Chưa yêu đã sợ bị 'đào mỏ'

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Gần 40 tuổi, anh Chiến chưa có ý định kết hôn khiến bố mẹ rất sốt ruột. Mối tình đầu tan vỡ khi phát hiện người ấy yêu mình vì tiền, anh mất niềm tin vào phụ nữ.

Mối tình đầu và duy nhất đến giờ là cô gái anh quen khi đi học tại trung tâm ngoại ngữ buổi tối. Lúc đó, Chiến 26 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp đại học còn cô gái kia là sinh viên năm thứ ba. Hai năm yêu, anh chu cấp cho bạn gái khá nhiều tiền bạc, vật chất vì gia đình cô dưới quê không khá giả lại đông anh chị em. Anh dự định khi người yêu ra trường sẽ tổ chức đám cưới. Đúng lúc đó, bố mẹ anh vướng vào vụ làm ăn thua lỗ khiến tài sản của gia đình gần như mất trắng, nhà đang ở cũng phải bán đi.

Không những không thông cảm và an ủi, giúp đỡ anh, người yêu bỗng dưng đổi tính, thường xuyên hờn dỗi, trách móc, dối anh đi chơi với bạn khác giới. Sau đó, bố mẹ anh đã gây dựng lại được cơ nghiệp, gia đình sở hữu hai căn nhà nhưng tình yêu của anh thì ra đi mãi mãi. Nay là nhân viên IT với lương khá cao, Chiến được một số cô gái đánh tiếng muốn "nâng khăn sửa túi". Anh cảm thấy lo ngại: "Nhìn mình trong gương vừa già vừa xấu, bụng phệ, trán bắt đầu hói, các cô yêu tiền chứ yêu gì mình". Đưa lương cho mẹ giữ, anh cảm thấy an toàn hơn nếu lấy vợ và phải đưa lương cho vợ.

Chưa yêu đã sợ bị 'đào mỏ' ảnh 1

Sợ bị lừa tiền, lừa tình, một số người chọn cách sống độc thân cho an toàn - Ảnh: telegraph.

Không chỉ nam giới mà cả phái đẹp cũng sợ bị lợi dụng khi yêu, như Nga là một ví dụ. "Em làm việc nhiều thế, để đâu cho hết tiền", "Nhiều tiền thế, không tiêu hết để anh tiêu cho"... là những câu mà Nga thường xuyên nhận được mỗi khi cô tỏ ra thiếu nhiệt tình trước sự đeo bám của một anh chàng nào. Làm việc cho công ty nước ngoài, thu nhập của Nga là mơ ước của nhiều người. Chăm chỉ, năng lực tốt, Nga được đề bạt lên chức kế toán trưởng chỉ sau ba năm ra trường. Cô còn nhận thêm việc bên ngoài về làm buổi tối, đã mua được một căn hộ chung cư ở Hà Nội.

Thời đi học và mới đi làm, Nga gần như không có ai để ý vì ngoại hình không được bắt mắt, còn bây giờ có khá nhiều chàng trai chạy theo tán tỉnh. Thậm chí, một anh bạn học cũ ngày trước gần như không chơi với cô, sau buổi họp lớp thấy Nga thành đạt cũng nhắn tin à ơi. Cô gái ngoài 30 tuổi vẫn không duyệt được anh chàng nào, vẫn mơ tưởng đến những tình yêu lãng mạn như trong tiểu thuyết hoặc thời đi học còn chưa lo lắng đến chuyện cơm áo gạo tiền. Đôi lần nhìn căn phòng trống trải, cô từng có ý muốn lập gia đình, song cứ nghĩ về ngoại hình và tuổi tác của bản thân, Nga đâm ra cảnh giác trước ý đồ của các chàng trai. Cô luôn có cảm giác họ nhìn vào thu nhập của mình để tán tỉnh. 

Giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền và chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Kim Bắc đều chung nhận xét những người chỉ vì sợ bị lừa tiền mà không dám yêu hay kết hôn là những người có tâm lý sống phòng thủ và tự vệ, đa nghi, không mở lòng với người khác. Đó cũng là những người tâm lý tự tôn bản thân khá cao. 

Đáng buồn là tâm lý nghi ngờ phòng thủ này có một phần bắt nguồn từ thực tại xã hội hiện nay, khi mà những mặt trái của xã hội, những sự lừa dối xuất hiện ngày càng nhiều, khi mà yếu tố vật chất trong tình cảm ngày càng được coi trọng. Gần đây, trên các mạng xã hội, rất nhiều cô gái đăng những dòng viết tố bạn trai xin tiền, ăn bám, sỉ nhục vì trả tiền ăn… hay những câu chuyện không yêu nữa thì đòi quà khiến một bộ phận bạn trẻ cảm thấy nghi ngờ tình yêu.

"Đúng là so với những thập kỷ trước, xã hội bây giờ nhiễu nhương hơn, nhưng niềm tin, lòng chung thủy, sự chân thành vẫn còn tồn tại, con người cơ bản vẫn hướng tới những giá trị chân thiện mỹ", bà Kim Bắc phân tích. Theo bà, sợ bị lợi dụng nên không dám yêu và kết hôn là một quan điểm và lối sống rất cực đoan, sai trái, thậm chí tự làm khổ bản thân mình, bởi phải sống trong nghi ngờ. "Ở đời cũng có người này người kia, không phải tất cả đểu xấu, vì thế ta không nên quá bi quan". 

Chuyên gia Kim Bắc cho rằng, chỉ cần thay đổi cách nhìn và cách sống, những người đa nghi này sẽ tìm được một tình yêu đích thực. "Nếu cứ đeo mãi cặp kính đen thì anh không bao giờ nhìn thấy cái gì ngoài màu đen". Bằng quá trình tìm hiểu, ta có thể biết được ai là người chân thành và người nào định lợi dụng. Điều này phụ thuộc vào độ nhạy cảm, vốn sống và khả năng của mỗi người. Có người chỉ cần vài ngày đã phát hiện ra đối phương đào mỏ, nhưng có những người cả 4, 5 năm cũng không nhận ra.

"Nếu đã trải qua một quá trình 5 năm mà vẫn không phát hiện sự thật thì bạn là người quá kém, phải xem lại mình. Cuộc đời đâu phải là sân khấu, người 'đào mỏ' có diễn bao nhiêu thì cũng có lúc phải hạ màn", bà Kim Bắc giải thích.

Giáo sư Vũ Gia Hiền bổ sung, ai cũng có thể tìm được một người yêu, người bạn đời chân thành với mình nếu có trình độ sống (chứ không phải là trình độ học vấn), có kiến thức về tâm lý học và đạo đức, có kinh nghiệm giao tiếp xã hội, lý trí tỉnh táo và đặc biệt là sống trung thực.

Kim Anh

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG