Chàng trai 22 tuổi được phẫu thuật gắn "cậu nhỏ"

Chàng trai 22 tuổi được phẫu thuật gắn "cậu nhỏ"
TPO - Anh Hồ Quang M. (22 tuổi, ở Lâm Đồng) vừa trải qua ca phẫu thuật đặt tinh hoàn giả lần thứ hai bên phải tại bệnh viện Vinmec.

TPO - Anh Hồ Quang M. (22 tuổi, ở Lâm Đồng) vừa trải qua ca phẫu thuật đặt tinh hoàn giả lần thứ hai bên phải tại bệnh viện Vinmec.

Chàng trai 22 tuổi được phẫu thuật gắn "cậu nhỏ" ảnh 1
 

Lần thứ nhất, anh được phẫu thuật là cuối tháng 12.2013, đã đặt dương vật và tinh hoàn bên trái. Theo các bác sĩ bệnh viện Vinmec, anh M. là người “khá lớn” tuổi cho những phẫu thuật sửa chữa dị tật đường sinh dục, trừ những trường hợp phẫu thuật nhằm mục đích chuyển giới. Lẽ ra bệnh nhân có thể được mổ sớm hơn, nếu được tiếp cận thông tin và bản thân họ không mặc cảm.

Khi đến khám, anh M. chọn giải pháp an toàn cho mình, dù đã tới lượt vẫn lui lại, nhường bệnh nhân khác gặp bác sĩ trước. Thậm chí, ngồi trước mặt bác sĩ rồi, có người thứ ba cũng là một nhân viên y tế, anh M. vẫn chủ động đề nghị có thể chờ tiếp cho đến khi gặp được riêng hoàn toàn với bác sĩ. Theo BS Ngô Duy Minh, Khoa Ngoại Nhi, bệnh viện Vinmec: “Thái độ rụt rè, tự ti như vậy khá phổ biến ở những bệnh nhân khi có khiếm khuyết bộ phận giới tính”.

Cha sinh mẹ đẻ anh M. vốn có thân thể hoàn chỉnh. Nhưng tai nạn bất ngờ xảy ra lúc 4 tháng tuổi, cậu bé bị con chó nhà mới nuôi được vài hôm cắn mất bộ phận giới tính đặc trưng của mình. Bố mẹ M. chỉ còn biết ôm con đến bệnh viện gần nhất là bệnh viện Đồng Hới. Sau khi cấp cứu, làm sạch vết thương, các bác sĩ đã tạm thời làm ống nối để M. có thể tiểu tiện được. Từ đó, vết cắn dần lành sẹo, cậu bé M. cũng càng ngày càng lớn, nhưng cái mẩu còn sót lại vẫn chỉ cụt lủn như ngày nào. Gia đình quyết định chuyển hẳn vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng khi M. được 4 tuổi, bắt đầu cảm nhận được sự trêu chọc của bạn bè.

BV Vinmec được trang bị máy móc thiết bị y tế đồng bộ và hiện đại
BV Vinmec được trang bị máy móc thiết bị y tế đồng bộ và hiện đại .
 

Xấp xỉ tuổi dậy thì, M. càng thấy sự khác biệt của mình hơn, nhiều lúc khóc như mưa và hỏi “Mẹ ơi, sao con lại bị như vậy”. Người mẹ cũng chỉ còn biết khóc theo con: “Mẹ đâu có muốn như vậy, biết làm sao bù đắp cho con bây giờ?”. Quanh năm làm rẫy, trồng cà phê, người mẹ cũng chẳng có cơ hội tìm hiểu liệu bệnh con mình có chữa được hay không. Còn M. thì càng ngày, càng tỏ ra lầm lì, hay cáu bẳn, ít nói ít cười khi về nhà. Học xong bậc THCS, M. bỏ giữa chừng đi vào TP.HCM tìm việc làm, như để cắt hẳn với quá khứ. .

Năm 2011, khi chị Mai Anh, mẹ của "cậu lính chì" Thiện Nhân lập ra chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may”, qua mạng internet, M. mới bắt đầu tìm hiểu về các giải pháp cho vấn đề của mình. Và đến khi chàng thanh niên này bắt đầu có những rung động tình cảm đầu đời, M. đã quyết tâm giục mẹ đưa đi chữa bệnh.

