Chuyện thầm kín của cô sinh viên chuyển giới

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Khi mặc đồ con trai, Lam sẽ vào nhà vệ sinh của nam, ngược lại là khu dành cho nữ nhưng thường chờ tới lúc không có ai mới dám vào.

 Lam mặc váy, để tóc dài và trang điểm mỗi khi đi học hoặc ra ngoài. Ảnh: Vân Anh.

Lam mặc váy, để tóc dài và trang điểm mỗi khi đi học hoặc ra ngoài. Ảnh: Vân Anh.

Tóc dài ngang vai, váy ngắn điệu đà và khuôn mặt trang điểm nhẹ nhàng, La Lam (tên thật là Lò Đức Thọ), 20 tuổi, đến dự buổi chia sẻ thông tin về Luật người chuyển giới vừa được quốc hội thông qua do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSee) tổ chức, với tư cách khách mời. Chỉ đến khi Lam giới thiệu, những người có mặt trong phòng mới biết cô là người chuyển giới và hiện là sinh viên khoa Biên kịch Điện ảnh, ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Lam là người dân tộc Thái đến từ Mường Lò, Yên Bái.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ cậu bé Lam đã rất thích khoác lên mình những bộ váy con gái. Mỗi lần bố đi làm thuê được nhà chủ cho quần áo cũ của con cái họ mang về, Lam thích diện váy ra suối tắm và nghĩ mình là nàng tiên cá nhỏ tung tăng dưới nước. Cậu cứ mặc như vậy cho đến năm lớp một, khi các bộ cánh đều đã cũ và chật.

Từ lớp một đến hết cấp ba, Lam diện đồ con trai và để tóc ngắn. Lam phát hiện ra sự khác biệt của mình so với các bạn là khi có những rung động đầu đời năm lớp 6. Ngày ấy, Lam chưa hiểu cảm giác đó là gì, chỉ biết mình thích con trai. Đôi lúc cũng bị bạn bè trêu chọc vì dáng điệu ẻo lả nhưng việc này không tác động quá lớn đến tâm lý Lam. Cô sống lạc quan và tập trung vào con đường học tập.

Không có ai chia sẻ lại ít bạn bè, Lam viết nhật ký, sáng tác truyện từ năm lớp 6. Các câu truyện Lam viết đều có hình bóng cô, là nơi cô giãi bày tâm tư, tình cảm. Lam thường đạp xe ra bờ đê ngồi tâm sự với một hòn đá. Nhiều người bảo hòn đá ấy rất linh thiêng, số khác lại rỉ tai nhau đó là dấu chân cầu, còn với Lam, hòn đá như một người bạn thực sự.

Nhiều đêm học xong, cô leo lên nóc nhà, ngước lên trời khóc và ước gì một đêm thức dậy mình trở thành con gái. "Cái khổ nhất với tôi thời điểm đó là không được tiếp cận với người trong giới để san sẻ tâm tư. Cuộc sống chỉ thực sự thay đổi khi tôi xuống Hà Nội", Lam tâm sự.

Trở thành sinh viên, Lam có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận thông tin và được sống với đúng giới tính. Cô ở ký túc xá nam, cùng phòng với các anh khóa trên. Tuy nhiên do không có sự đồng cảm, sau đó Lam phải xin chuyển phòng. Phòng hiện tại của Lam đặc biệt khi có "ba anh dị tính, một chàng gay và một bạn chuyển giới giống tôi". Cả phòng yêu thương và xem Lam như cô em út.

Cách đây ba tháng, cô sinh viên năm ba mới mặc đồ con gái hoàn toàn, trang điểm và để tóc dài mỗi khi đi học hoặc ra ngoài. Lần đầu tiên tự mua đồ nữ cho mình, Lam mượn cô bạn gái quần áo để mặc ra đường. "Cảm giác khác lắm, giống như tôi trút bỏ được lớp gai góc bên ngoài để khoác lên mình bộ lụa là. Lần đầu bước trên đôi giày cao 17 cm, tôi không bị ngã mà bước đi thành thục như đã quen", Lam kể.

