 dân, dựa trên số liệu của chính phủ năm 2015.

MỚI - NÓNG