Chuyện về một 'chuyên gia mổ dạo'

Bác sĩ Khánh mổ thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân 47 tuổi.
Bác sĩ Khánh mổ thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân 47 tuổi.
TP - Nét hóm hỉnh, sự cởi mở mới vừa đó đã biến mất, khi anh bước vào phòng mổ và chuẩn bị rạch mũi dao vào phần hông bệnh nhân để bắt đầu ca phẫu thuật. 

Có bài ca bất tuyệt nào hơn, là trả lại cho người sự hoàn nguyên dáng đi, thế đứng của chính họ lúc chào đời, khi những gấp gãy bất ngờ của cuộc sống chụp xuống, khiến họ bấp bênh, tàn phế. Ðây, chuyện về một “chuyên gia mổ dạo” đã hoán cải nỗi buồn thành niềm vui, biến những bước chân tưởng chừng khập khễnh suốt đời thành hồi sinh khoan thai...

Tôi đọc thấy trong đôi mắt anh sự cẩn trọng tuyệt đối, ánh nhìn chăm chú vào từng thao tác. Suốt hơn 1 tiếng diễn ra ca mổ thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân 47 tuổi, anh không chỉ thực hiện nhiều động tác khó mà còn tỉ mẩn hướng dẫn các bác sĩ trẻ. Anh tìm thấy hình ảnh của mình nhiều năm về trước trong chính những đồng nghiệp trẻ hôm nay.

Ca mổ ban đầu dự kiến chừng 30 phút nhưng đã xuất hiện những khó khăn mới. Điều đó dễ dàng cảm nhận được qua sự tập trung cao độ của kíp mổ. Mọi thao tác của PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh rất dứt khoát. Bệnh nhân bị biến dạng hoàn toàn khớp háng, không còn mốc giải phẫu nào để xác định vị trí khớp có chuẩn, đúng trục không… Trong mỗi ca mổ, bác sĩ như một nghệ sĩ xiếc trình diễn những động tác khó, lúc lại như người thợ kim hoàn tỉ mẩn đến từng chi tiết. Vừa thấy anh nhẹ nhàng dùng dao thực hiện một vết rạch, đã thấy nhanh chóng cầm máy cắt vừa chuẩn xác vừa mạnh mẽ, tiếng máy cắt vào xương bệnh nhân vang lên chói tai nhưng tịnh không thấy sắc mặt anh thay đổi. Rồi lại rất dứt khoát, anh dùng búa chuyên dụng nện những nhát chắc chắn lên chiếc đục đang đặt lên phần chỏm xương đùi của người bệnh. Tôi hình dung lúc này bác sĩ Khánh giống như người thợ mộc cần mẫn với công việc. Chừng vài chục giây trôi qua mà ngỡ như đã rất lâu, anh chuyển cho bác sĩ phụ mổ đầu chỏm xương đùi đã bị thoái hóa vừa được cắt ra. Công việc tiếp theo là lắp khớp háng nhân tạo để bệnh nhân có thể vận động mà không đau đớn gì. Một ngày sau ca phẫu thuật, tôi gặp lại bệnh nhân. Nụ cười hạnh phúc với những bước đi nhẹ nhàng sau ca mổ đặc biệt, người đàn ông 47 tuổi không giấu được niềm vui vì sự cải hóa thần kỳ.

Chuyện về một 'chuyên gia mổ dạo' ảnh 1 TS Khánh đang hướng dẫn điều trị cho các bác sĩ trẻ.

Ðam mê

Tuổi thơ của Khánh là những ngày lẽo đẽo theo cha đi buồng bệnh của khoa Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai). Hình ảnh chiếc ống nghe in đậm trong tâm trí cậu bé. Khánh tò mò không biết tại sao chỉ với 2 cái dây màu đen và cái hình tròn làm bằng kim loại trắng sáng ấy lại có thể cho cha cậu biết tình hình sức khỏe của một người xa lạ. Rồi những ngày theo mẹ đến Trường Đại học Y Hà Nội giảng dạy, nghiên cứu, Khánh quen dần với mùi hóa chất, thuốc sát khuẩn. Với cậu bé chưa đầy chục tuổi đầu, công việc của cha mẹ đầy sức mê hoặc. Bố cậu chỉ khuyên một điều: “Nếu con giỏi, thi ngành Y con sẽ cứu được nhiều người”. Lời khuyên của người cha, cộng với hứng thú dành cho chiếc áo blouse trắng lớn dần theo tháng năm. Cậu học sinh chuyên toán, hóa đã nhanh chóng chọn hướng đi cho tương lai.

Ngày đó các thầy khắt khe, bác sĩ không được phép lập gia đình trong khi đang học nội trú vì phải dành tất cả thời gian lăn lộn ở bệnh viện mới mong tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Nhà cách Bệnh viện Việt Đức chỉ vài trăm mét nhưng cậu dọn vào ở hẳn trong bệnh viện. Suốt ba năm nội trú, thảng qua cậu mới ghé nhà ăn cùng cha mẹ bữa cơm rồi lại trở về với công việc. Đỗ hệ bác sĩ nội trú, trong thời gian học các chứng chỉ ở trường Đại học Y Hà Nội, Khánh xin vào bệnh viện trực trước nên khi học nội trú cậu bắt nhịp nhanh với công việc. Hễ thấy có ca bệnh nào khó hoặc đặc biệt, Khánh lại theo đàn anh vào phòng mổ, thỉnh thoảng xuống nhà xác bệnh viện để học thêm kiến thức từ chính các tử thi. Đang tuổi yêu đương nhưng chàng trai trẻ hồi đó toàn tâm toàn ý trong bệnh viện, tịnh chưa có mảnh tình nào. Nhìn lại những năm tháng đã qua, TS Khánh vẫn luôn ghi nhớ thành công hôm nay anh có được là từ những bậc tiền bối và chính bệnh nhân đã dạy cho anh kiến thức chuyên môn và đối nhân xử thế.

