Còn nhiều bất thường về chi phí khám chữa bệnh BHYT

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh chủ trì hội nghị cung cấp thông tin hoạt động BHXH 7 tháng đầu năm. Ảnh: PT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh chủ trì hội nghị cung cấp thông tin hoạt động BHXH 7 tháng đầu năm. Ảnh: PT.
TP - Ông Ðàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết: Qua thống kê, vẫn có tình trạng đề nghị thanh toán dịch vụ kỹ thuật cao bất thường.

Còn nhiều chi phí quá cao

Ông Ðàm Hiếu Trung cho hay, qua hệ thống giám định BHYT, trong nửa đầu năm xuất hiện dịch vụ kỹ thuật phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa cao bất thường tại một số cơ sở y tế. Cụ thể, tại Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc có 371/375 trường hợp phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa; Bệnh viện huyện Krông Pắc (Ðắk Lắk) có 86/86 trường hợp; Trung tâm y tế xã Thuận An (Bình Dương) có 62/62 trường hợp;  Bệnh viện Lục Ngạn (Bắc Giang) có 147/147 trường hợp.

Tuy nhiên, kiểm tra hồ sơ bệnh án tại các cơ sở khám chữa bệnh lại cho kết quả khá “bất ngờ”. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắc, 100% bệnh án được kiểm tra không phải là viêm phúc mạc ruột thừa; tại Trung tâm y tế thị xã Thuận An, có 60/62 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa; tại Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn, có 18/75 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa... “Viêm phúc mạng ruột thừa là biến chứng khi bệnh nhân bị viêm ruột thừa nhưng đến BV muộn. Mức giá thanh toán của dịch vụ phẫu thuật viêm ruột thừa đơn thuần là 1,4 triệu đồng, mức giá viêm phúc mạng ruột thừa cao gấp đôi (2,8 triệu đồng). Ngoài ra, còn nhiều dịch vụ khác phải đi kèm...”, ông Trung phân tích và cho biết thêm, sau khi kiểm tra, toàn bộ chi phí sai sót này đã bị BHXH các tỉnh từ chối thanh toán.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí tiền giường bệnh nội trú của các tỉnh Hậu Giang, Ðồng Tháp, Ðắk Nông, Cao Bằng cao so với tỷ lệ bình quân toàn quốc. Ðơn cử: Hậu Giang có tỷ lệ tiền giường nội trú/tổng chi nội trú là 55,24/117,64 tỷ đồng (chiếm 46,96%); Ðồng Tháp 123,50/293,57 tỷ đồng (chiếm 42,07%); Ðắk Nông 21,08/50,78 tỷ đồng (chiếm 41,51%); Cao Bằng 42,98/104,38 tỷ đồng (chiếm 41,18%). Trong khi đó, tỷ lệ bình quân toàn quốc là 8.739/33.159 tỷ đồng (chiếm 26,36%).

Theo số liệu trên Hệ thống giám định, tính đến 30/6, tỷ lệ sử dụng Quỹ BHYT trên toàn quốc so với dự toán cả năm là 51,97%. Có một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng Quỹ BHYT cao so với dự toán cả năm, như: Quảng Ninh 57,63%; Khánh Hòa 56,86%; Tiền Giang 56,65%; Ðồng Tháp 56,39% và Bạc Liêu 56,36%...

Ðánh giá tình hình liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT vẫn chưa đạt yêu cầu, ông Trung cho biết, việc các cơ sở y tế chậm chuyển dữ liệu sẽ ảnh hưởng đến đánh giá dự toán, phân tích dữ liệu và không đúng theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 48. Trong tháng 7/2018, tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày của toàn quốc là 74,54%, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ thấp nhất là: Hà Nội 35,49%; Quảng Nam 46,72%; Thái Nguyên 47,49%; TPHCM 52,81%; Nam Ðịnh 53,37%...

Khởi sắc giảm nợ đọng

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, ước đến 31/7, toàn quốc có 13,94 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 230.00 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,89 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 81,69 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 87,2% dân số). Lũy kế đến hết tháng 7/2018, toàn ngành thu 178.823 tỷ đồng (đạt 54,2% kế hoạch cả năm).

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh cho biết, bên cạnh kết quả thu đạt nhiều khả quan, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT cũng giảm mạnh. Hiện nợ BHXH còn 7.200 tỷ đồng (bằng 3,6% số phải thu). Theo ông Ánh, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua số nợ giảm dưới 5% số phải thu.

Nhiều giải pháp tăng thu, giảm nợ đã được BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ. Ngoài việc cử cán bộ chuyên quản thu trực tiếp đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan BHXH còn đẩy mạnh hoạt động thanh tra, xử phạt các đơn vị vi phạm theo quy định của Luật BHXH; công khai danh tính đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Song song với các giải pháp đốc thu, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT cũng được đảm bảo kịp thời. Trong 7 tháng đầu năm, toàn ngành đã giải quyết 69.206 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 456.898 người hưởng trợ cấp 1 lần; 5.753.418 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Cả nước đã có 100,16 triệu lượt người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả, với mức chi khoảng 55.837 tỷ đồng. Ngành BHXH phối hợp với ngành LÐ-TB&XH giải quyết cho 373.887 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 18.986 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề...

Theo BHXH Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã thanh, kiểm tra hơn 8.100 đơn vị và phát hiện hàng loạt các sai phạm trong việc đóng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Qua thanh kiểm tra phát hiện hơn 17.786 người lao động chưa được đóng, đóng thiếu BHXH, số tiền truy đóng hơn 40 tỷ đồng. Trước khi thanh kiểm tra, các doanh nghiệp nợ BHXH hơn 1.146 tỷ đồng, nhưng ngay khi biết bị thanh kiểm tra, các doanh nghiệp đã trả hơn 661 tỷ đồng. Ðồng thời, cơ quan BHXH cũng ban hành 364 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 11,2 tỷ đồng, hiện đã thu hơn 2,9 tỷ đồng.
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.