Cục Quản lý Dược: Không thể 'nhầm lẫn' thực phẩm chức năng với thuốc

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.
TPO - Theo đại diện Cục Quản lý Dược, cơ quan này sẽ giám sát thị trường để thuốc phải là thuốc, thực phẩm phải là thực phẩm, mỹ phẩm phải là mỹ phẩm chứ không thể nhầm lẫn được.

Tại buổi tọa đàm chủ đề “Thị trường Thuốc và Thực phẩm chức năng – Minh bạch để phát triển”,do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 31/8, PGS. TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, khoảng trống về quản lý sẽ khó kiểm soát thuốc và thực phẩm chức năng.

Theo ông Truyền, tại Việt Nam, việc quản lý thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) rất khó phân định ranh giới. Nhiều loại nhập nhằng giữa thuốc và TPCN khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Nếu cơ quan chức năng không có sự phối hợp chặt chẽ sẽ có nhiều khoảng không về pháp lý và quản lý.

Đã từng ở vị trí lãnh đạo phụ trách ngành dược, ông Truyền cho rằng, ngành dược quản lý rất chặt chẽ, quản lý rất tốt về hóa dược, nhưng còn mảng thuốc về dược liệu vẫn còn bỏ ngỏ. Do đó vẫn tồn tại sự chồng lấn giữa thuốc dược liệu và TPCN.

Nguyên Thứ trưởng chỉ rõ, hiện nay ở Việt Nam đã xây dựng pháp luật chuyên ngành khá tốt, nhưng tất cả vẫn xây dựng theo từng lĩnh vực và nếu có những sản phẩm nằm giữa thì đó là khoảng trống. Về phía cơ quan thực thi, hiện có sự phân chia các cơ quan chuyên trách nhưng lại xuất hiện những cơ quan ở giữa không biết trách nhiệm, quyền hạn của mình ở đâu nên đã tạo ra những khe hở cho doanh nghiệp “lách luật”, cuối cùng là người tiêu dùng thiệt hại.

Mặc dù được kỳ vọng và trên thực tế đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, thị trường thuốc và TPCN tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập. Công tác quản lý, sản xuất và phân phối khá lỏng lẻo và nhiều hạn chế nên đã dẫn đến thị trường này phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, những quy định bất hợp lý và thiếu tính nhất quán của các cơ quan quản lý trong việc quy định: Thời gian nghiên cứu và đăng ký sản phẩm, Tiêu chuẩn chất lượng trong quá trình sản xuất, quy định về giá cả cung cấp ra thị trường hay phương thức đấu thầu cung cấp thuốc vào các cơ sở khám chữa bệnh… đã khiến không ít các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thuốc và TPCN mất phương hướng, không thể đề ra chiến lược sản xuất kinh doanh bài bản, lâu dài, dẫn đến kinh doanh thời vụ và chụp giật, thậm chí là lừa dối khách hàng vì lý do lợi nhuận, làm méo mó và mất cân đối thị trường.

“Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ văn bản pháp luật trong 20 năm đổi mới, nhưng vấn đề là cần làm sao xóa bỏ khoảng trống trong văn bản pháp luật và hệ thống quản lý. Một vấn đề nữa rất quan trọng, theo tôi đó là sự hòa hợp giữa nội luật (luật nội địa) và luật pháp quốc tế. Trong điều kiện hội nhập như hiện nay, nếu Việt Nam cứ giữ những nội luật đặc thù thì sẽ mất “sân chơi” trong khu vực và trên thế giới”, ông Truyền nói.

Bà Lê Thị Bình, Giám đốc Công ty TNHH Dược Tâm Bình đã chia sẻ: “Để đăng ký hồ sơ thuốc, chúng tôi phải mất 3 năm. Vì theo quy định của ngành, doanh nghiệp phải đạt GMP thì mới cấp hồ sơ đăng ký (HSĐK) thuốc, nhưng các công ty nhỏ họ “lách” bằng cách sản xuất TPCN chứ không sản xuất thuốc. Sau đó TPCN len lỏi vào các cửa hàng thuốc mà ngay cả cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát. Doanh nghiệp chúng tôi đều mong muốn phát triển bền vững và đã thực hiện đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng bị vướng mắc với các doanh nghiệp nhỏ”.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược bày tỏ, chủ trương của Cục Dược là ủng hộ những gì chúng ta đang có. Hiện chúng ta đang hội nhập, nên rất cần có chế tài để ủng hộ sản phẩm Việt Nam, nhưng phải làm sao để không vi phạm quy tắc hội nhập. 

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, ngoài ra, liên quan đến lộ trình, cũng chưa hẳn là doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để đạt được mục đích, bởi mọi công ty đều có lộ trình, chỉ là doanh nghiệp đi trước sẽ thiệt thòi hơn một chút, còn doanh nghiệp đi sau thì lộ trình đã trơn chu nên tiến hành nhanh hơn. 

Ông Đạt cam kết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng các văn bản phù hợp, đảm bảo lộ trình và đảm bảo phát huy ngành thuốc cổ truyền. Hiện, chúng tôi đã có chế tài đầy đủ, qua đó giám sát thị trường để thuốc phải là thuốc, thực phẩm phải là thực phẩm, mỹ phẩm phải là mỹ phẩm chứ không thể nhầm lẫn được”.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).