Chuyện về một 'chuyên gia mổ dạo' ảnh 2 TS Nguyễn Mạnh Khánh (thứ 2 từ trái sang) nhận học hàm PGS năm 2016.

Tìm thành công từ khiếm khuyết

Năm 2001, Khánh thi đỗ bác sĩ nội trú chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình, Đại học Bordeaux 2 (Pháp) và cậu may mắn được học những giảng viên hàng đầu về tế bào gốc trong chấn thương chỉnh hình, nội soi (khớp gối, khớp háng), mổ cột sống. Trở về Việt Nam, bác sĩ Khánh mạnh dạn triển khai các kỹ thuật đã được đào tạo. Năm 2002, kỹ thuật điều trị cột sống của Việt Nam còn “hoang vu” nhưng vì đã thực hành nhiều ca mổ hồi còn học bên Pháp nên được các thầy bật đèn xanh cho làm. Khánh bám vào 3 mảng lớn đó để phát triển. Hiện nay anh đang tập trung hết sức vào lĩnh vực rất mới là y học thể thao.

Anh không ngần ngại thừa nhận: “Cái khó trong mỗi con người là tự nhìn vào khuyết điểm của mình”. Và anh dám đối diện sòng phẳng với nó. Không hiếm lần, sau ca mổ, xem lại phim chụp, thấy không hài lòng hoặc bệnh nhân có vết sẹo không ưng ý lắm, bác sĩ Khánh lại băn khoăn, suy nghĩ. Anh gọi đó là nỗi dằn vặt với chính bản thân để lần mổ sau mình có thể làm tốt hơn nữa. TS Khánh cũng nổi tiếng là người khắt khe trong đào tạo với mong muốn học trò vững nghề và sáng tâm, nếu không bệnh nhân sẽ gánh chịu hậu quả.

Nhớ lại một thời tuổi trẻ đầy đam mê, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, giờ đã là Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) vẫn bồi hồi và hào hứng. Những điểm hấp dẫn như rõ ràng, nhanh gọn và quyết liệt tạo nên sức hấp dẫn của ngoại khoa nên anh nguyện một đời gắn bó. Có những ngày mổ 15-16 ca, hoặc những đợt mổ cấp cứu xuyên đêm khi bệnh nhân gãy cả 2 tay 2 chân, mệt, nhưng nhìn thành quả sau mỗi ca phẫu thuật, anh lại như được tiếp thêm sinh lực.

Chuyện về một 'chuyên gia mổ dạo' ảnh 3 PGS.TS Khánh (thứ 3 từ trái sang) cùng bác sĩ BV Việt Ðức và các đồng nghiệp quốc tế sau ca mổ.

Mới đây TS Khánh thực hiện thay khớp gối lại lần 2 cho một bệnh nhân. Đó là một ca rất khó, do bệnh nhân đã thay khớp 1 lần, từng trải qua 2 ca phẫu thuật ở cùng một vị trí, sẹo co dính hơn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Ca phẫu thuật này đã đặt ra cho các bác sĩ thách thức không nhỏ. Nhưng nhờ tài năng và kinh nghiệm, bác sĩ Khánh và đồng nghiệp đã thành công ngoài mong đợi.

Chưa lúc nào anh thấy nhàm chán với không gian phòng mổ. Ở nơi đó, dẫu hết năm này tháng nọ chỉ là lanh canh tiếng dụng cụ phẫu thuật, là bông gạc thấm máu bệnh nhân, là không khí tập trung cao độ và đôi khi là những thất bại cận kề nhưng chính nó đã hun đúc nên “đôi bàn tay vàng” trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Với “Chuyên gia mổ dạo” - biệt danh mà đồng nghiệp gọi vui dành cho anh bởi sự góp mặt ở hàng chục tỉnh thành để chuyển giao các kỹ thuật mới thì còn niềm vui nào hơn khi thấy những đứt gãy của cơ thể được chính mình đấu nối bằng tài năng và tình yêu thương dành cho người bệnh... Thoắt cái, một lần nữa, tôi thấy anh như ông thợ mộc lành nghề ở làng quê, chạm trổ, gọt giũa những thớ gỗ xù xì thành một vật phẩm sinh động nói cười. Từ trong ruột gỗ, có đôi mắt lấp lánh nhìn ra...

Với những nỗ lực và đóng góp của bản thân vào chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, năm 2016 TS Nguyễn Mạnh Khánh được Nhà nước phong tặng chức danh Phó Giáo sư ở tuổi 41, anh chính là phó giáo sư trẻ nhất Bệnh viện Việt Ðức.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.