Cây bồ cu vẽ có độc?

Cây bồ cu vẽ có độc?
Cây bồ cu vẽ còn có nhiều tên: sâu vẽ, bọ mẩy, dé bụi (miền Nam), đỏ đọt, mào gà, bồ long anh (tránh nhầm những cây giống tên: mào gà, bồ công anh…). Bồ cu vẽ là cây nhỏ, lá mặt dưới có đường vẽ do sâu bò qua để lại vết. Cây mọc hoang trên đồi núi khắp nước ta.

Theo kinh nghiệm dân gian, bồ cu vẽ dùng ngoài để chữa các tổn thương trên da bằng cách rửa, đắp để cầm máu, tiêu sưng, liền vết loét… Viện Sốt rét và ký sinh trùng nghiên cứu chữa bệnh giun chỉ sơ bộ bước đầu thấy có kết quả. Bộ phận thường dùng là lá, vỏ cây. Thu hái quanh năm. Dạng tươi hay khô, để sắc uống hoặc đắp ngoài.

Theo y học cổ truyền, bồ cu vẽ vị đắng, tính hàn, có độc. Có công năng thanh thấp nhiệt, hóa ứ trệ tiêu viêm ở trong và ngoài cơ thể. Dùng chữa đinh nhọt sưng đau, chốc đầu, lở loét ngoài da, chàm, viêm âm đạo, lở sơn, đầu gối sưng đau, chấn thương. Còn dùng chữa viêm họng, viêm dạ dày ruột, viêm khí quản.

Một số cách dùng bồ cu vẽ làm thuốc:

- Chữa đinh nhọt: Lá tươi bồ cu vẽ giã nhuyễn, đắp lên nhọt.

- Chàm viêm da dị ứng, ngứa: Dùng cành lá nấu nước rửa hoặc lá tươi giã nhuyễn lấy nước cốt rửa.

- Vết thương lở loét: Lá bồ cu vẽ tươi 30g, cỏ nhọ nồi (cỏ mực) 10g giã nhuyễn đắp.

- Rắn, rết, nhện… cắn: Giã lá tươi bồ cu vẽ để đắp.

- Viêm khí quản mạn tính: Lá bồ cu vẽ tươi 30g, lá tầm song tươi 15g, lá xoài tươi 15g, đường đỏ 10g, sắc uống ngày chia 2 lần. Một liệu trình 10 ngày.

Chú ý: Dùng uống phải thận trọng, nhất là với người già, trẻ em, phụ nữ có thai. Nên dùng phối hợp một số vị khác… Không nên uống một mình bồ cu vẽ.

Ở trường hợp uống vào thấy váng đầu mệt lả, nôn nao dạ dày thì phải ngừng ngay không uống tiếp. Mới đây, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã cấp cứu một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy gan thận bởi trước đó uống nước sắc bồ cu vẽ quá liều chữa viêm đại tràng mạn tính.

Theo BS. Phó Đức Thuần
Sức khỏe và Đời sống

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG