COVID-19 tăng 'khủng' trở lại ở Châu Âu, Việt Nam biến động mạnh số người cách ly

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Bản tin cập nhật trưa 20/9 từ Bộ Y tế cho thấy, thế giới ghi nhận hơn 30,6 triệu người nhiễm, hơn 955.000 người tử vong do mắc COVID-19, khi ca nhiễm tăng mạnh trở lại ở châu Âu. Tại Việt Nam, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là 24.396, giảm gần 7.000 người so với hôm qua.

Theo đó, tính đến 11 giờ ngày 20/9: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

- Tính từ 18h ngày 19/9 đến 6h ngày 20/9: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Như vậy, đến nay Việt Nam cũng đã sang ngày thứ 18 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng. Các địa phương có ca nhiễm COVID-19 cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.

Tại TP. Hồ Chí Minh đã 51 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng.

Tại TP Hà Nội cũng đã qua 32 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng

Tại Hải Dương là 21 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng. Hiện Hải Dương chỉ còn điều trị 3 bệnh nhân COVID-19, các bệnh nhân này đều có kết quả xét nghiệm âm tính 2-3 lần với virus SARS-CoV-2

Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt "Thông điệp 5K" gồm: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế để giữ an toàn cho bản thân và xã hội trước đại dịch COVID-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là 24.396 người, giảm gần 7.000 người so với ngày hôm qua.

Về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers, thế giới ghi nhận hơn 30,6 triệu người nhiễm, hơn 955.000 người tử vong do mắc COVID-19, khi ca nhiễm tăng mạnh trở lại ở châu Âu.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.925.941 ca nhiễm và 203.717 người tử vong.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, tổng số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 hiện lần lượt 5.312.537 và 85.650. Số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, hiện quốc gia này ghi nhận 4.497.434 người mắc COVID-19 và 135.857 người tử vơng vì COVID-19

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 279.526 ca nhiễm và 4.830 ca tử vong, tăng lần lượt 3.257 và 47 ca. Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 236.519 ca nhiễm. Thủ đô Jakarta từ 14/9 tiếp tục siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.

Thông tin về bệnh nhân mắc COVID-19 duy nhất trong tình trạng nặng đang điều trị tại Hà Nội

Theo đó, bệnh nhân 793 (BN793) đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 hiện là người duy nhất có tình trạng nặng, tiến triển sức khoẻ ổn định. Hiện bệnh nhân đang thở oxy, đã chuyển âm tính ít nhất 1 lần với SARS-CoV-2. Được biết, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 16 bệnh nhân COVID-19, là nơi có số bệnh nhân đông nhất hiện nay.

BN793- người đàn ông 58 tuổi quê Bắc Giang - đã được kết thúc ECMO  (tim phổi nhân tạo) từ ngày 4/9, rút ống nội khí quản ngày 5/9. Đây là một trong các bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch điều trị tại Bệnh viện này, giai đoạn 2.

Đến 7/9, bệnh nhân thở oxy kính mũi, huyết động ổn định. Bệnh nhân đã có thể tự ăn đường miệng được. Đây là ca bệnh COVID-19 nguy kịch thứ 2 phải dùng ECMO (tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (sau bệnh nhân 19) và thở máy xâm nhập được điều trị thành công.

BN793 là ông nội của bệnh nhân 794 và 744; là bố của BN673 và là chồng của BN674. Ông được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cách ly từ hôm 5/8, tới 7/8 phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Trước đó ông cũng được CDC Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm nhưng âm tính.

Hôm 14/8, BN793 được chuyển lên Khoa Điều trị tích cực với tình trạng nặng. Trong ngày, bệnh nhân bắt đầu có cơn sốt trở lại. 12 ngày sau, bệnh nhân phải đặt ECMO do tình trạng viêm phổi của bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu, 80% phổi bị tổn thương, nhiễm trùng chưa cải thiện.

MỚI - NÓNG