Chồng tôi như khách trọ trong nhà

Chồng tôi như khách trọ trong nhà
Nhiều người bảo tôi sướng vì chồng giỏi kiếm tiền. Đúng là chồng kiếm tiền tốt, cuộc sống vật chất tôi không phải lo lắng nhưng anh ở nhà cứ như khách trọ.

Anh về đến nhà là buông giày buông cặp để tôi phải dọn dẹp và đi tắm rồi đọc báo, hoặc không thì anh đi đánh tennis hay ăn uống với đối tác về muộn. Hai đứa con anh chẳng bao giờ biết chúng học hành ra sao, chúng ốm đau thế nào. Tiền nong hết thì anh đưa chứ không bao giờ để ý xem vợ con cần gì muốn gì.

Có hôm con bị ốm phải vào viện, tôi gọi anh bảo phải đi tiếp khách sẽ vào sau, rồi tôi đợi mãi cũng không thấy anh vào. Hôm sau gọi anh bảo uống say về ngủ nên quên mất, buổi tối anh vào. Tối anh lại gọi điện là không vào thăm con được, cần tiền thì anh gửi cho. Nhiều khi tôi không biết cuộc sống vợ chồng tôi như vậy gọi là gì, có lúc tôi nản quá, nghĩ mình như người đẻ thuê và nuôi con cho anh vậy.

Cuộc sống vợ chồng lúc nào cũng tẻ nhạt, tôi việc tôi anh việc anh. Có hôm bận rộn tôi bảo anh làm giúp việc nhà, anh bảo nếu bận quá thì tìm người giúp việc chứ anh không làm, đó là việc của phụ nữ. Anh coi việc đảm đương tài chính gia đình là hết trách nhiệm của anh rồi, mọi việc còn lại tôi có trách nhiệm phải lo. Tôi cảm thấy bế tắc quá. Xin cho tôi lời khuyên. (Bích)

Chồng tôi như khách trọ trong nhà ảnh 1

Ảnh minh họa: Courtneyluv.com.

Trả lời:

Xin chia sẻ với chị về những muộn phiền mà chị đang trải qua. Hôn nhân là sự gắn kết tự nguyện giữa hai người, trong đó cả hai chung trách nhiệm trong việc lo kinh tế tài chính, chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong hoàn cảnh gia đình chị, chồng chị là người làm ra kinh tế chủ đạo trong gia đình nhưng lại có phần thiếu trách nhiệm khi đổ mọi việc trong nhà cho một mình chị và hoàn toàn không có ý muốn chia sẻ hay gánh vác cùng vợ. 

Để khắc phục tình trạng này không thể ngày một ngày hai. Tôi chỉ muốn đưa ra một số gợi ý có thể giúp chị từng bước kéo anh xã chung tay vun đắp cho gia đình:

- Trao đổi thẳng thắn: Để thay đổi được suy nghĩ  này, có lẽ cần ở chị sự kiên nhẫn và mạnh mẽ hơn khi yêu cầu anh ấy chia sẻ các công việc nhà. Anh ấy cần phải hiểu rằng vật chất không phải là thứ mang lại hạnh phúc mà chính là sự thấu hiểu chia sẻ đồng cảm giữa hai vợ chồng và cùng hiểu rõ những khó khăn của đôi bên mới là thứ tạo ra giá trị hạnh phúc.

- Yêu cầu anh ấy những công việc cụ thể: Chị nên yêu cầu anh ấy lựa chọn những công việc có thể làm hoặc muốn làm. Sau đó chị nên thường xuyên nhắc nhở và giám sát để anh ấy có ý thức làm việc, hãy học cách khen ngợi nếu anh ấy làm tốt. Tất nhiên, có thể anh ấy sẽ không lựa chọn hoặc có lựa chọn và để đó, hãy cùng con tác động tới chồng. Thậm chí những công việc mà chị đã giao, đừng vì anh ấy làm dở hay không làm mà làm cố cho xong. Chị phải học cách tự mình thoát khỏi sự ràng buộc với các công việc gia đình

- Chỉ ra hậu quả: Chị hãy giúp anh ấy hiểu rằng những công việc này đã khiến chị quá mệt mỏi và không có thời gian chăm sóc bản thân. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tình cảm của chị dành cho anh ấy sẽ khó tồn tại được. Thậm chí anh ấy không chăm sóc con cái hoặc không để ý đến việc học hành của chúng cũng sẽ tạo khoảng cách giữa anh và các con và đương nhiên con không phải của mình chị nên anh ấy cần phải sắp xếp thời gian để dạy dỗ giám sát con học hành nếu anh muốn con mình ngoan ngoãn và trưởng thành.

Có lẽ cách mà anh ấy đang ứng xử với chị một phần vì quan điểm còn có định kiến của anh ấy về trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình mà thôi. Có thể khi chị tác động phân tích sẽ giúp anh ấy hiểu ra và thay đổi, và việc chia sẻ công việc với nhau mới là cách thể hiện bản lĩnh của một người đàn ông hiện đại và tài giỏi.

Tôi không biết hiện giờ chị có đi làm hay không, nhưng nếu chị ở nhà thì có lẽ cũng tự mất đi sự chủ động trong gia đình đồng thời làm cho chị mất cơ hội gặp gỡ và giao lưu với mọi người xung quanh. Vì thế, nếu có thể chị nên đi làm, vừa tạo cho chị niềm vui vừa giảm bớt áp lực tài chính cho anh ấy, đồng thời cũng là cách để chị dần dần huy động sự tham gia của anh ấy trong gia đình. Chị cũng có thể tìm người giúp việc để tạo bớt gánh nặng công việc gia đình.

Tất nhiên, bất cứ điều gì muốn thay đổi cũng cần có thời gian, kể cả là thay đổi từ chính suy nghĩ của chị, vì vậy chị cũng cần kiên nhẫn hơn, ngoài ra cần biết tìm sự trợ giúp tác động của người thân hay bạn bè anh ấy. Hy vọng rằng qua thời gian và sự khéo léo của chị, anh ấy sẽ dần nhận ra rằng ngoài việc chỉ đóng góp kinh tế thì sự chia sẻ mỗi công việc gia đình cũng là cách tạo ra hạnh phúc trọn vẹn.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG