Châu Phi - Thị trường dược phẩm tiềm năng mới

Châu Phi - Thị trường dược phẩm tiềm năng mới
Sự phát triển kinh tế đáng ghi nhận của các nước trong khu vực, cùng với mô hình bệnh tật đang thay đổi rõ rệt đã khiến cho châu lục đen ngày càng thu hút sự quan tâm của ngành công nghiệp dược và mở ra những cơ hội kinh doanh mới tập trung vào những căn bệnh mạn tính thay vì những bệnh nhiễm khuẩn một thời hoành hành tại lục địa này.

Đặc biệt là các công ty châu Âu đang nhanh chóng nắm lấy thời cơ đầu tư sớm để giữ vai trò chủ động trên thị trường.

Những xung đột gần đây tại Mali và Algeria không làm thay đổi quyết tâm của Tập đoàn dược phẩm Sanofi (Pháp) khi xây dựng nhà máy sản xuất thứ ba tại châu Phi. "Thị trường tại lục địa đen đang là một điểm đến hết sức hấp dẫn và chúng tôi hi vọng sẽ mở rộng thị phần tại đây" Chris Viehbacher, giám đốc điều hành Tập đoàn cho biết.

Theo dữ liệu từ IMS, tổng giá trị thị trường thuốc tại châu Phi sẽ đạt con số 30 tỷ USD vào năm 2016 với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 10,6%, đứng thứ hai sau thị trường châu Á và ngang bằng với châu Mỹ la tinh. Còn đến năm 2020, giá trị thị trường sẽ đạt tới 45 tỷ USD, tức là gấp đôi so với hiện nay. Mức tăng trưởng này là rất ấn tượng trong bối cảnh các thị trường khác được dự báo sẽ đạt tới trạng thái bão hòa về nhu cầu sử dụng thuốc. Joe Jimenez, giám đốc điều hành của Tập đoàn Norvatis cho biết: “Các công ty dược đang lo lắng vì các thị trường mới nổi đang trên đà giảm sút và sẽ không thể trở lại nhịp độ phát triển mạnh mẽ như trước đây. Vì vậy cần phải có một điểm đến mới. Châu Phi chính là nơi chúng tôi đặt nhiều kì vọng nhất trong tương lai”.

Niềm tin trên có cơ sở từ tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, cùng với nhu cầu ngày càng cao để điều trị các bệnh mạn tính đang dần trở nên phổ biến trong tầng lớp dân cư trung lưu thành thị. Các bệnh không truyền nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh phổi, ung thư và đái tháo đường được dự báo sẽ chiếm tới 46% tổng số ca tử vong tại khu vực Sahara vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 28% vào năm 2008 (Ngân hàng thế giới). Những thay đổi trên cũng khiến các công ty dược phải thay đổi cách tiếp cận mô hình bệnh tật tại châu Phi, vốn một thời chỉ tập trung vào các bệnh truyền nhiễm như sốt sét và HIV. Các công ty này cũng cần cải thiện hình ảnh của mình vốn đã bị ảnh hưởng tại châu Phi sau vụ kiện tập thể của 39 tập đoàn dược phẩm chống lại Nam Phi vì sản xuất thuốc generic giá rẻ để điều trị HIV.

Tuy nhiên để xâm nhập vào thị trường này, các công ty dược cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn mang tính chất pháp lý và cơ sở hạ tầng còn yếu kém. "Các công ty dược không thể tự nhiên mà xuất hiện. Họ cần có những hoạt động ban đầu như đào tạo, mối liên kết với các trường đại học và cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu về cơ sở pháp lý…- những điều còn đang khá hạn chế ở châu Phi", Christoph Spennemann, một chuyên gia pháp lý của Liên Hợp Quốc cho biết.

Các tập đoàn phương Tây đồng thời cũng phải đổi mặt với nguồn cung thuốc giá rẻ có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc, với mức nhập khẩu đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài năm trở lại đây. Các nhà sản xuất Ấn Độ đặc biệt chú trọng thị trường các nước châu Phi nói tiếng Anh, trong khi các công ty Trung Quốc hưởng lợi từ những dự án hỗ trợ y tế của Chính phủ Trung Quốc trên khắp lục địa đen.

GlaxoSmithKline (GSK), tập đoàn dược phẩm lớn của Anh đang khắc phục vấn đề này bằng cách đặt trọng tâm vào mục tiêu mở rộng thị phần hơn là chú trọng đến lợi nhuận. Công ty này đã tăng thị phần của mình lên gấp 5 lần trong 5 năm nhờ chấp nhận bán thuốc với mức giá rẻ. GSK cũng đẩy mạnh hoạt động bán các thuốc không kê đơn ví dụ như Panadol và kem đánh răng Sensodyne tại thị trường châu Phi. Cách tiếp cận trên là phù hợp với thực tế dân số: Một bên là nhóm cư dân thành thị, với mức thu nhập ngày càng cao có thể mua được những loại thuốc mới, giá cao ; Một bên là nhóm cư dân sống ở nông thôn với mức thu nhập thấp và điều kiện y tế hạn chế, chỉ phù hợp với các thuốc OTC và thuốc giá rẻ.

Theo Dược & Mỹ Phẩm

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.