Coi chừng nhiễm sởi khi mang thai

Người mang thai cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để được khỏe mạnh - Ảnh: Shutterstock
Người mang thai cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để được khỏe mạnh - Ảnh: Shutterstock
Vì phần lớn chỉ nghe nhắc nhiều đến trẻ em mắc bệnh sởi, nên nhiều người nghĩ rằng bệnh sởi không đáng ngại với người lớn. Tuy nhiên, theo bác sĩ, phụ nữ mang thai nhiễm sởi sẽ bị sẩy thai.

Trong những ngày cuối tháng 4, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM luôn có trên dưới hơn 20 bệnh nhân mắc sởi là người lớn, trong khi trước đó chỉ độ trên dưới 10 người lớn bị bệnh này nằm viện điều trị nội trú. Tính từ đầu năm đến nay, ở bệnh viện này tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân mắc sởi, trong đó chiếm khoảng 1/3 là người lớn. Có ngày có 91 bệnh nhân sởi nằm viện tại đây, nhưng có đến 43 ca người lớn. Bệnh xảy ra nhiều trên người lớn là một trong những yếu tố khác thường của diễn biến bệnh sởi năm nay.  

Người mang thai cần đề phòng

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, mặc dù đến nay tại TP chưa có trường hợp tử vong do bệnh sởi, nhưng số mắc vẫn chưa dừng lại, bệnh này lại dễ lây lan. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (nơi tiếp nhận điều trị cho trẻ mắc sởi), cho rằng mặc dù sởi không gây tử vong nhiều như bệnh tay chân miệng, nhưng nó là bệnh rất dễ lây lan, và lây lan nhanh qua đường hô hấp (ho, hắt hơi), lây qua tiếp xúc gần với người đang bệnh, lây do dính phải dịch tiết mũi họng từ người bệnh.

Nguy cơ lây bệnh xảy ra trước và sau khi phát ban sởi khoảng 4 - 5 ngày. Nếu trong nhà có người mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh cho người khác trong gia đình là rất cao (trên dưới 80%) - nếu như các thành viên của gia đình đó chưa có miễn dịch. Với người lớn và trẻ em không có miễn dịch, không tiêm ngừa trước đó, thì nguy cơ bị lây nhiễm sởi ở trẻ em và người lớn là như nhau. Theo bác sĩ Khanh, đáng ngại là chị em phụ nữ đang mang thai, nếu họ bị lây nhiễm bệnh sởi thì có thể dẫn đến sẩy thai. Còn với người lớn nói chung thì biến chứng nặng do bệnh sởi gây ra thường gặp nhất là viêm não, viêm cơ tim (với trẻ em lại khác, biến chứng gặp nhiều là viêm phổi). “Nhưng lưu ý, phụ nữ đang mang thai thì không được tiêm ngừa sởi”, bác sĩ Khanh cho biết.

Tránh cảm cúm, cảm nắng

Ngoài ra, trong thời điểm nắng nóng và chuyển mùa ở một số địa phương như hiện nay, rất dễ khiến người ta bị cảm mạo, cảm nắng, sốt ho, sổ mũi. Bác sĩ khuyến cáo, chị em đang mang thai, nhất là mấy tháng đầu thai kỳ cần lưu ý tránh để mắc bệnh cảm cúm; nếu bị cảm cúm, sổ mũi, ho, đau đầu thì không tự ý dùng thuốc chống lại các triệu chứng, biến chứng đó, mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thuốc sử dụng. Vì phần lớn các thuốc trị cảm cúm, và trị những triệu chứng trên thường ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Chị em mang thai thời điểm này cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng cho cơ thể nhằm chống lại bệnh do thời tiết gây ra, để không ảnh hưởng lên thai nhi.

Theo Thanh Tùng

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.