Cẩn trọng khi cạo gió, giác hơi

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
Không ít trường hợp trị bệnh theo phương pháp dân gian cạo gió, giác hơi bị tai biến. Nhiều người đặt câu hỏi, cạo gió, giác hơi như thế nào là đúng?

Viêm da, nhiễm trùng, liệt tay

Mới đây chị V.K.T. (ngụ Trà Vinh) đến Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM trong tình trạng vùng da hai bên cổ, lưng nổi thành từng đám đỏ, có nhiều bọng nước. Qua chẩn đoán, các bác sĩ (BS) cho biết chị T. bị viêm da tiếp xúc.

Theo lời kể, trước đó chị T. bị cảm, người nhà có dùng bột sừng trâu pha với rượu rồi cạo gió cho chị. Sau năm ngày thì da xuất hiện bóng nước, đỏ, đau.

Nhiều ngày uống thuốc nhưng cơ thể vẫn luôn nhức mỏi, chị V.L.C. (ngụ Q.6, TP.HCM) thuê người về nhà chích lể, giác hơi.

Tuy nhiên, sau ba ngày “điều trị”, chị C. có biểu hiện sốt, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt. Tại BV, các BS cho biết chị C. bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn xâm nhập vào máu thông qua những tổn thương da do giác hơi, chích lể.

Còn anh T.T.H. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tìm đến BS trong tình trạng tay trái bị liệt hoàn toàn. Theo anh H., sau chuyến công tác dài ngày, cơ thể anh bỗng dưng đau nhức rã rời nên nhờ người đến cạo gió.

Cạo đến đâu, anh H. có cảm giác “khỏe” đến đó. Và, anh yêu cầu cạo thật mạnh tay để xua tan “gió độc”. Tuy nhiên sau đó, anh có cảm giác choáng váng, khó thở. Vài ngày sau, tay trái của anh liệt dần, không thể cầm nắm.

BS Huỳnh Tấn Vũ - khoa Châm cứu - dưỡng sinh, BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, anh H. có những vết đỏ bầm kéo từ cổ xuống hai vai. Do bị liệt thần kinh quay dẫn đến liệt tay.

BS Trần Thế Viện - khoa Lâm sàng, BV Da liễu TP.HCM cho biết, BV này từng tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến về da do cạo gió, giác hơi không đúng cách.

Thường gặp là viêm da tiếp xúc do các nguyên liệu cạo như dầu gió, dầu lửa, bột sừng trâu, rượu, lá cây tự pha chế… Nặng hơn thì tổn thương thần kinh, mạch máu, cơ…

Càng ra nhiều "gió độc", càng hại

Bệnh nhân khi bị đau nhức thường yêu cầu người cạo mạnh tay cho “đã” hoặc nghĩ rằng cạo càng đỏ, càng bầm thì càng mau tống “gió độc”.

Theo BS Huỳnh Tấn Vũ, khi cơ thể đau nhức, chỉ cần thoa dầu, nắn bóp để tác động lên hệ thần kinh, hệ cơ, hệ tuần hoàn, giúp máu huyết lưu thông, giảm đau nhức… chứ không phải cạo thật mạnh cho da đỏ, bầm thì mới có tác dụng.

Việc cạo mạnh sẽ làm tổn thương da, các mao mạch bị vỡ, giập cơ. Nặng hơn còn làm tổn thương các dây thần kinh, tùy theo vị trí chèn ép sẽ gây liệt tại chỗ hoặc toàn thân. Với những người tăng huyết áp, rối loạn đông máu, đang sốt xuất huyết… việc cạo gió sẽ gây dãn mạch, xuất huyết do mao mạch vỡ, chảy máu nghiêm trọng.

Qua khai thác bệnh sử tại các phòng khám Đông y cho thấy, 90% bệnh nhân khi có bệnh đều nhờ người nhà cạo gió hoặc tự cạo. Dụng cụ là đồng xu, muỗng, lược… miễn sao tạo được lực tác động vào da. Phương pháp thực hiện cũng rất đơn giản: thoa dầu, cạo.

Tại một số vùng quê, bệnh nhân còn dùng cả dầu lửa để cạo gió. Theo BS Huỳnh Tấn Vũ, dầu lửa chứa nhiều tạp chất, khi tiếp xúc với vùng da bị tổn thương do cạo gió sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ gây nhiễm trùng cao.

Ở TP.HCM, không khó để bắt gặp những người giác hơi dạo. Dụng cụ hành nghề của họ chỉ có tấm bạt, bộ giác hơi, khăn lau. Khi có khách, những người này trải tấm bạt, giác hơi ngay trên vỉa hè.

Tuy nhiên, theo BS Vũ, để tránh lây nhiễm, trước khi giác hơi nên rửa tay, vô trùng dụng cụ, sát trùng vùng da giác hơi, thao tác đúng kỹ thuật, không được giác chồng lên vết giác cũ… Trong khi đó, những người giác hơi dạo và bệnh nhân tự giác hơi tại nhà đều xem nhẹ khâu sát khuẩn dụng cụ… dẫn đến bị bỏng, làm da tổn thương nặng, lây nhiễm các bệnh về da.

Một vài lưu ý

Cạo gió: nên cạo nơi kín gió. Sát khuẩn dụng cụ trước khi cạo. Không được cạo một chỗ quá lâu, cạo quá mạnh, quá bầm. Dụng cụ cạo nên cầm thẳng, không cầm nghiêng vì dễ gây xuất huyết.

Giác hơi: chỉ giác ở những vị trí có cơ bắp đầy đặn, tốt nhất là vùng lưng. Không giác lúc quá đói, quá no, đang say rượu hoặc vị trí da mỏng, da bị dị ứng, trầy xước, vết thương hở…vì sẽ làm da tổn thương nặng hơn, vi khuẩn dễ xâm nhập vào máu hơn. Sau khi giác xong phải giữ ấm, không được tắm ngay.

Nguyên lý chữa bệnh trong Đông y là lấy nhiệt chữa hàn và ngược lại. Nhưng tâm lý bệnh nhân hễ có bệnh là giác hơi mà không cần biết mình đang bị bệnh hàn hay nhiệt.

Giác hơi dùng nhiệt nên chỉ điều trị các bệnh do hàn gây ra như đau bụng, đau lưng, đau vai, đau gáy, đau cổ. Nếu bệnh cảm phong nhiệt (bị cảm nhưng sốt cao, miệng khô, khát nước, đau nhức lưng), dùng giác hơi chỉ làm khí nóng tích tụ vào cơ thể, bệnh càng thêm nặng.

Không nên giác hơi với các trường hợp thiếu máu, rối loạn đông máu, dễ xuất huyết dưới da, suy giảm tiểu cầu, mắc bệnh về da, dãn tĩnh mạch, da mất tính đàn hồi, cơ thể mệt mỏi… vì sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nhất là giác hơi kèm với chích lể.

Sau khi giác hơi xong nếu cảm thấy chỗ giác ấm nóng, dễ chịu là được. Nhưng nếu có triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, vã mồ hôi… cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.

“Cần nhớ, cạo gió, giác hơi là phương pháp, kỹ thuật điều trị của y học cổ truyền, phải được thực hiện bởi những nhà chuyên môn, không nên tự ý thực hiện.

Nếu thực hiện tại nhà, phải cẩn thận trong thao tác, kỹ thuật; cần khám bệnh định kỳ để biết cơ thể có mắc những bệnh nằm trong chống chỉ định giác hơi, cạo gió hay không” - BS Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo.

Theo Theo Phu nữ Online
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.