Đến gặp các bác sĩ, người mẹ mới biết con chị được chữa muộn quá. Nhưng cũng còn may, bác biết rằng con trai mình vẫn phát triển về giới tính tự nhiên, có những động lực để quyết tâm phẫu thuật. M. còn phải trải qua một vài lần phẫu thuật nhưng dương vật và tinh hoàn tạo hình cho M. đều chỉ đảm bảo chức năng tạo hình thẩm mỹ, khó có chức năng sinh lý. Nhưng điều đó cũng giúp M. bớt tự ti, có thể có một đời sống tinh thần thoải mái hơn và có thêm cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.

Không chỉ khi trưởng thành, bệnh nhân bị khiếm khuyết hay mất bộ phận sinh dục ngoài mới cảm nhận được sự bất thường của mình. Ở tuổi nhỏ, khi bắt đầu có nhận thức, trẻ đã có ý thức và bắt đầu chịu sự kỳ thị của mọi người về khiếm khuyết của mình. Như trường hợp của cháu Trần Minh P. (6 tuổi, ở TP.HCM) vừa được các bác sĩ Vinmec và đoàn bác sĩ của Quỹ thương vong châu Á thực hiện ca mổ tạo hình bộ phận sinh dục ngoài hôm 19.6 là ví dụ điển hình.

Khi mang thai cháu P., chị Nguyễn Thị M. đi siêu âm thì thấy ai cũng bảo đó là bé gái. Bé P. chào đời khi mới chỉ mới 7 tháng nên cả chị và các bác sĩ dù thấy bộ phận sinh dục của bé có một chút bất thường cũng không nghi ngờ nhiều. Họ đều nghĩ rằng khi bé lớn, mọi thứ chắc sẽ hoàn chỉnh. Nhìn bề ngoài là của bé gái, nhưng quan sát kỹ hơn, bên trong lại có một chút đầu mẩu của bé trai. Chị đặt tên con theo con gái Trần Thị Minh P..

Nuôi con đến năm cháu được 4 tuổi, bé vẫn khá chậm lớn nên chị M. quyết định cho con đi kiểm tra. Bác sĩ kiểm tra nội tiết và đề nghị xét nghiệm gen và thấy cháu có bộ nhiễm sắc thể 46XY – chứng tỏ giới tính là nam chứ không phải nữ. Chị M. đi đổi khai sinh, tên gọi, bỏ đệm “Thị” cho con, và từ đó để ý tìm hiểu, xin tư vấn về cách chữa trị cho con.

Khi đi học, nhiều lúc cả buổi học P. không có ai chơi cùng, các bạn gái thì biết P. là con trai nên không cho nhập hội, còn các bạn trai thì trêu chọc. Những ngày đi học với cậu bé trở nên một cực hình. Đến khi P. đăng ký vào chương trình phẫu thuật mang tên bé Thiện Nhân, được đặt túi giãn da dưới bụng, cậu bé còn chưa biết chữ, chưa hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chừng đó cũng đủ làm P. vui vẻ, phấn chấn hẳn lên.

Các bác sĩ đã tư vấn cho chị M. để chuẩn bị cho con những yếu tố tâm lý, chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống tương lai. Bởi với dương vật được tạo hình từ vạt da chuyển lên chắc chắn khó đảm bảo cho một cuộc sống về tình dục bình thường, chưa nói gì được về khả năng phát triển của tinh hoàn, chức năng làm chồng, làm cha của con trai chị sau này.

Theo bác sĩ Ngô Duy Minh, 2 tuổi là độ tuổi phù hợp nhất để thực hiện phẫu thuật tạo hình lại bộ phận sinh dục nếu có chỉ định y khoa, nhằm sửa chữa loại khiếm khuyết, dị tật này. Khi đó, trẻ đủ lớn về cân nặng, có đủ sức khỏe cho cuộc phẫu thuật. Càng để muộn, trẻ sẽ càng bị những sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến ngay cả tính cách sau này.

Gia Bảo

Theo Hỗ trợ
MỚI - NÓNG