Học trong môi trường nghệ thuật, Lam nhận được sự đồng cảm của thầy cô, bạn bè. Thấy Lam mặc váy điệu đà, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi và khuyên cô nên sống thật với mình. Khi mặc đồ con trai, Lam sẽ vào nhà vệ sinh của nam, ngược lại là khu dành cho nữ. Cô thường chờ tới lúc không có ai mới dám vào vì sợ mọi người trông thấy lại ngại.

Xinh đẹp lại có tài ăn nói, Lam có nhiều người theo đuổi nhưng cô không dám mở lòng đón nhận. Trước khi mặc đồ nữ hoàn toàn, Lam tự ti nghĩ mình là người phụ nữ chưa hoàn thiện, chưa phẫu thuật nên sẽ khó có tình yêu.

"Tình cảm là điều khó nói trước và khi nó đến, tôi đành chấp nhận. Bạn trai lúc đầu hiểu nhầm tôi đã phẫu thuật rồi. Khi gặp mặt, tôi cho anh biết mình chưa dùng hoóc môn và phẫu thuật. Tôi cũng giống anh, chỉ khác là nuôi tóc dài, mặc đồ con gái và trang điểm. Chàng trai suy nghĩ rồi nhắn tin lại, bày tỏ sự cảm thông và chấp nhận con người tôi hiện tại", Lam chia sẻ.

Quen rồi yêu nhau được ba tháng nhưng Lam vẫn chưa thực sự tự tin và hết mặc cảm. Cô vẫn khuyên anh nếu gặp được một người con gái thực sự, hãy đến với họ.

 Lam trong trang phục của con trai. Ảnh: Facebook.

Lam trong trang phục của con trai. Ảnh: Facebook.

Hiện Lam chưa dám công khai với gia đình giới tính thật, phần vì họ là người dân tộc, tiếp cận thông tin hạn chế, phần vì cô vẫn đang đi học, còn phụ thuộc. "Tôi chưa biết phải nói sao để người thân hiểu. Nếu nói ra chẳng may có chuyện gì, việc học tập của tôi sẽ bị cản trở. Tôi nghĩ, thời điểm thích hợp nhất là khi đã ra trường, công việc và cuộc sống đều đã ổn định. Tôi muốn khẳng định mình là người chuyển giới nhưng vẫn sống tích cực", Lam cho biết.

Mỗi lần về nhà, Lam nói dối bố mẹ rằng cô nuôi tóc dài để quay phim. Có lần quay phim tài liệu ở quê, Lam trang điểm và mặc đồ nữ trước mặt bố mẹ nhưng nghĩ đó là công việc của con nên họ không ý kiến gì. Lam muốn người thân dần quen với hình ảnh nữ tính của cô.

Kinh tế không dư giả nên hàng tháng gia đình chỉ gửi xuống cho Lam hơn một triệu đồng. Khoản tiền này Lam phải phân chia sao cho đủ tiền ăn, chi phí học tập, đi lại. Thỉnh thoảng cô diễn thời trang, bán hàng, giao hàng hoặc bí quá thì bán máu để có tiền trang trải. Học ngành biên kịch nhưng đến năm thứ ba, cô vẫn chưa có máy tính để làm việc. Mỗi lần có bài tập, Lam phải ra ngoài quán net hoặc mượn bạn bè. Không có phương tiện di chuyển và máy ảnh, Lam bỏ qua nhiều cơ hội việc làm hay cộng tác với một vài tờ báo.

Cô mong khi ra trường sẽ kiếm được công việc ở Hà Nội và hy vọng xã hội sẽ không còn sự kỳ thị với những người như cô. Sau khi quốc hội hợp thức hóa quyền chuyển đối giới tính ở Việt Nam, Lam dự định lúc nào đi làm có điều kiện sẽ phẫu thuật chuyển giới

Cô Nguyễn Quỳnh Trang, chủ nhiệm lớp Biên kịch Điện ảnh K33, cho biết La Lam là người hòa đồng, dễ xúc động và nhiều tâm sự. Ngay buổi đầu giới thiệu về bản thân, Lam đã không giấu giếm giới tính thật của mình. Cô và các sinh viên khác sẵn sàng đón nhận và xem đó là chuyện bình thường. Những năm đầu, trong các dịp đặc biệt ở trường, Lam mặc váy, trang điểm và chỉ gần đây mới "lột xác hoàn toàn". Về học tập, Lam có nhiều cố gắng và tiến bộ.

Theo Theo Ngôi sao
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.