Chọn địu an toàn cho bé

Ảnh minh họa: Intenet
Ảnh minh họa: Intenet
Chiếc địu khiến trẻ gắn bó hơn với cha mẹ, giúp bạn vừa làm việc, vừa trông con. Nhưng chọn địu không tốt, bạn có thể mất đứa con của mình.

Tuổi nào cần địu?

Bé từ 1-30 tháng tuổi đều có thể dùng địu, tuy nhiên cần phải đạt chuẩn chiều cao ít nhất 53cm, nặng ít nhất 3,5kg và không nặng quá 11kg. Tùy theo nhu cầu, bạn có thể chọn loại địu đơn hoặc loại đa năng có túi đựng khăn, tã, bỉm, chai nước. Nhưng dù chọn loại nào cũng cần chú ý đến chất liệu địu đảm bảo thoáng khí, thấm hút tốt.

Trẻ nào kích thước ấy

Tùy theo kích thước, cân nặng, tư thế địu, bạn nên chọn loại phù hợp với con mình. Nếu địu nhỏ so với bé thì có thể khiến trẻ bị ngã ra ngoài, nhưng quá to thì lớp vải của chiếc địu có thể che kín vùng mũi, miệng dễ khiến trẻ ngạt thở, đồng thời bé phải dạng chân quá rộng gây mỏi chân, dễ bị vòng kiềng.

Vì vậy khi chọn mua, bạn nên xem tải trọng và độ dài, rộng của địu, độ bao phủ toàn bộ cơ thể trẻ. Khi sử dụng, cần thắt dây địu chặt vừa phải; nếu để rộng, bé dễ bị ngã, lệch tư thế ảnh hưởng đến cột sống còn chặt quá khiến bé nóng bức, khó thở.

Mỗi tuổi thay một dáng địu

Với trẻ sơ sinh, vùng đầu cổ chưa phát triển hoàn thiện nên nếu bạn chọn địu tư thế ngồi thì dễ gây chấn thương cho bé. Tư thế địu nằm phù hợp với những bé dưới 5 tháng tuổi.

Tuy nhiên, bạn cần chú ý không nên để bé nằm ở khoang địu quá sâu, lưng trẻ sẽ bị uốn cong hình chữ C khiến phần mặt bị chắn bởi người địu, bé khó thở và khó khóc khi có dấu hiệu khó chịu. Đồng thời bạn phải chú ý mép địu không được che khuôn mặt bé khiến trẻ khó thở.

Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể chọn loại địu ngồi với tư thế dựa vào mẹ vững chắc, cằm hướng lên trên, không chạm vào thân người địu. Nếu chỉ có địu ngồi thì bạn phải chắc chắn xem địu đó có phần bảo hiểm, chắn đầu cổ bé.

Luôn chú ý tư thế của trẻ

Trẻ có thể ngủ trong quá trình bạn địu đi chơi. Vì vậy cần chú ý thường xuyên tới tư thế nằm ngủ của bé khi trong địu để điều chỉnh giúp trẻ nằm ở tư thế thoải mái, đầu không bị vẹo, ngửa ra sau hoặc mũi không bị tì vào người địu.

Để thuận tiện trong việc trông nom bé, với những trẻ nhỏ dưới 1,5 tuổi thì bạn nên chọn loại địu đưa con về phía trước. Không nên để bé nằm ở phần hông hay eo của cha mẹ, nên để đầu bé chạm với cằm hoặc gáy. Bạn cũng thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong địu tránh tình trạng bé bị nóng. Vải địu thường dày, có mút hoặc bông nên dễ làm nóng lưng và mông bé. Nếu thấy con toát mồ hôi, hãy nới lỏng địu một chút.

Cẩn thận rơi con

Trẻ nặng quá sức chịu của địu hoặc thiết bị quá cũ có thể khiến trẻ rơi xuống khiến bé tổn thương não, thậm chí tử vong. Vì vậy trước khi địu trẻ hãy kiểm tra sức chịu của địu có phù hợp với bé, kiểm tra ốc vít, đường may xem có chắc chắn không. Đồng thời khi bạn chạy nhảy, thể dục, lái xe thì tránh địu bé vì có thể làm trẻ tổn thương, lồng ruột, rơi ngã.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.