Có các dấu hiệu này, chắc chắn bạn đang bị sốt xuất huyết rất nặng

Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TPO - Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giai đoạn có biến chứng của bệnh sốt xuất huyết (ngày thứ 4,5,6) dù bệnh nhân đã lui sốt nhưng không thể chủ quan mà cần ttheo dõi sát, đi khám và xét nghiệm công thức máu hàng ngày để có thể phát hiện sớm tình trạng hạ tiểu cầu và cô đặc máu nhiều. Nếu có các dấu hiệu cảnh báo thì cần nhập viện ngay.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, bệnh sốt xuất huyết thường khởi đầu bằng triệu chứng Sốt cao liên tục 39-40  độ, đau đầu, đau hốc mắt, đau mỏi cơ, nhức xương, khớp, có thể buồn nôn hoặc nôn, mệt mỏi, chán ăn, phát ban đỏ trên da. Nếu một người sống hoặc lưu trú ở vùng đang có dịch sốt xuất huyết mà có các biểu hiện trên thì phải nghĩ đến sốt xuất huyết, cần đi khám và xét nghiệm để xác định bệnh.

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên PGĐ BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, khi bị sốt xuất huyết, hầu hết bệnh nhân rất mệt mỏi, nếu sốt trong 1-2 ngày đầu nên đến bệnh viện để khám, xác định xem có phải bị sốt xuất huyết hay không.

Hiện nay có test xét nghiệm kháng nguyên NS1 của virus dengue. Trong 3 ngày đầu, nếu bệnh nhân không bị sốt quá cao, nôn, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân ở nhà điều trị theo dõi. Điều quan trọng là giai đoạn 2, tức là từ ngày thứ 4 trở đi rất nguy hiểm, cần phải đi khám, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm để xem bệnh nhân có bị giảm tiểu cầu, cô đặc máu hay không để điều trị kịp thời.

 

Bệnh thường diến biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt cao (thường kéo dài 2-3 ngày) với các biểu hiện đã mô tả ở trên, tiếp đến giai đoạn có biến chứng (thường kéo dài 3-4 ngày tiếp). Giai đoạn này đa số bệnh nhân lui sốt và ổn định dần, nhưng có 10% -20%  số bệnh nhân có thể có các biến chứng nặng như tình trạng tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, thậm chí tụt huyết áp và có thể tử vong.

 Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện hạ tiểu cầu trong máu gây xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh. Nếu tiểu cầu trong máu hạ quá nhiều  có thể gây các chảy máu nghiêm trọng như xuất huyết đường tiêu hóa, băng kinh, thậm chí xuất huyết trong ổ bụng, xuất huyết não, .... Qua giai đoạn có biến chứng, bệnh nhân sang giai đoạn hồi phục thường có cảm giác ngứa nhiều toàn thân và có thể còn mệt mỏi hàng tuần sau đó.

Giai đoạn có biến chứng (ngày thứ 4,5,6 của bệnh) dù bệnh nhân đã lui sốt nhưng không thể chủ quan mà cần ttheo dõi sát, đi khám và xét nghiệm công thức máu hàng ngày để có thể phát hiện sớm tình trạng hạ tiểu cầu và cô đặc máu nhiều. Nếu có những tình trạng này hoặc có các dấu hiệu cảnh báo thì cần nhập viện ngay.

BS Nguyễn Trung Cấp cảnh báo: Nếu bệnh nhân khám, xét nghiệm thấy có tình trạng cô đặc máu, hạ tiểu cầu trong máu nhiều hoặc có các dấu hiệu sau thì cần nhập viện ngay lập tức:

- Đau bụng nhiều, đau tức vùng gan

-         Nôn mửa

-         Chảy máu từ chân răng hoặc chảy máu cam

-         Đi ngoài, đi tiểu ra máu, nôn ra máu.

-         Chảy máu dưới da, có thể trông như vết thâm tím

-         Khó thở hoặc thở nhanh

-         Da lạnh hoặc vã mồ hôi lạnh

-         Mệt lả

-         Vật vã, li bì hoặc lờ đờ

MỚI - NÓNG