Coi chừng ngộ độc thuốc ở trẻ

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Có rất nhiều lý do dẫn tới ngộ độc thuốc ở trẻ em nhưng đa số là do sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của người lớn.

Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam, khoảng 25-30% số bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu là do ngộ độc cấp và số tử vong là 10-12%, trong số đó có không ít người bị ngộ độc thuốc, nhất là trẻ em. Các loại thuốc gây ngộ độc cho trẻ thường gặp  là: thuốc kháng Histamine, á phiện, thuốc ngủ, thuốc nhỏ mũi (Naptazoline), thuốc hạ nhiệt, thuốc chống đau nhức…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bác sĩ Trương Thế Dũng, Trưởng đoàn Y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin cho biết, một số các bậc cha mẹ không có chỗ lưu trữ cẩn thận thuốc lại để trong tầm với của trẻ. Trẻ vô tình nuốt phải gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, sự dễ dãi trong sử dụng thuốc điều trị cũng gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Không ít người lớn, khi trẻ bị bệnh, theo thói quen tự đi mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm hoặc lời mách bảo của những người xung quanh… đã dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc hoặc dùng không đúng thuốc, không đúng liều. 

Một số phụ huynh khi thấy trẻ có các triệu chứng thông thường còn sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí có người còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều cho trẻ uống… dẫn đến nguy cơ ngộ độc thuốc.

Bên cạnh đó, hiệu thuốc nhiều nơi bán tùy tiện thuốc kê đơn và không có tư vấn sử dụng thuốc, nhất là với trẻ em, trong khi việc dùng thuốc theo lứa tuổi và cân nặng là vô cùng quan trọng.

Dấu hiệu nhận biết và sơ cứu ngộ độc thuốc

 Cũng theo Bác sĩ Dũng, ngộ độc thuốc ở trẻ thường chủ yếu qua đường tiêu hóa (qua đường uống), ngoài ra còn qua các đường khác như: do tiếp xúc, qua hô hấp, máu, nhỏ mũi… Dấu hiệu ngộ độc còn tùy thuộc vào từng loại thuốc, liều lượng, đường ngộ độc nhưng các triệu chứng thường gặp là trước đó bé hoàn toàn khỏe mạnh, đột nhiên có dấu hiệu sau:

- Dấu hiệu tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy.

- Dấu hiệu hô hấp: ho sặc, thở nhanh, tím môi, khó thở.

- Dấu hiệu thần kinh: hôn mê hoặc co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có liệt hô hấp, rối loạn nhịp tim.

- Dấu hiệu tăng tiết: đàm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.

Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải quan sát kỹ chung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây độc. Hãy giữ con bạn ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Không đặt trẻ ở tư thế nằm. Trong trường hợp phát hiện trẻ tự uống thuốc với liều lượng lớn phải lấy thuốc ra từ trong miệng trẻ. Nếu thấy bé tỉnh táo, chưa bị nôn trớ, phản ứng tốt, cha mẹ hãy giúp bé nôn ra, cha mẹ có thể dùng ngón tay của mình kích thích vào cổ họng bé. 

Tuyệt đối không gây nôn trong trường hợp bé bị hôn mê, co giật. Sau những sơ cứu ban đầu tại nhà, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để cứu chữa và theo dõi sau đó. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, phải đem theo những vật nghi ngờ gây độc.

Ngộ độc thuốc - Đề phòng vẫn hơn

Ngộ độc thuốc thường khiến trẻ bị dị ứng, nặng hơn nữa là tổn thương gan, thận, sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng hoặc để lại những di chứng lâu dài.

Để phòng ngừa, bác sĩ Dũng khuyến cáo các bậc cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau: - Phải dùng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ cho mỗi lần khám. Không dùng đơn thuốc trong lần khám trước hay đơn thuốc của trẻ này cho trẻ khác hoặc của người lớn cho trẻ.

- Thuốc nên được bảo quản cẩn thận trong lọ kín với bông chống ẩm, nút chặt và có nhãn mác ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng nhằm tránh hiện tượng thuốc biến chất và sử dụng nhầm thuốc.

- Thuốc phải được cất giữ xa tầm trẻ với để tránh việc trẻ tò mò tự ý lấy uống.

- Không nên cho trẻ uống thuốc không rõ loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại thuốc Đông y bán dạo.

- Cha mẹ tránh dùng thuốc trước mặt trẻ, bé không biết lại tò mò, bắt chước người lớn.

- Không “mò mẫm” pha hay cho con uống thuốc trong phòng tối.

Trẻ ngộ độc thuốc phần lớn là do sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn nên về phía người nhà, gia đình của trẻ cần truyền thông, giáo dục cho họ có kiến thức trong chăm sóc sức khỏe cho trẻ và trong vấn đề sử dụng thuốc. 

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.