Con gái hỗn láo với bố mẹ đẻ nhưng "nâng nhà chồng như trứng"

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Nhiều hôm chứng kiến cảnh nó hầu hạ, dạ vâng nhà chồng, mà tôi ứa nước mắt tủi thân. Nhưng chẳng nhẽ “vạch áo cho người xem lưng” nhà chồng biết được liệu có còn coi nó ra gì nữa không?

“ Ông ra đầu ngõ, bắt xe ôm mà ra bến! Đèo ông ra mấy cây số, con về mấy cây số, lại nắng nôi, oi ả thế này, nhỡ con ốm phải nghỉ việc, lấy gì nhét vào mồm mẹ con con? “ nghe tiếng con gái tôi nói với bố nó mà tôi đau từng khúc ruột.

Chả bù cho khi có bố mẹ chồng nó lên chơi, khi về trời mát thì nó lấy xe máy đèo bà hoặc ông ra bến, khi trời nắng, mưa nó mau mắn gọi taxi đến tận đầu ngõ đón ông, bà đi.

Vợ chồng tôi tuy là ở quê nhưng trước đều công tác trong cơ quan nhà nước, chúng tôi cũng đã về hưu, lâu lâu nhớ con, nhớ cháu, lại đùm túm khi thì yến gạo, khi con gà, con cá, mớ rau, đúng nghĩa thực phẩm sạch xuống thăm con.

Lần này thằng con nó ốm, không đi nhà trẻ được, nó ngọt nhạt, rủ rỉ bảo tôi ở lại đỡ nó. Ông nhà tôi phải về quê vì bỏ nhà, bỏ vườn lâu không tiện.

Thế mà nó nỡ gióng giả, bảo bố già tự bắt xe ôm ra bến cách đây đến 5-6 cây số giữa trưa nắng như đổ lửa, nghĩ mà buồn quá.

Vợ chồng tôi sinh được 3 người con, cô gái lớn lấy chồng ở tỉnh xa, thi thoảng mới về quê thăm bố mẹ, còn thằng út mới xin được việc ở thành phố nên cũng đã thuê nhà trọ để tiện việc đi làm.

Còn con bé này là gái thứ 2, tôi thương nó vì số vất vả, lấy chồng công tác xa, một năm số lần vợ chồng nó gặp nhau đếm trên đầu ngón tay. Nên vợ chồng tôi rỗi lại lên thành phố thăm nó và đỡ vài việc vặt khi mẹ con nó cần.

Tiếng là lấy chồng thành phố, nhưng căn nhà mẹ con nó ở, vợ chồng tôi cũng chắt bóp, vay mượn để góp với nhà thông gia mua cho con cháu.

Thôi thì “ cá chuổi đắm đuối vì con “ tôi cũng chẳng tiếc công, tiếc của gì với nó, nhưng nó ăn ở bạc lắm, cần thì nó tử tế, ngọt ngào nhờ vả, dựa dẫm.

Không cần hoặc trái ý nó, nó nói té tát vào mặt như tát nước đổ đi, chẳng biết giữ phận mình là con cái trong nhà nữa. Nghĩ cũng lạ, đối với bố mẹ đẻ, thương yêu, đùm bọc nó, rồi con nó hết lòng thì nó luôn ngang ngược, cay nghiệt, nhưng với bố mẹ chồng, nó nhũn như con chi chi, gọi dạ, bảo vâng, tử tế hết mực.

Nhiều hôm chứng kiến cảnh nó hầu hạ, dạ vâng nhà chồng, mà tôi ứa nước mắt tủi thân. Nhưng chẳng nhẽ “vạch áo cho người xem lưng” nhà chồng biết được liệu có còn coi nó ra gì nữa không?

Có lần con nó tự ngã vì quá nghịch, cu cậu bị bầm 1 bên mắt, đi làm về thấy con bị đau, nó chì chiết tôi là ở nhà rồi ăn chơi, vừa lười, vừa đoảng.

Tôi bực quá mắng nó mấy câu, không ngờ nó nhảy dựng lên, chỉ tay vào mặt tôi quát “ bà ngậm mồm lại, nói lắm nhức cả đầu “ thế rồi nó bế con nó vào phòng, đóng sầm cửa lại.

Mâm cơm tôi nấu, dọn lên nó không thèm động đũa, tôi cũng nhịn luôn vì còn lòng dạ đâu mà ăn, mà nuốt nổi.

3 đứa con tôi mang nặng đẻ đau, chỉ có nó là quá đáng nhất. Hay tại khi sinh nó thiếu thốn, nó ốm đau nên tôi quá nuông chiều nó làm nó hư? “ Bé không vin, cả gãy cành” bây giờ nó chồng con rồi, liệu tôi có uốn được nó nữa không đây?

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.