Con gặp nguy vì cha mẹ nhầm sởi với bệnh sốt khác

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Bệnh sởi và sốt phát ban rất dễ bị nhầm. Sau đây là một số cách phân biệt 2 bệnh này  ở trẻ em giúp các bà mẹ có thể phát hiện sớm và điều trị đúng cách cho con mình.

Triệu chứng bệnh sởi như thế nào?

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Virus này có tính lây truyền cao nên dễ gây thành dịch. Khi trên 94% quần thể trong cộng đồng có tính miễn dịch thì mới có thể cắt được sự lây truyền của sởi.Virus sởi truyền từ người này sang người khác qua những giọt dịch mũi – họng bắn ra khi nói, cười. Nếu người lành hít phải, virus sẽ xâm nhập qua niêm mạc đường hô hấp và gây bệnh. Do đó, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao nếu mọi người không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không hiệu quả (cần tiêm đủ 2 mũi). Sởi sẽ rất nguy hiểm nếu có biến chứng, đặc biệt là viêm não sau sởi.

Sốt: Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy.

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó có đến hơn 85% trẻ chưa được tiêm phòng bệnh này.

Nổi đỏ: Có những chấm nhỏ khoảng 1 mm nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12-18 giờ.

Sau khi sốt 3-4 ngày, thân người bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da. Người bệnh ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3-4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Người bệnh lại sức dần và hết sốt.

Còn bệnh rubella: có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nung bệnh 12 đến 14 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt nhẹ, các dấu hiệu mắt ướt, ho, chảy nước mũi, ỉa lỏng… nhưng gần như không thấy. Khi bệnh toàn phát, các biểu hiện mới rõ: Mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước dãi và rõ ràng nhất là nổi mẩn đỏ trên da giống như bệnh sởi. Trẻ ít khi nằm li bì, xung huyết mắt, da mặt, hạch to ở dọc hai bên cổ, không đau. Các nốt ban trên da dạng chấm đỏ rải rác, mọc không có quy luật. Có thể thấy đau khớp. Khi bệnh lui sẽ hết sốt, ban bay nhanh không theo quy luật, không để lại các dấu vết trên da, hạch trở về bình thường muộn hơn, thường sau 1 tuần.

Về biến chứng: bệnh sởi có thể gây viêm phổi, viêm phế quản thậm chí dẫn đến tử vong (nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi), viêm tai giữa, xoang, răng lợi, tiêu chảy mất nước, suy dinh dưỡng; viêm loét giác mạc… Các biến chứng thường xuất hiện khi bệnh toàn phát hoặc đã lui. Còn bênh rubella biến chứng chủ yếu là đau và sưng khớp, nhất là ở những phụ nữ cao tuổi (chiếm 70%), viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thần kinh, gây dị dạng thai nhi ở phụ nữ có thai. Phụ nữ mắc bệnh rubella khi đang mang thai có khả năng sinh con bị các dị tật bẩm sinh như bệnh tim, đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần, đục thủy tinh thể, điếc…

Ở bệnh sởi, ban đỏ xuất hiện sau sốt khoảng ba ngày. Còn trong sốt phát ban, các nốt đỏ mọc không theo trình tự nào. TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho biết dịch sốt phát ban chủ yếu ở người lớn. Tuy nhiên, trong thời tiết giao mùa như hiện nay, dịch bệnh lại xuất hiện ở nhóm trẻ em và chưa có dấu hiệu dừng. Hiện, mỗi ngày, riêng khoa Nhi, Bv Bạch Mai đã tiếp nhận 4 – 5 bệnh nhi.

Theo TS Dũng, các trường hợp sốt phát ban ở trẻ nhỏ chưa có ca nào biến chứng nặng nhưng điều đáng lo ngại là người lớn rất dễ nhầm sốt phát ban ở trẻ nhỏ với bệnh sởi. Bệnh sởi là do nhiễm virus cấp tính, biểu hiện ban đầu sốt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho và có nốt ở niêm mạc miệng. Sau đó, các nốt ban đỏ sẽ xuất hiện từ ngày thứ ba đến ngày thứ 7. Còn ở sốt phát ban, quá trình mọc ban đỏ không theo trình tự nào, có thể sau sốt 1 – 2 ngày. Trẻ nhỏ bị sốt phát ban nhẹ không cần đi bệnh viện mà cần chăm sóc chu đáo như tăng cường chế độ dinh dưỡng, điều trị hạ sốt, bổ sung nhiều nước, giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng… Sau vài ngày, bệnh sẽ tự khỏi. Nếu bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng sốt cao li bì, mạch huyết áp bị ảnh hưởng, xuất hiện các biểu hiện rối loạn tri giác như la hét, vật vã thì cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa.

MỚI - NÓNG