Cha mẹ phải làm gì khi con bị khuyết tật giới

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Có nhiều cha mẹ hoang mang, thậm chí không nhận con vì các em sinh ra với bất thường ở cơ quan sinh dục. Các chuyên gia khuyên phụ huynh hãy bình tĩnh, bởi y khoa có thể can thiệp giúp các em trở lại cuộc sống bình thường.

Khi đứa trẻ phải sống hai cuộc đời

Theo lời bà Nguyễn Thị Vân (bà ngoại của bé) thì đầu năm 2010, bé Hồ Viết Quang (tên bé đã được thay đổi) chào đời tại Bệnh viện Đa khoa Việt Trì (Phú Thọ) và được xác định là nam do có bộ phận sinh dục ngoài giống con trai. Tuy nhiên khi nhìn cơ quan sinh dục của cháu ngoại, bà thắc mắc “sao bộ phận sinh dục của cháu tôi sờ không thấy tinh hoàn mà chỉ có bìu”. Bác sĩ trấn an “do tinh hoàn ẩn, gia đình nên chờ khi cháu được khoảng 5, 6 tháng thì đưa đi viện phẫu thuật kéo tinh hoàn xuống”. Nghĩ những lời bác sĩ nói là chính xác nên gia đình yên tâm.

Khi được gần 2 tháng, Quang bị tiêu chảy, da thâm đen lại. Gia đình đưa Quang đi khám. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ bảo “bé không sao còn da thâm có thể do mắc bệnh tim”. Thế nhưng đến ngày thứ 4, Quang đi ngoài tới 10 lần, cơ thể mất nước trầm trọng, nôn trớ nhiều quá nên gia đình quyết định chuyển xuống viện Nhi TW để điều trị.

Tại viện Nhi TW, khi làm các xét nghiệm, cả gia đình bà Vân ngỡ ngàng với kết luận “bé là con gái”. Theo lời bác sĩ thì “do căn bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh khiến bộ phận sinh dục bất thường và da thâm đen lại chứ không phải bệnh tim như chuẩn đoán trước đó.

Nỗi đau khi người thân chối bỏ

Quang được các bác sĩ của Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi điều trị, phẫu thuật tạo hình âm vật khi bé được 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, âm đạo vẫn ở trên cao nên bệnh viện hẹn gia đình phẫu thuật hoàn chỉnh lần hai khi bé được vài tuổi để đảm bảo sức khỏe và thẩm mỹ. Không muốn cháu biết bệnh của mình, mấy năm qua, mỗi lần xuống Hà Nội khám định kỳ, bà Vân thường hay dỗ cháu rằng “bà đưa con đi Hà Nội chơi, ở dưới đó có rất nhiều trò chơi rất hay” và cô bé tưởng thật, cười khanh khách khi được bà đưa xuống viện khám.

Cuộc sống của Quang sau khi được phẫu thuật đã sang một trang mới. Tuy nhiên, trên giấy khai sinh, phần giới tính vẫn được ghi là nam. Gia đình khá bối rối khi Quang đến tuổi đi học mẫu giáo. Điều gia đình bà Vân e ngại nhất chính là sự dị nghị của hàng xóm láng giềng bởi như tâm sự của bà thì ở quê người ta vẫn chưa định hình được về những khái niệm giới tính như trường hợp của bé Quang nên thỉnh thoảng có người lại xì xào về “bệnh tình” của bé. Ngay cả bố bé Quang, khi hay con mắc bệnh lạ đã nhất quyết không nhận đó là con mình.

Nhà nghèo, con mắc bệnh lạ mà chồng lại không chịu nhận con nên mỗi khi nhắc đến con là chị Hồ Thị Thu (mẹ Quang) lại khóc sưng cả mắt. Với chị, hàng xóm dị nghị bệnh của con đã đau, đến bố đẻ cũng không dám nhận thì thật cay đắng.

Phẫu thuật sẽ giúp trẻ trở lại bình thường

Theo TS.BS Bùi Phương Thảo (Phó trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi TW): “Những trường hợp cần xác định lại giới tính sau khi sinh 50% nguyên nhân do mắc phải chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh, gây nam hóa ở trẻ gái và nữ hóa ở trẻ trai… bệnh này có thể xác định ngay trong giai đoạn mang thai bằng cách chọc ối để kiểm tra nhiễm sắc thể. Còn lại là do mắc phải các bệnh khác liên quan đến rối loạn phát triển giới tính, những bệnh này rất khó để sàng lọc trước khi sinh”.

Bác sĩ Thảo nói thêm rằng: “Khi sinh con bị rối loạn phát triển giới tính, phần lớn các gia đình rất buồn, lo âu, ngại ngùng, giấu giếm người thân, họ hàng. Trong khi đó, y học có thể can thiệp được bằng phẫu thuật để đem lại cuộc sống bình thường cho đứa trẻ.

Vì thế, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa để có hướng điều trị kịp thời ngay khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường như âm vật trẻ gái phì đại như nam giới, bé trai có lỗ tiểu thấp - ở gốc bộ phận sinh dục, tinh hoàn không sờ thấy hoặc sờ thấy một bên, dương vật, âm vật rất bé so với tuổi tác...”.

Về độ tuổi phẫu thuật thì theo bác sĩ Thảo càng tiến hành sớm càng tốt, thời điểm đẹp nhất là dưới 1 tuổi vì như vậy sẽ không ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất cũng như xã hội của đứa trẻ.

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp trẻ sinh ra gặp bất thường này và các gia đình rất lo lắng, ngại ngùng, dấu diếm người thân họ hàng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thảo thì đây không phải là bệnh lý mang tính di truyền mà chỉ là khuyết tật bẩm sinh mà giới y khoa hay gọi là “tai nạn” khi hình thành phôi giới tính cho trẻ- thường ở giai đoạn tuần thứ 6 của thai kỳ.

Với những trẻ bị khuyết tật này, y học có thể can thiệp được bằng phẫu thuật để đem lại cuộc sống bình thường cho trẻ nên điều mà các bác sĩ mong muốn là các bậc phu huynh không nên quá lo lắng. Điều quan trọng nhất mà cha mẹ nên làm là nên đưa trẻ đi khám ngay khi thấy bất thường ở cơ quan sinh dục của con.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG